"Hà Nội Đủ" - nỗ lực của giới trẻ vì một thủ đô no ấm
(Sóng trẻ) - “Lúc đi quét bà thấy người ta hay vứt nhất là rau, cà chua,... Thỉnh thoảng có cả nửa cái bánh ngọt người ta rơi trên đường xe cộ đi lại be bét hết ra, nhìn phí quá cháu ạ. Ở nhà, bà có bao giờ dám ăn mấy thứ như thế đâu” Câu nói đầy ám ảnh của một bà lão nghèo nhặt rác trên đường là động lực đầu tiên hình thành dự án Hà Nội Đủ- một dự án quyên góp thức ăn thừa giúp đỡ những người nghèo khó.
Một bát cơm, một nụ cười
Được thành lập từ năm 2013, Hà Nội Đủ trở thành cái tên quen thuộc với các hoạt động xã hội như “Đông ấm- Tết đủ 2014”, “Save Food, Save the Earth” (Tiết kiệm thực phẩm- Bảo vệ Trái Đất)… nhằm làm cầu nối thức ăn từ nơi thừa đến nơi thiếu, hướng mọi người tới việc sử dụng có ích và tiết kiệm nguồn thực phẩm.
Từ 4 thành viên ban đầu, đến nay, Hà Nội Đủ đã thu hút hơn 30 thành viên và đội ngũ cộng tác viên đông đảo, chủ yếu là sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội.
Đối tượng của dự án là những người nghèo khổ, sống ở các khu ổ chuột, gầm cầu, làng ven sông Hồng, chợ Long Biên , các bệnh nhân nghèo và những người vô gia cư hàng đêm ngủ bên vệ đường. Đa phần họ không có đủ 3 bữa một ngày. Trong khi, hàng ngày ở các nhà hàng khách sạn thải ra lượng thức ăn thừa rất lớn. Hà Nội Đủ ra đời nhằm giải quyết nghịch lý trên.
Hà Nội Đủ- dự án “mang thức ăn từ nơi thừa đến nơi thiếu”
Các thành viên sẽ liên hệ những nhà hàng, quán cơm, tiệm bánh mỳ để kêu gọi tài trợ thực phẩm dư thừa. Tuy nhiên tất cả phải là thực phẩm chưa được dùng đến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được đóng gói và bảo quản cẩn thận. “Thức ăn này sẽ được tập kết ở một địa điểm và chế biến lại cho đảm bảo vệ sinh. Sau đó bọn mình đóng gói và mang đi phân phát. Thực phẩm chủ yếu là cơm, cháo, thịt, rau quả các loại, bánh mỳ và nước uống”, bạn Phạm Thị Thùy Dung, trưởng dự án cho biết.
Đồ ăn được tập kết tại một địa điểm để chế biến lại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
“Save Food, Save the Earth” là chiến dịch thành công nhất của Hà Nội Đủ diễn ra ngày 31/5 mới đây. Hơn 100 suất cơm, cháo và 200 suất bánh kẹo đủ loại đã được phân phát đến Làng trẻ Hòa Bình, bệnh viện Đống Đa và khu làng ven cầu Long Biên.
Các tình nguyện viên Hà Nội Đủ trao tận tay món quà đến những người bệnh nhân nghèo
Các em nhỏ làng nghèo Long Biên vui mừng khi nhận được quà của các anh chị Tình nguyện viên
"Trong quá trình tình nguyện, bọn mình có cơ hội giúp đỡ và lắng nghe nhiều câu chuyện cuộc sống ý nghĩa, vui có, buồn có. Nhưng tất cả họ luôn sống rất lạc quan”, bạn Mai Lan Anh (Đại học Hà Nội) chia sẻ.
Cụ Yến ở Hồ Gươm - một trong những người được Hà Nội Đủ hỗ trợ
Bà Trần Thị Thìn là “khách hàng quen thuộc” của các Tình nguyện viên Hà Nội Đủ sống ở làng ven cầu Long Biên cùng người con trai bị thần kinh. Bà làm đủ mọi nghề từ nhặt ve chai, nhặt rác đến phơi phóng thuê, ai thuê gì cũng làm. Bà kể: “Hôm nào bà khỏe thì bà đi nhặt giấy, ni lông bán lấy tiền, đi phơi phóng thuê cho người ta. Hôm nào yếu thì bà ở nhà. Mỗi hôm đi giỏi lắm cũng chỉ được 30, 40 nghìn.”
Bà Trần Thị Thìn đang ăn bát cháo nóng do Hà Nội Đủ gửi tặng
Ước mong về một “Đất nước đủ”
Kể về những vất vả khi thực hiện dự án, bạn Nguyễn Quỳnh Trang (Đại học Kinh tế quốc dân) chia sẻ: “Hồi mới thành lập, ngày nào các thành viên cũng phải có mặt nài đường, len lỏi các khu chợ Long Biên, Thanh Xuân để tìm người thực sự cần thức ăn. Có khi 3-4h sáng, bọn mình phải lên chợ Đồng Xuân tìm người nhặt rác nhưng không thấy vì không đúng giờ họ làm. Những hôm đêm đông rét bọn mình vẫn cố đi, vì biết rằng đó là lúc nhiều người cần bọn mình nhất”.
Theo báo cáo của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO), mỗi năm thế giới đang lãng phí 1,3 tỉ tấn lương thực, trong khi đó cứ 7 người thì có 1 người đói và hơn 20 ngàn trẻ em dưới 5 tuổi chết vì đói mỗi ngày. Tuy nhiên, quyên góp và phân phát thức ăn thừa lại là một dự án mới mẻ ở Việt Nam và gặp nhiều khó khăn. Người Việt ta từ xưa vẫn có thói “sĩ diên” và coi việc để thừa thức ăn chứng tỏ mình giàu có, sang trọng. Vì vậy, khi dự án Hà Nội Đủ mới hoạt động gặp phải nhiều khó khăn. Bạn Trần Quốc Long (Đại học Dược Hà Nội) nói: “Người nghèo khổ nhưng không cần thức ăn quyên góp, chính quyền nghi ngờ về chất lượng thực phẩm. Một số nhà hàng cũng lo ngại về khâu vận chuyển đồ ăn, chế biến nên không giúp đỡ”.
Đến nay, với hàng loạt hoạt động thiết thực, Hà Nội Đủ đã nhận được sự tin tưởng và giúp đỡ của nhiều nhà hàng, khách sạn. Họ không chỉ nhiệt tình cung cấp thực phẩm mà còn giúp nhóm chế biến thức ăn để đảm bảo độ thơm nn và vệ sinh thực phẩm. Bác Nguyễn Hải Minh, chủ cửa hàng Minh Hải Blackberry nhận xét: “Đây là một dự án rất ý nghĩa vừa giúp đỡ người nghèo, vừa bảo vệ môi trường. Ai kinh doanh gì thì đóng góp cái đó, bán thịt thì góp thịt, bán rau thì góp rau. Các bác cũng ý thức hơn việc tiết kiệm thực phẩm và hy vọng rằng, sẽ có nhiều dự án như của các cháu ra đời”.
Bác Hải Minh cam kết tiết kiệm thực phẩm cùng Hà Nội Đủ
Hiện nay Hà Nội Đủ không chỉ dừng lại ở một hoạt động tình nguyện quyên góp thức ăn đơn thuần, các bạn trẻ còn vận động nhà hàng, quán cơm ký cam kết tiết kiệm thực phẩm và mong muốn tạo thói quen tốt cho mọi người. Nhưng ước muốn về một “Đất nước đủ” cần hơn hết là ý thức tiết kiệm thực phẩm của mỗi người, mỗi gia đình. Dự định lớn hơn của Hà Nội Đủ là thành lập một quỹ thức ăn nhằm cung cấp dài hạn cho những đối tượng đang cần đến nó - một “ngân hàng thức ăn” đầu tiên tại Việt Nam.
Nguyễn Thị Trang
Báo mạng Điện tử k32
Cùng chuyên mục
Bình luận