Nguy cơ thất truyền bún cổ tiến vua
(Sóng trẻ) - Bún Mạch Tràng - món ăn có từ thời Âu Lạc dùng để tiến vua những dịp quan trọng. Món ăn ấy đã làm nên cả làng nghề hàng nghìn năm tuổi, vậy mà giờ đây quá trình hội nhập với công nghệ tiên tiến đẩy làng nghề ấy đến nguy cơ thất truyền nghiệp nghìn năm để thay thế bằng sự sản xuất đại trà, công nghiệp.
Làng nghề truyền thống nghìn năm tuổi
Nói đến Cổ Loa, người ta thường hay nghĩ đến những địa danh nổi tiếng như Loa Thành, Giếng Ngọc, Am Mỵ Châu hay Đền thờ Cao Lỗ mà ít ai biết rằng, miền đất ghi dấu những ký ức lịch sử một thời này còn mang trong mình một món đặc sản rất riêng – Bún Mạch Tràng.
Ông Trung – người làm bún truyền thống duy nhất còn lại làng bún Mạch Tràng đang tiến hành nhào bột
để chuẩn bị làm bún
Bún Mạch Tràng được đặt theo tên của một làng trong khu vực Loa Thành. Theo như ông Trung bà Vụ, gia đình duy nhất còn làm bún thủ công tại Mạch Tràng chia sẻ, nguồn gốc của món bún đặc biệt này xuất phát từ một truyền thuyết cổ từ ngàn năm trước. Ông Trung kể, khi ấy, có anh đầu bếp lỡ nấu nhầm món ăn trong lễ dạm hỏi của công chúa Mỵ Châu, anh ta lấy những sợi bột trắng được trần qua nước sôi, xào trộn với rau cần ra được một món bún, anh ta mang lên tiến vua luôn, ai dè vua nhìn thấy lạ, ăn rồi lại càng thấy thích, nên từ đó mới có đặc sản bún Mạch Tràng trứ danh Cổ Loa này.
Bún Mạch Tràng có nét đặc trưng riêng rất dễ thấy. Sợi bún Mạch Tràng dai giòn và thanh mát, không trắng phau như bún ở chợ người ta hay bán mà có màu hơi ngà. Quy trình làm bún cũng rất phức tạp, bà Vụ có nói: “Làm bún là phải tập trung, không là sợi bún sẽ bị ướt mềm ra, không ăn được”.
Những sợi bún Mạch Tràng do ông Trung, bà Vụ làm ra
Hàng năm cứ vào dịp lễ hội Đền An Dương Vương mùng 6 tháng Giêng và 13 tháng Tám, người dân trong vùng lại nô nức chuẩn bị những đĩa bún xào cần từ chính những sợi bún mà làng Mạch Tràng làm ra để dâng cúng tiến vua. Nài ra, bún cũng được làm để buôn bán nài chợ, vừa giúp người dân kiếm thêm thu nhập, vừa để duy trì nghề làm bún truyền thống từ đời này qua đời khác.
Thất truyền nghề làm bún truyền thống Mạch Tràng
Truyền thống làm bún từ xa xưa được nối tiếp đến tận ngày nay nhưng không trọn vẹn. Trao đổi với gia đình ông Trung bà Vụ, bà Vụ kể, cả cái làng này, còn mỗi gia đình bà là còn làm bún thủ công, những nhà khác, một là chuyển sang làm máy, hai là làm nghề khác. Khi được hỏi về lý do cho sự sa sút của nghề bún nơi đây, ông Trung chép miệng: “Nghề bún không phát triển được, bún thì nn, nhưng ngày công thì thấp quá lại vất vả nữa, không phải ai cũng kiên trì làm nên bún Mạch Tràng cứ dần mai một đi thôi!”.
Ông Trung đang trong quá trình làm bún
Nói đến sự sa sút của làng bún Mạch Tràng, ông Trung bà Vụ cũng không khỏi rầu rĩ, cám cảnh cho hoàn cảnh nhà mình. Với nỗi lo về thế hệ sau không thể tiếp tục nối nghề cha ông, bà Vụ tâm sự: “Con cháu trong nhà đứa đi học, đứa đi làm, mà chúng tôi cũng không cho chúng nó làm nghề này bởi vì vất quá mà thu nhập thì thấp, có 10 nghìn đồng một cân bún thì sống sao cho nổi!”.
Ông Trung cũng nói, hai ông bà chỉ làm bún đến hết đời này rồi thôi, già rồi, cũng muốn nghỉ lắm nhưng nhiều người còn nhờ, còn muốn ăn đặc sản Mạch Tràng, nên ông bà cố gắng làm nốt. Gia đình ông bà cũng cương quyết không chuyển sang làm máy, phần vì mất nhiều tiền vào máy móc mà cũng vì ông Trung đã từng chứng kiến cảnh người hàng xóm đổ mất 20kg bún công nghiệp vì ế chỏng chơ không ai mua.
Ông Trung buồn rầu bảo, nếu nghề mà thất truyền, ông tiếc lắm, nhưng ông bất lực. Nỗi lo về việc thất truyền nghề luôn vương vấn trong đôi mắt của ông Trung, bởi gia đình ông đã làm cái nghề này ngót ngét gần nửa đời người. Đó là cái nghề mà cha ông để lại và cũng là cái nghề làm nên nét riêng biệt của làng Mạch Tràng, Cổ Loa.
Quang cảnh nhà ông Trung, bà Vụ tại làng bún Mạch Tràng
Bún Mạch Tràng mang trong mình lịch sử hàng ngàn năm, nay đứng trước những thách thức thời cuộc, không biết sợi bún giòn dai, thơm mát, sợi bún ngà nối liền quá khứ và hiện tại sẽ được tiếp nối dài thêm trong sự tự hào của người dân Mạch Tràng hay là đứt đoạn trong nỗi buồn vô hạn thế hệ sau không thể bảo vệ đặc sản quê hương?
Huyền Trang – Ngọc Lệ
Cùng chuyên mục
Bình luận