Hình thành thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho người trẻ

(Sóng trẻ) - Năm học 2024 - 2025, Đại học Bách Khoa Hà Nội áp dụng quy chế cộng điểm rèn luyện cho sinh viên đi học bằng xe buýt. Qua đó, nhà trường kỳ vọng có thể nâng cao thói quen sử dụng phương tiện công cộng cho các bạn trẻ, góp phần giảm ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường. 

Lợi ích khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng

Đại học Bách khoa Hà Nội hiện có khoảng 30.000 sinh viên hệ đại học, 17 tuyến xe buýt có điểm dừng gần trường (tại cổng Parabol đường Giải Phóng, cổng Đại Cồ Việt và sân vận động Bách khoa). Nhận thấy việc sử dụng phương tiện công cộng mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên, trên trang web của Đại học Bách khoa Hà Nội, nhà trường đưa ra ba lý do nổi bật để khuyến khích sinh viên sử dụng xe buýt. Đó là giúp rèn luyện thể chất, tiết kiệm chi phí và rèn luyện thói quen đúng giờ.  

Ngay khi nhà trường công bố quy định mới, nhiều sinh viên bày tỏ sự hào hứng và ủng hộ. Bạn Trần Thị Quỳnh Mai (sinh viên năm 4, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Với giá vé từ 7.000 - 9.000 VNĐ, đi xe buýt giúp mình không phải chi trả các khoản như xăng xe, phí gửi xe hay bảo dưỡng phương tiện. Đây là giải pháp kinh tế phù hợp với điều kiện tài chính hạn hẹp của mình”. 

unnamed.png
Đi xe buýt góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông (Ảnh: Internet)

Việc sử dụng các phương tiện công cộng như xe bus còn góp phần giảm ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường. Bạn Nguyễn Thị Thoa (sinh viên năm 4, trường Đại học Đại Nam) chia sẻ: “Mình chọn đi xe buýt ba năm đại học vì an toàn, không phải lái xe trong điều kiện thời tiết xấu. Sử dụng xe buýt còn góp phần nhỏ bảo vệ môi trường và rèn luyện lối sống xanh”.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội năm 2022, mỗi ngày, xe buýt chở trung bình 1,5 triệu lượt khách, giúp giảm khoảng 400.000 xe máy lưu thông trên đường. Nhờ đó, không chỉ làm giảm ùn tắc tại các tuyến đường chính, mà còn giảm thiểu lượng khí CO2 thải ra môi trường.

Ngoài ra, nghiên cứu từ Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) cho thấy, mỗi chiếc xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch có thể giảm tới 30% lượng khí thải CO2 so với xe cá nhân. Đặc biệt, nếu người dân tăng cường sử dụng phương tiện công cộng, lượng phát thải CO2 có thể giảm tới 3-5% mỗi năm, góp phần quan trọng vào việc giảm ô nhiễm không khí trong các thành phố lớn.

Nâng cao thói quen sử dụng phương tiện công cộng

Dù mang lại nhiều lợi ích kinh tế và sức khỏe, nhưng trên thực tế, số người sử dụng các phương tiện công cộng, đặc biệt là xe buýt tại Việt Nam không cao. Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn (Phó trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải, trường Đại học Giao thông Vận Tải) cho biết; “Những năm gần đây, tỷ lệ người tham gia giao thông công cộng ở Hà Nội vẫn ở mức rất thấp, dưới 10%, so với mục tiêu quy hoạch trước đây 25-30% vào năm 2025”. 

unnamed-1.png
Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải, trường Đại học Giao thông Vận Tải (Ảnh: NVCC)

Theo ông, sự phát triển của hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là đường sắt đô thị bị chậm trễ và chưa tạo được mạng lưới đồng bộ là nguyên nhân chính của vấn đề này. “Xe buýt phải chia sẻ cơ sở hạ tầng với các phương tiện cá nhân như xe máy, xe ô tô nên không thể cạnh tranh về thời gian di chuyển. Bên cạnh đó, tình trạng xe cũ, xuống cấp và thiếu tiện nghi khiến cho trải nghiệm của hành khách trở nên không thoải mái, dẫn đến tâm lý e ngại đi xe buýt”, ông Tuấn nói.

Chia sẻ về lý do ngại đi xe buýt, bạn Nguyễn Hoài Minh (sinh viên năm 3, Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội) cho biết: “Nguyên nhân lớn nhất là do chất lượng dịch vụ không đồng đều. Có những chuyến xe rất đông và phải chờ lâu, làm mình cảm thấy tốn thời gian. Một số tuyến xe không phủ đủ rộng, khiến việc đi lại của mình không thuận lợi, đặc biệt vào những giờ cao điểm”.

Bạn Hoàng Văn Toàn (sinh viên năm hai, trường Đại học Văn Hoá Hà Nội) bày tỏ:“Mình không lựa chọn sử dụng phương tiện giao thông công cộng vì lo ngại vấn đề an ninh trên xe, như cướp giật, móc túi, khiến mình cảm thấy bất tiện và thiếu an toàn”. 

Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn chỉ ra kinh nghiệm từ các thành phố lớn trên thế giới, xây dựng hệ thống giao thông công cộng làm xương sống, sau đó mới phát triển các phương tiện cá nhân. Điều này giúp quá trình phát triển giao thông đô thị hiệu quả hơn. Tuy nhiên, tại Hà Nội, sự phát triển của hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là đường sắt đô thị đang chậm trễ và chưa tạo được mạng lưới đồng bộ, hiệu quả. Xe buýt phải chia sẻ cơ sở hạ tầng với các phương tiện cá nhân, nên không thể cạnh tranh về thời gian di chuyển.

unnamed-2.png
Hong Kong (Trung Quốc) có hệ thống giao thông công cộng riêng, tiết kiệm thời gian di chuyển. (Ảnh: Cable News Network)

Từ năm 2022, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã bắt đầu xây dựng phương án phân vùng hạn chế xe máy để phù hợp với hạ tầng và khả năng phục vụ của hệ thống giao thông công cộng. Đây là một trong những nội dung có trong đề án phát triển đô thị, tầm nhìn đến năm 2030. 

Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh chia sẻ: “Việc hình thành thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho trẻ em, học sinh, sinh viên không chỉ là giải pháp trước mắt, mà còn là bước chuẩn bị cho việc chuyển đổi linh hoạt tại Hà Nội trước đề xuất này”. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN