Hơi thở rừng già: Kỳ cuối- Hỏa thiêu gỗ nghiến để phi tang phá rừng!
(Sóng Trẻ)- Sau những khám phá mục thị 36 kế phá rừng, chúng tôi tự hỏi rừng nghiến cổ thụ ở vùng núi đá kỳ vĩ kia đã bình yên chưa? Nhận được tin báo, nhóm phóng viên đã quyết định trở lại Na Hang, vào rừng xã Năng Khả và ghi nhận một thảm trạng còn kinh hoàng hơn!
Đi dưới “lưới gỗ nghiến” đan cài giữa rừng bản Nuầy
Năng Khả là một cái tên quen thuộc và nhẵn mặt trên báo chí bởi “tai tiếng” phá rừng nghiến đứng vào TOP đầu ở các xã thuộc huyện Na Hang, cái nôi trù phú nhất của vương quốc nghiến ở miền núi phía Bắc Việt Nam. Đầu năm 2016, cái tên Năng Khả được báo chí nhắc tới với tình trạng phá rừng rất đáng báo động. Tuy nhiên từ đó đến nay, mặc dù tỉnh Tuyên Quang đã có những động thái có vẻ quyết liệt nhưng tình trạng trên vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện. Và cái vòng kim cô ngày càng thắt chặt với những rừng nghiến nơi đây: phá rừng, lên báo, tỉnh kiểm tra rồi... lại phá rừng.
Chúng tôi lên Năng Khả vào một ngày mưa gió. Anh D - người dẫn đường cho chúng tôi, trời mưa và âm u mới là điều kiện lý tưởng cho lâm tặc “xẻ thịt” rừng. Đã thành quy tắc và một sự “khôn vặt” thường thấy, lâm tặc rất thích xẻ rừng vào trời mưa và trời tối. Vì theo lý lẽ của chúng, đây là thời điểm mà kiểm lâm rất “ngại” đi rừng. Mặc dù những tiếng máy cưa vào buổi đêm rất dễ nghe thấy nhưng lâm tặc vẫn nghĩ ra một cách đối phó đó là sục máy cưa xuống nước. Nước sặc lên từng hồi triệt tiêu âm thanh. Tinh vi hơn chúng còn chế ra bộ giảm thanh hoàn hảo cho máy cưa. Chính vì thế dẫu cho kiểm lâm có đến nơi thì cây nghiến cũng bị hạ và lâm tặc thì đã trốn hết.
Chuyến đi rừng trong một ngày mưa, lưới gỗ đan xen như mạng nhện
Trong các địa điểm của Năng Khả anh D khuyên chúng tôi nên vào bản Nuầy vì theo anh D, nơi đây, phá rừng rất khủng khiếp. Đường vào bản Nuầy không khó như chúng tôi tưởng, hai bên là nương ngô, nương mía. Bà con đứng xếp mía hai bên đường dành cho chúng tôi một nụ cười đôn hậu. Thế nhưng anh D đã đập tan cái cảm quan dễ chịu đó của chúng tôi: “Họ không hiền đâu, ở đây người ta phá rừng nhiều lắm. Họ mà biết tôi dẫn các anh lên có khi họ chặn đường đánh đấy”. Cẩn thận hơn, anh D không quên nhắc đi nhắc lại chúng tôi không được đưa anh lên mặt báo cũng không tiết lộ với ai anh D là người dẫn chúng tôi lên bãi gỗ vì anh sợ sẽ bị trả thù. Người dân như anh D nhiều khi cũng vô cùng bức xúc trước cảnh “ăn thịt” rừng quá nhẫn tâm, nhưng chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt vì lo sợ lâm tặc sẽ quấy nhiễu.
Đường vào bãi gỗ bản Nuầy trơn trượt vì trời mưa. Những mỏm đá tai mèo đã không ít lần khiến chúng tôi bị ngã, bị trượt. Khác với một vài địa điểm chúng tôi đã từng đi trước đây, nghiến ở đây không bị xẻ để làm cột, làm xà mà bị cắt để làm thớt. Nghiến đó là nghiến thương mại, nghiến khai thác để bán cho thương nhân Trung Quốc, thay vì người dân “sống dựa vào rừng” khai thác nhỏ giọt. Mỗi một cái thớt như vậy nặng hơn 10kg, người ta trả công cho người gùi về là 100.000 đồng/một chiếc. Theo anh D một cây nghiến đường kính khoảng 80cm có thể cho được 15- 20 cái thớt nghiến, bán lấy tiền triệu nn ơ. Như vậy “Tội gì mà người ta không chặt, so với trồng keo, mỡ thì lãi hơn nhiều’’.
Mức độ tàn phá rừng khủng khiếp chẳng kém Na Hang
Trên đường vào bãi gỗ chúng tôi bắt gặp những cái thớt nghiến bị vứt lăn lỏng bên mỏm đá. Cái lớn nhất có đường kính khoảng 60cm. Nhiều cây nghiến bị cưa đổ nằm vắt dài từ bên nọ sang bên kia. Lâm tặc cưa để đấy nhưng không lấy vội. Khi nào cảm thấy “yên yên’’ thì chúng mới vác máy lên cưa nghiến mang về hoặc dưới chiêu bài “mót gỗ”, các cây nghiến bị khai thác lậu đã bị phù phép trở thành... có vẻ hợp pháp.
Người dẫn đường nói với chúng tôi khi nào đến đoạn mà nghiến vắt ngang hai bên dăng dày như tơ nhện thì là đến bãi gỗ. Qủa thật chúng tôi được chứng kiến cảnh tượng có một không hai, nghiến bị đốn giăng dày như màng nhện, cây này vắt sang cây nọ, cây đấy gác chồng lên cây kia. Trong chuyến đi lần trước (các phóng sự mà LĐ đã phán ánh), chúng tôi đi trên gỗ nghiến thì chuyến đi lần này chúng tôi đi dưới “lưới gỗ nghiến”. Đúng là ở mỗi nơi lâm tặc lại có một thủ đoạn, một chiêu trò khác nhau nhưng sự tàn ác đối với rừng là không thay đổi.
Bãi gỗ nghiến nằm rải rác khắp cánh rừng, đi mỗi chỗ lại gặp một bãi. Bãi ở đây không lớn như ở Bắc Mê (Hà Giang) nhưng nhiều và rải khắp cánh rừng.Vì khi khai thác lâm tặc sẽ chọn những cây to nhất để đốn trước, khi hết cây to thì chúng vác máy cưa đến các điểm khác. Dưới những tán lá rừng phảng phất trong cơn mưa, gỗ nghiến nằm đó thâm lại vì ẩm ướt nhưng thớ gỗ vẫn rất mịn. Anh D bổ sung vào câu chuyện của chúng tôi :“Mùa này không phải là mùa người ta làm nhà nên nghiến ít bị xẻ. Chủ yếu là bị cắt khúc để làm thớt rồi bọn Trung Quốc nó sang mua. Người dân ở đây rất bức xúc nhưng vì miếng cơm manh áo nên không ai dám lên tiếng. Nghiến bị khai thác rất mạnh trong khoảng thời gian từ 2008-2012. Trước đây 10 phần thì giờ mình nghĩ chỉ còn khoảng 4 phần”. Anh D kết thúc câu chuyện bằng một hơi thuốc lá rít tóp má, người anh run lên vì mưa lạnh, mắt anh nhìn xa xăm hồi tưởng về một thời bản mình còn nhiều nghiến cổ thụ.
Bản Nhùng, nổi lửa xóa dấu vết
Chúng tôi cũng trở về trong một tâm trạng nặng trĩu. Anh D bảo, muốn xem các bảo tàng nghiến cổ thụ bị đốn hạ, phải lên đến bản Nhùng. Để tránh sự dòm ngó của người dân, chúng tôi phải ngụy trang bằng cách thay đổi phương tiện đi lại và tách làm hai nhóm. Đường lên bản Nhùng xa xôi và khó đi hơn bản Nuầy. Mất khoảng 5 km từ cửa rừng chúng tôi cũng đã phải đau lòng chứng kiến một cây nghiến khổng lồ bị bỏ lại. “Cụ” có đường kính ít nhất phải gần 2m, vì bản thân một người trong nhóm chúng tôi đứng vào trong thân cây cũng không chạm đầu. Cây nghiến bị bỏ lại phải một nghìn năm tuổi.
Anh N là người dẫn đường cho chúng tôi lên bản Nhùng chia sẻ những câu chuyện về việc phá và giữ rừng ở nơi đây. Khác với rừng đặc dụng, rừng ở đây là rừng phòng hộ vì thế trữ lượng và giá trị gỗ không cao bằng. Rừng chịu sự quản lý của Hạt kiểm lâm huyện Na Hang. Trước đây cũng có thời gian người dân chỉ lấy 1, 2 cây về làm nhà. Nhưng từ khi thương nhân Trung Quốc tìm đến mua thớt nghiến thì cây nghiến có giá trị tăng vùn vụt. Cũng vì thế người ta mới tìm đến Năng Khả để khai thác nghiến.
Cây nghiến khổng lồ, đường kính lớn chưa từng thấy
Bản Nhùng nổi tiếng với những cây nghiến to có đường kính trên 1m. Anh N đưa chúng tôi đến khu vực ngự trị của một cây nghiến lớn nhất còn sót lại, mà chưa bị bọn lâm tặc “hỏa thiêu”. Sự tàn ác đến rùng rợn của bọn lâm tặc nằm ở chỗ: Nghiến sau khi bị xẻ phần còn thừa sẽ bị chúng đốt để phi tang chứng cứ. Anh N chỉ đường cho chúng tôi vào một bãi gỗ khai thác trong năm nái. Tên lâm tặc sau khi khai thác xong bỏ lại một cái gốc có đường kính 1,5m. Vừa rồi, nó đã trở lại để đốt trụi cái gốc cây đó nhằm phi tang chứng cứ. Thủ đoạn hèn hạ đó gây cản trở không ít cho việc kiểm đếm, điều tra của lực lượng kiểm lâm. Tuy nhiên cũng có một vài vụ việc bị đưa ra khởi tố, điển hình là doanh nghiệp tư nhân Sơn Tùng với các kho gỗ nghiến lớn nhất Tuyên Quang từng bị phát hiện, hàng trăm mét khối!
Tuy nhiên số vụ bắt giữ các đối tượng khai thác gỗ nghiến trái phép chỉ như muối bỏ bể. Một người hiểu chuyện tiết lộ: người ta còn lợi dụng việc hợp pháp hóa gỗ bị khai thác trái phép, bằng cách khi báo cái thứ gỗ lâm tặc chặt trên rừng về rằng đó là “gỗ mua của người dân”. Và chỉ cần xin được cái “giấy nghiệm thu” (việc khai thác của dân), thế là toàn bộ số gỗ trái phép kia sẽ trở thành hợp pháp. Đây thực sự là một điều vô cùng nguy hiểm nếu không xiết chặt quản lý một cách đầy đủ và hiệu quả.
Theo ô T- một cán bộ kiểm lâm giấu tên cho biết: mỗi lần có đoàn kiểm tra của tỉnh thì họ lại dẫn đi đến bãi gỗ cũ, đã bị khai thác từ lâu chứ không đi bãi mới. Mà chủ yếu cũng là những bài rìa nài của rừng, với trữ lượng gỗ rất thấp. “Và có một điều lạ là: rừng bị phá kinh hoàng như thế nhưng rất nhiều khi cán bộ bảo vệ rừng vẫn đều đặn nhận được giấy khen!” ông T. đặt vấn đề và ông phân tích, cung cấp cho chúng tôi những bằng chứng thuyết phục về chuyện này. Với cung cách quản lý này, thì rừng không bị tàn sát mới là chuyện lạ.
Chứng kiến những cây gỗ nghiến bị xẻ ra thành từng mảnh, những cây gỗ còn lại đang ngày đêm kêu cứu, những gốc cây đen xì là chứng tích cho một trận hỏa thiêu xóa dấu tích, chúng tôi thật sự hoang mang cho vựa nghiến khổng lồ nghìn năm tuổi của thiên nhiên Việt Nam kia. Cứ cái đà này, rồi thì báu vật rừng sẽ đi về đâu? Tất cả sẽ biến mất “không một tiếng vang”.
Ninh Vũ
ĐPT K34 A2
Cùng chuyên mục
Bình luận