Gìn giữ sắc lụa nghìn năm
(Sóng trẻ) - Tồn tại qua hơn 10 thế kỷ, làng Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) là một trong những làng nghề dệt lụa nổi tiếng và có lịch sử lâu đời nhất nước ta. Hiện nay, trước quá trình đô thị hóa, việc bảo tồn và phát triển làng nghề phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của những nghệ nhân và chính quyền địa phương trong việc gìn giữ sắc lụa truyền thống.
Nghìn năm thăng trầm
Theo các tài liệu lịch sử, nghề dệt lụa Vạn Phúc có từ khoảng 1200 năm trước. Khi đó, bà A Lã Thị Nương là vợ của Cao Biền, thái thú Giao Chỉ, từng sống ở trang Vạn Bảo (tên gọi trước đây của Vạn Phúc). Bà là người gốc Cao Bằng, nổi tiếng đảm đang và có tay nghề dệt lụa khéo léo. Trong thời gian ở làng, bà đã dạy người dân cách làm ăn và truyền nghề dệt lụa. Sau khi mất, bà được phong làm thành hoàng làng.
Dưới thời phong kiến, lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục cho các bậc vua chúa và quan lại. Năm 1931, lụa Vạn Phúc lần đầu được giới thiệu ra quốc tế tại hội chợ Marseille và được người Pháp đánh giá là “Đệ nhất tinh xảo” vùng Đông Dương. Sau đó, các sản phẩm lụa Vạn Phúc được xuất khẩu sang các nước Đông Âu và dần lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới.
Năm 2017, lụa Vạn Phúc gần như rơi vào khủng hoảng khi một số cửa hàng bị phát hiện nhập hàng Trung Quốc và giả mạo lụa Vạn Phúc để bán cho khách. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu làng nghề. Du khách bắt đầu hoài nghi về chất lượng sản phẩm và “quay lưng” với lụa Vạn Phúc khiến hàng loạt cửa hàng rơi vào tình trạng ế ẩm.
Trước nguy cơ có thể đánh mất thương hiệu truyền thống, Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã nhanh chóng đăng ký bản quyền lụa Vạn Phúc với Cục Sở hữu trí tuệ. Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho biết: “Chúng tôi đã đưa tên thương hiệu “Lụa Hà Đông” dệt vào biên vải. Cũng giống như hoa văn của lụa, một số nơi họ in hoặc vẽ lên vải thì chúng tôi hoàn toàn làm bằng cách dệt thủ công. Chúng tôi cũng công khai quy trình sản xuất, người dân có thể trực tiếp tham quan tại xưởng dệt và được hướng dẫn cách chọn lụa chuẩn.”
Bằng những nỗ lực khẳng định thương hiệu và chất lượng làng nghề, lụa Vạn Phúc dần “hồi sinh” và tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức công bố nghề dệt lụa Vạn Phúc thuộc Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tích cực đổi mới
Dù là làng nghề truyền thống lâu đời, nhưng chính quyền và người dân làng Vạn Phúc không bó hẹp bản thân trong khuôn mẫu cũ. Họ luôn chủ động học hỏi và tiếp thu những kiến thức mới để phát triển và quảng bá rộng rãi sản phẩm làng nghề.
Trong thời đại công nghệ 4.0, nhận thấy xu hướng mua hàng của người tiêu dùng đang chuyển dần sang hình thức trực tuyến, nhiều cửa hàng tại làng Vạn Phúc đã áp dụng công nghệ vào việc kinh doanh. Chị Nguyễn Thanh Thủy (45 tuổi), chủ cửa hàng Thanh Thủy Silk cho biết: “Để mở rộng thị trường và tiếp cận với nhiều khách hàng hơn, chúng tôi đã đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, sau đó livestream để quảng cáo và tư vấn sản phẩm trực tiếp cho khách hàng. Cũng nhờ đó mà chúng tôi có thêm mối sỉ và bán được cho cả khách nước ngoài”.
Bên cạnh việc chú trọng vào quá trình tiêu thụ sản phẩm, làng Vạn Phúc còn đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, vẻ đẹp làng nghề thông qua định hướng phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch. Ông Phạm Khắc Hà cho biết: “Du lịch hiện nay là ngành công nghiệp rất phát triển, ngành công nghiệp không khói. Nếu kết hợp được cả du lịch và phát triển làng nghề thì chắc chắn sẽ vừa tạo được công ăn việc làm cho người dân, thúc đẩy kinh tế cho làng lại vừa tạo nên được môi trường du lịch trải nghiệm hấp dẫn”.
Để thực hiện mô hình tích hợp này, phường Vạn Phúc đã xây dựng các tuyến phố Lụa kết hợp với các ngành nghề phụ trợ để phục vụ khách du lịch như: Khu phố ẩm thực, phố sinh vật cảnh, trung tâm giao lưu văn hóa đồ cổ, phát triển loại hình lưu trú, mua sắm. Các hộ dân mở cửa hàng trên tuyến phố Lụa phải đăng ký gian hàng đạt chuẩn với Sở Du lịch Thành phố về giá cả và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, bảo đảm chất lượng về hàng hóa cho khách hàng.
Với nỗ lực từ chính quyền địa phương và tâm huyết của những người nghệ nhân, tinh hoa làng nghề dệt lụa Vạn Phúc không những không bị mai một mà ngày càng phát triển, khẳng định được giá trị lịch sử, văn hóa của làng nghề nghìn năm tuổi. Tuy nhiên, để tiếp tục hành trình bảo tồn và phát triển lụa Vạn Phúc, việc quan trọng nhất chính là phải “truyền lửa” cho thế hệ sau.
Ông Hà trăn trở: “Bởi vì làm nghề này không giàu, mà chính vì không giàu nên dễ bị thất truyền. Chính vì thế phải tuyên truyền, vận động và phân tích cho giới trẻ thì họ mới hiểu được nghề, mới yêu nghề rồi sau đó mới làm được nghề. Hội Làng nghề sẽ là cầu nối giữa nghệ nhân và thế hệ trẻ để hỗ trợ đào tạo, tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, truyền dạy nghề”. Có như vậy thì làng nghề dệt lụa Vạn Phúc mới có thể tồn tại và ngày càng vươn xa.