Hành trình 15 năm đau đáu đi tìm 511 nhà báo liệt sĩ

(Sóng trẻ) - “Chứng kiến sự hy sinh của đồng đội ngay trước mắt mình, đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in và ám ảnh mùi máu kinh khủng”. 15 năm đi tìm và viết lại chân dung nhà báo liệt sĩ đã để lại cho nhà báo Trần Văn Hiền nhiều cảm xúc và kí ức đau thương.

Nhà báo Trần Văn Hiền – Người đi tìm và viết lại chân dung của 511 nhà báo liệt sĩ. Ảnh: Thanh Nga
Nhà báo Trần Văn Hiền – Người đi tìm và viết lại chân dung của 511 nhà báo liệt sĩ. Ảnh: Thanh Nga

Hai lần hy sinh

Nhắc về sự ra đi của những người vừa là đồng đội vừa là đồng nghiệp của mình, nét buồn rầu lại hiện lên trên khuôn mặt của nhà báo Trần Văn Hiền, Nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nghệ An, Trưởng đại diện Tạp chí Người làm báo khu vực miền Trung.

Từng có 5 năm trực tiếp làm lính công binh, ông Trần Văn Hiền thấu hiểu hơn hết sự ra đi đau đớn tột cùng của đồng đội. Chính mắt ông chứng kiến cảnh đồng đội hy sinh, bàn tay nhuốm máu vì phải cầm từng mảnh lá chuối đi nhặt xác và chôn cất họ. Xót xa là thế nhưng mấy ai biết được rằng, những nhà báo liệt sĩ đã phải chịu hai lần đau đớn, hai lần hy sinh. Hy sinh đầu tiên là hy sinh vì bom đạn, hy sinh thứ hai là hi sinh trong sự quên lãng. Nhà báo ra chiến trường với tư cách phối thuộc, đi theo các đơn vị chiến đấu, khi mất không ai biết và người ta cũng không lập danh sách. Sau đó thì rơi vào quên lãng. Nhà báo Trần Văn Hiền ngậm ngùi chia sẻ:

“Cái điều đáng trách là những phần mộ của các nhà báo liệt sĩ hy sinh trong chiến trường không xác định được tên tuổi, quê quán thì đều để là vô danh. Mỗi người sinh ra đều có tên có tuổi vậy tại sao lại gọi là vô danh.

Bố tôi cũng từng là liệt sĩ, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Thời điểm đó, mộ của bố tôi bị thất lạc, tôi đã quyết đi tìm bằng được và đến năm 1985, tôi đã tìm được mộ của bố và chôn cất, lập bia. Bởi vậy, tôi thấu hiểu hơn hết cảm giác hy sinh không có người nhớ đến và bị gọi là vô danh”.

Chính sự ra đi của người thân cũng như đồng đội đã thôi thúc nhà báo Văn Hiền nhen nhóm ý định đi tìm và dựng lại chân dung của các nhà báo liệt sĩ, để thân nhân cũng như các thế hệ đời sau có thể hiểu rõ về quá trình chiến đấu của như sự hy sinh thầm lặng của nhà báo liệt sĩ.

Dựng lại 511 chân dung nhà báo liệt sĩ

Người đầu tiên ông đi tìm và viết lại chân dung là nhà báo Vũ Hiến, người bạn tri kỉ của ông. Thông tin đầu tiên ông nhận được chỉ là cái tên Vũ Hiến, phóng viên báo Hải Quân Việt Nam, hy sinh ở mặt trận Campuchia. Ông mất 5 năm lặn lội ngược xuôi, về quê quán cũng như gặp gỡ những người cùng chiến trường năm đó với nhà báo Vũ Hiến để tìm kiếm thông tin. Có lẽ nhà báo Vũ Hiến là người mà ông mất nhiều thời gian nhất để dựng lại chân dung bởi quá trình tìm gặp khá nhiều khó khăn.

“Khi chiến đấu mỗi đơn vị đều có một nghĩa trang riêng và được đánh dấu, sau một trận đánh có khi người trực tiếp chôn đã hy sinh rồi và người ta không nhớ vị trí chôn nữa. Mặt khác, chiến trường này rộng như vậy, hôm nay chiến đánh ở đây thì nghĩa trang của đơn vị nằm ở đây, nhưng ngày mai tiến sâu vào mặt trận hơn thì không có ai quan tâm đến nghĩa trang của đơn vị nữa. Trường Sơn chỉ cần một ngày tất cả phủ lấp hết, không còn nhận ra mộ của đồng đội. Đấy cũng là một lý do vì sao không tìm thấy.

Chứng kiến sự hy sinh của đồng đội ngay trước mắt mình, đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in và ám ảnh mùi máu kinh khủng. Hầu hết tất cả hy sinh đều không tìm thấy hài cốt”. Nhà báo Văn Hiền chia sẻ.

Nhà báo Trần Văn Hiền đang đọc những tác phẩm viết về nhà báo liệt sĩ. Ảnh: Thanh Nga
Nhà báo Trần Văn Hiền đang đọc những tác phẩm viết về nhà báo liệt sĩ. Ảnh: Thanh Nga

Đi tìm và viết về họ, nhà báo Văn Hiền vừa xót xa lại vừa ngưỡng mộ, tự hào trước sự hy sinh anh dũng, bất khuất của họ. Có những nhà báo hy sinh thân mình, lao vào nguy hiểm để có thể có được những cảnh quay tốt nhất. Khi hy sinh, tay vẫn còn ôm hộp phim và mắt mở to nhìn thẳng lên bầu trời đầy bom đạn.

Đồng cảm trước sự hiểm nguy của các nhà báo nam khi tác nghiệp bao nhiêu thì khi viết về nhà báo nữ, ông lại càng thêm nhói lòng. Nhắc về nhà báo nữ, ông nhớ nhất là bài viết chân dung về Phạm Thị Ngọc Huệ - phóng viên báo Trường Sơn. Trên đường đi công tác, Ngọc Huệ đã giẫm phải mìn của Mỹ rải giữa rừng Khăm Muộn (Lào) và hy sinh. Sau này đi tìm nhưng không tìm được hài cốt của Huệ. Ông đã cùng một số đồng đội của của nhà báo Ngọc Huệ, sang tận nơi nhà báo ngã xuống để viết bài khắc họa chân dung.

“Khi viết chân dung về nữ nhà báo thì tần số cảm xúc cao hơn, bởi vì bản thân người con gái vào chiến trường họ đã phải chịu nhiều sự khốc liệt rồi, đặc biệt con gái làm báo thì mức độ khốc liệt nó cao hơn. Từ năm 1963 cho đến năm 1975, có 66 nhà báo nữ vào chiến trường thì 19 người hy sinh. Đau đớn vô cùng. Cũng chính lẽ đó, tôi rất trân trọng và muốn viết những ngôn ngữ đẹp nhất dành cho họ”.

Hơn 15 năm viết về 511 nhà báo liệt sĩ, trải qua những khó khăn, những cảm xúc vui có buồn có, đau khổ có, nhà báo Văn Hiền như sống cùng nhân vật để có thể viết một cách chân thực và sâu sắc nhất về họ, những câu chuyện tưởng chừng như bị chôn vùi cùng bom đạn ngoài chiến trường – nơi các nhà báo liệt sĩ hy sinh.

“Làm để trả nghĩa, để chịu ơn”

Một mình lặn lội ngược xuôi trong và ngoài nước để tìm bằng được thông tin của 511 nhà báo liệt sĩ là điều mà không phải ai cũng làm được. Nhưng với Văn Hiền, họ chính là động lực để ông cố gắng mỗi ngày và hạnh phúc với ông là tìm được và viết về họ. Cầm trên tay cuốn sách về các nhà báo liệt sĩ, ông giãi bày:

“Đối với những nhà báo đã hy sinh như vậy thì việc làm của mình không là gì. Ngược lại, họ là động lực. Chính sự hy sinh của các liệt sĩ là nguồn cảm hứng sáng tạo cho tôi viết hơn 20 đầu sách về họ, về chiến tranh. Tất cả tác phẩm văn học đó đều khởi nguồn từ việc tôi trả nghĩa cho những người đã mất trong đó có các nhà báo. Đấy tôi gọi là chịu ơn. Và điều đó làm tôi thấy thanh thản hơn”.

Ngày 27/7 vừa qua, ông cũng đã phối hợp với trụ trì và các tăng lữ chùa Âu Lạc (xã Hưng Lộc- TP Vinh, Nghệ An) để tổ chức đại lễ cầu siêu tưởng nhớ anh linh 511 nhà báo liệt sĩ với mong muốn ghi công các nhà báo, để tên tuổi các anh nhà báo không bị lãng quên trong lớp bụi thời gian.

Nhà báo Trần Văn Hiền giới thiệu danh sách 511 liệt sĩ được đặt ở chùa Âu Lạc (xã Hưng Lộc- TP Vinh, Nghệ An). Ảnh: Thanh Nga
Nhà báo Trần Văn Hiền giới thiệu danh sách 511 liệt sĩ được đặt ở chùa Âu Lạc (xã Hưng Lộc- TP Vinh, Nghệ An). Ảnh: Thanh Nga

Hành trình hơn 15 năm đi tìm nhà báo liệt sĩ, đối với nhà báo Văn Hiền, nó giống như một người gánh một gánh nặng qua núi, xuống dốc rồi thở phào nhẹ nhõm và nhìn lại. Ông mong muốn rằng, sẽ có thêm nhiều người nữa cùng ông tiếp tục tìm và viết chân dung nhà báo liệt sĩ, bởi ngoài kia còn rất nhiều người chưa tìm được tên tuổi, “không ai nhớ mặt đặt tên” và đó cũng là thiệt thòi cho thế hệ sau này.

Quảng Trị, Thừa Thiên, Khu 5, Tây nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và cửa ngõ Quân Khu 7 – vùng tam giác lửa Củ Chi là những nơi có nhiều liệt sĩ hi sinh trong thời kỳ chiến tranh. Nhà báo Văn Hiền cũng hi vọng sẽ các địa phương đó sẽ xây dựng bia hoặc đài tưởng niệm họ, phần để tri ân và phần để Tổ quốc thêm tự hào vì đất nước đã có những người hy sinh anh dũng đến vậy.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN