Hoa vẫn hồng và chim vẫn hót…!
(Sóng trẻ) - Sau cơn sốt mang tên “Diệp Vấn 3”, các khán giả Việt Nam chia sẻ rất nhiều những câu nói, hình ảnh về tình cảm, tình nghĩa vợ chồng của võ sư Diệp Vấn và người vợ trong phim. Chúng ta hầu như rồi sẽ phải tìm cho mình một người bạn đời, một người sẽ cùng ta nếm trải những dư vị, thăng trầm của cuộc sống, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trước mỗi biến cố cuộc đời.Và rồi khi một người bắt đầu thực hiện “chuyến đi dài hơn đất trời” sẽ là nỗi đau giằng xé, nỗi buồn khôn tận đối với người kia. Tình nghĩa vợ chồng, nếu được cùng đến và cùng đi với nhau âu cũng là cái duyên và cái may trong đời.
Ngày 15 tháng 3 vừa qua là một ngày buồn của âm nhạc Việt Nam. Thanh Tùng - người nghệ sĩ, nhạc sĩ tài hoa, cha đẻ của những “Câu chuyện nhỏ của tôi”, “Cơn bão nghiêng đêm”, “Một mình”,… đã vĩnh viễn lìa xa cõi trần thế sau những năm dài sống cùng bệnh tật.
“Ai yêu nhạc Thanh Tùng, hẳn đều biết mối tình vĩ đại của ông dành cho người vợ quá cố của mình. Câu chuyện tình yêu bất tử, sống mãi cùng những nốt nhạc, những câu hát của ông và sẽ còn được ngân nga đến hàng chục, hàng trăm năm nữa. Chắc chỉ đến khi con người không còn biết yêu, người ta mới thôi nhớ về nhạc của Thanh Tùng, thôi nhớ về những Một mình, Hoa tím nài sân, Ngôi sao cô đơn…” – Kênh 14.
Tôi không biết gì nhiều về mối tình của Thanh Tùng với vợ mình khi mới bắt đầu biết đến nhạc của ông. Ngày mới nghe nhạc Thanh Tùng, tôi là một học sinh lớp 10. Cái thưở mơ mộng, ngây ngô ấy, tôi bật máy tính của anh trai và tình cờ vang bên tai những ca từ nhẹ nhàng, sâu lắng của ông. Nhạc của ông thấm đậm nhiều những triết lý nhân sinh, nhưng nó chẳng quá trúc trắc và đôi khi ma mị như Trịnh Công Sơn, diễm tình nhưng chẳng ủy mị sầu lặng như nhạc vàng thời kì trước.
Nói như nhà văn Trương Quý:
“Nhạc Thanh Tùng có cái hay là diễn đạt được những triết lý kiểu nhạc Sài Gòn xưa vào cái vỏ lãng đãng mới. Thay vì bolero, ông dùng pop ballad nên nghe mạnh mẽ và nam tính hơn hẳn, mặc dù cũng rất huê tình”.
Tình yêu trong âm nhạc của ông là những câu ca, nốt nhạc thật nhẹ nhàng. Từ những thứ thân thuộc xung quanh như chú ve, tia nắng, cơn mưa ngâu, sóng biển, bông hoa tím mà Thanh Tùng đã nâng chúng lên thành những hình tượng, những “trạm trung chuyển tình yêu” của mình. Và dường như ai cũng có thể thấy mình ở trong ấy.
“Giọt mưa mưa ngâu mưa ngâu
Búp non trên cành thành lá biếc
Giọt mưa mưa ngâu mưa ngâu
Tròn xoe chiếc ô trên đầu…”
Chân dung nhạc sĩ Thanh Tùng (Ảnh: Kênh 14)
Ở những “trạm trung chuyển” ấy, ông dành một góc cho người vợ yêu dấu. Bà ra đi từ sớm để lại cho ông một nỗi buồn khôn xiết, nỗi đau lặng câm ấy ông gửi gắm hết vào âm nhạc khi mà “vì ai đó còn chưa nói với ai điều gì”.
“Phút lâm chung, có mặt cả Trịnh Công Sơn bên giường bệnh, bà hỏi ông: ‘Nếu em chết anh có lấy vợ mới và bỏ các con không?’. Thanh Tùng gọi đó là “Tuyên án chung thân”, giữa hai cách trả lời có hoặc không, chỉ không là có thể nói lúc này” – nhà báo Chu Minh Vũ.
Thanh Tùng chấp nhận sống một mình suốt quãng đời còn lại để giữ vẹn toàn tình nghĩa với người vợ quá cố, để những ca từ ông gửi cho người bạn đời sẽ luôn đẹp và sáng mãi trong lòng ông, trong lòng con cái và trong lòng khán giả.
“Vắng em còn lại tôi với tôi
Lá khô mùa này lại rơi
Thương em mênh mông chân trời lạ
Bơ vơ chốn xa xôi.
Vắng em đời còn ai với ai
Ngất ngây men rượu say
Đêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ
Cô đơn cùng với tôi về”.
Năm nái, trong một bài viết của VnExpress, người ta nói về cuộc sống của nhạc sĩ Thanh Tùng thời điểm ấy. Trong ngôi nhà ở Hà Nội, ông ngồi xe lăn và đội chiếc mũ rộng vành. Ông không nói được vì một cơn tai biến quái ác nhưng đôi mắt vẫn còn tinh anh và chất chứa nhiều suy tưởng suy tư. Khi người phóng viên hỏi ông có nhớ đến vợ không, ông gật đầu thay cho câu đáp “có”.
Và giờ thì ông đã về với cõi khác với người vợ của mình. Hẳn ở đó, bà sẽ đón ông với một nụ cười mãn nguyện vì người chồng yêu dấu đã chẳng lấy vợ mới và cũng chẳng bỏ các con của mình, bà sẽ chẳng còn là “ngôi sao cô đơn” nữa. Ông sẽ lại hát cho bà nghe những giai điệu bất hủ mà ông đã sáng tác.
Vậy là vào một ngày trời Hà Nội thật đẹp, nhạc sĩ Thanh Tùng đã lìa xa cõi trần thế. Nhưng người ta sẽ vẫn cứ phát “Trái tim không ngủ yên” với cặp song ca Bằng Kiều – Mỹ Linh ở tuổi đôi mươi, “Giọt nắng bên thềm” cùng Thanh Lam của một thưở sôi nổi; mọi người sẽ còn nghêu ngao những giai điệu mượt mà đẹp đến nao lòng của ông rất lâu nữa. “Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi, chim vẫn hót sau vườn đấy thôi”. Đúng, hoa sẽ khoe sắc và chim vẫn cứ hót vang chừng nào tình yêu còn đẹp như những câu ca ông viết.
Hồng Phú
Báo in K35 A1
Cùng chuyên mục
Bình luận