HLV Park Hang Seo qua góc nhìn của trợ lý Vũ Anh Thắng: Đáng kính, đáng sợ… tận tâm, tận tình!
(Sóng trẻ) - Theo cảm nhận của trợ lý Vũ Anh Thắng, HLV Park Hang Seo giống như một người “đa nhân cách”. Ông sẵn sàng quát mắng bất kỳ ai không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Nhưng ở đời thường, con người ấy lại rất hài hước và sống tình cảm đến lạ.
Mỗi HLV ngoại quốc khi làm việc tại ĐTQG Việt Nam, trợ lý ngôn ngữ là người vô cùng quan trọng. Ngoại ngữ là yếu tố tiên quyết, sau đó là một chút chuyên môn về bóng đá. Song, trợ lý ngôn ngữ còn phải là người đủ gần gũi, đủ thân thiết để hiểu được tính cách, con người của vị HLV đó. Có như vậy, mới truyền tải được tất cả những cảm xúc, thông điệp của HLV tới các cầu thủ. 4 năm gắn bó với HLV Park Hang Seo tại ĐTQG Việt Nam, trợ lý Vũ Anh Thắng hiển nhiên cũng phải làm được những điều như vậy. Đó cũng là lý do anh và ông Park vẫn rất thân thiết với nhau dù cả hai đã cùng rời ĐTQG Việt Nam một thời gian dài. Vì vậy, thông qua cuộc trò chuyện với anh được ghi lại dưới đây, chúng tôi cũng biết thêm được rất nhiều điều thú vị về vị HLV thành công bậc nhất, làm nên rất nhiều điều kỳ diệu cùng bóng đá Việt Nam. |
Trong công việc, ai cũng sợ thầy Park
HLV Park Hang Seo là một người rất rõ ràng. Ở trên sân, 100 % là sự nghiêm túc và phải đạt được những mục tiêu của những bài tập mà trước đó Ban huấn luyện đã đề ra. Trong những buổi họp cũng thế và đặc biệt là lúc thi đấu, sự tập trung của các cầu thủ và Ban huấn luyện được thầy đẩy lên mức cao nhất.
Người hâm mộ từng thấy nhiều lần, trong các trận đấu, HLV Park Hang Seo nổi nóng với những quyết định của trọng tài. Trên sân tập, không ít lần thầy cũng quyết liệt như thế với chính các học trò của mình. HLV Park Hang Seo sẵn sàng quát mắng tất cả những ai không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Thầy cũng sẵn sàng “sấy” bất kỳ ai khiến ông cảm thấy bực mình.
Thầy Park cũng tự nhận bản thân ông là một người rất nóng tính. Khi ai đó làm sai việc gì, ai đó làm chưa tốt việc gì và khi thấy cần gây áp lực lên lên tập thể đội bóng, thầy sẽ là một người rất quyết liệt.
Trợ lý Lê Huy Khoa cũng từng bảo: “Ông ấy có cái uy của người chỉ huy, có cái trách nhiệm của người anh, và cái tình của người cha”.
Có những cầu thủ có cá tính rất mạnh cũng phải sợ thầy Park. Đã từng có một hậu vệ nói với tôi rằng: “Từ bé, em đã là thằng chơi bóng quyết liệt và không sợ gì cả. Nhưng không hiểu sao cứ lên tuyển, nhìn thấy thầy Park là em lại bủn rủn hết cả chân tay”.
Đó (việc sợ ông Park) không phải là câu chuyện của riêng ai mà rất nhiều người như thế, trong đó có tôi. Sợ không phải là sợ người ta làm gì mình, mà là sợ mình làm sai, mình làm chưa tốt. Lúc đó, ngay lập tức thầy sẽ sửa. Thầy có tư duy rằng, người trẻ có thể mắc sai lầm và khi họ còn trẻ phải sửa cho họ. Đến bây giờ khi không làm việc ở trên đội tuyển của thầy nữa, có gặp thầy, nếu làm sai thì thầy vẫn nói, vẫn góp ý nhưng nhẹ nhàng và vui vẻ hơn.
Chuyện quy củ, giờ giấc sinh hoạt chung cũng được HLV Park Hang Seo quy định rất rõ ràng. Đã từng có một HLV của ĐTQG Việt Nam mỗi buổi sáng phải gõ cửa phòng mời cầu thủ xuống ăn cơm. Nhưng gắn bó với ĐTQG 4 năm, anh Thắng tuyệt nhiên không bao giờ thấy điều đó. Cũng tuyệt nhiên trong thời gian triệu tập ĐTQG dưới thời thầy Park, không có cầu thủ nào dám hút thuốc, nhậu nhẹt hay ăn chơi đàn đúm.
Tôi hiểu rằng văn hóa người Hàn Quốc nổi tiếng nghiêm khắc, thậm chí bóng đá còn nghiêm khắc hơn, cứ như quân đội. Và bóng đá Hàn Quốc là nơi phần nào thể hiện rất rõ nét tính quân sự hóa hoạt động thể dục thể thao của xã hội Hàn Quốc. Vậy nên, tất cả hình thức sinh hoạt ở đời thường không tồn tại trong thời gian huấn luyện, nghĩa là không có sự tùy tiện hay những công việc cá nhân bên ngoài len lỏi vào.
Người thầy, người cha… tận tâm, tận tình
Trong lúc tập luyện và lúc sinh hoạt, việc gắn kết mọi người cũng như điều tiết bầu không khí ở trong đội luôn nằm trong những tính toán và kiểm soát của thầy Park. Trong lúc thi đấu và tập luyện nghiêm khắc là vậy, nhưng trong lúc sinh hoạt, thầy lại là một cây hài đúng nghĩa với khiếu hài hước của mình.
Các trò đùa của thầy Park trở thành một trong những món ăn tinh thần rất hiệu quả và có thể là một trong những kỷ niệm khó quên với các cầu thủ được lên tuyển.
Ban ngày có thể làm việc rất mệt mỏi, ra sân tập nắng nôi, rồi đôi khi là áp lực bởi thầy cũng mắng, cũng quát… Nhưng đến buổi tối về là thoải mái. Thầy có thể gọi đồ bên ngoài cho các cầu thủ ăn thêm cùng nhau, xem bóng đá cùng nhau rồi thầy có thể đùa giỡn với cầu thủ.
Trong tiếng Hàn có một từ diễn tả về tính cách đó của thầy, có thể gọi là hơi đa nhân cách một chút. Lúc tập luyện, thi đấu là một thầy Park khác, mà lúc sinh hoạt là một thầy Park khác. Đôi lúc, tôi không hiểu tại sao trong thời điểm đó ông ấy nghiêm túc, nghiêm khắc như vậy, nhưng đến những thời điểm có thể vui được thì ông ấy lại vui vẻ đến thế?
Điều này khiến cho tất cả mọi người khi làm việc thì vô cùng nghiêm túc, vô cùng tập trung và hết mình cho công việc. Nhưng đến hết ngày lại cảm thấy mình được sạc lại năng lượng, tạo những động động lực trong công việc để có thể cố gắng tốt hơn trong ngày tiếp theo.
Bên cạnh đó, thầy Park thường xuyên thăm hỏi, dặn dò từng người, thậm chí là bố mẹ, gia đình mọi người. Thầy cũng hiếm khi quên đi những dịp như sinh nhật, hiếu hỉ hay những ngày liên quan đến con cái. Việc quan tâm này rất phù hợp với văn hóa Việt Nam, đặc biệt khiến bất cứ ai cũng cảm thấy được sẻ chia và có thêm động lực để hỗ trợ thầy và tận hiến cho đội tuyển.
Thầy Park có một điều rất hay nữa, đó là khi thành công, ông còn muốn lan tỏa sự thành công, chia sẻ hào quang ấy cho cả những người cộng sự, những người hỗ trợ ông ấy. Nếu có thể tạo điều kiện được, thầy Park luôn để những người bên cạnh mình ghi điểm trước truyền thông, để được truyền thông ghi nhận.
Ở trận đấu từ thiện gần đây, ban đầu tôi có tên trong danh sách Ban huấn luyện, nhưng thầy Park tìm mọi cách để tôi xỏ giày vào sân đá bóng. Nếu mọi người để ý ở kỳ AFF Cup 2022, giải đấu cuối cùng của HLV Park Hang-seo, ông ấy đưa đi 2 trợ lý ngôn ngữ, cả tôi, thầy Lê Huy Khoa và những người ông ấy yêu quý đều được mang theo. Nói dễ hiểu hơn, một giải đấu bất kỳ, chẳng HLV nào mang theo 2 trợ lý ngôn ngữ cả.
Bình thường, lẽ ra có tôi và thầy Khoa, mặc định là thầy Khoa sẽ dịch họp báo. Nhưng hôm đó là buổi họp báo trước khi vào giải đấu, thầy Park bảo: "Hôm nay Thắng đi dịch họp báo nhé". Quyết định đó khiến cả thầy Khoa cũng bất ngờ. Trong cuộc họp báo ấy, thầy Park đã nói những lời tri ân tôi.
Tôi không nghĩ có HLV trưởng nào làm được điều tương tự thế. Bình thường, trong bóng đá có ai quan tâm đến trợ lý ngôn ngữ đâu. Chính vì điều đó mà khi HLV Park Hang-seo thành công, rất nhiều người được hưởng lợi. Có những người biết tận dụng hào quang đó thậm chí còn đổi đời.