Khắc tạc con rối nước từ cái tâm yêu nghề - Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi
(Sóng trẻ) - Đến với làng Đào Thục (Thụy Lâm, Đông Anh) không ai không biết đến nghệ nhân Nguyễn Văn Phi - người đã dành cả tình yêu, lý tưởng cho việc bảo tồn nghệ thuật múa rối nước.
Chữ “duyên” với con rối ở tuổi tứ tuần
Đến làng Đào Thục vào một ngày tháng 4, thời tiết khi đó vẫn còn dễ chịu trước khi bước vào những ngày nắng hè oi ả. May mắn thay khi đang tìm đường đến nhà nghệ nhân duy nhất còn sót lại làm nghề “không chỉ học mà thành” là tạo hình những con rối bác Nguyễn Văn Phi thì nào ngờ người chỉ đường lại chính là người nghệ nhân ấy với vẻ bề ngoài giản dị, mộc mạc.
Cầm trên tay những tấm gỗ sung lớn và dài khi vừa mua từ xưởng về, bác Phi vừa đi vừa giới thiệu không gian xưởng nơi mà những nhân vật trong các vở rối nước được thành hình. “Nghề này chẳng theo thời vụ. Làm quanh năm mà rảnh cũng có thể suốt tháng. Nghề vui chứ chẳng cứ lúc nào, chủ yếu phục vụ phường. Khi có buổi biểu diễn, bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ các con rối, sửa chữa thay thế nếu cần. Mọi thứ xong thì mới trao “tận tay” cho nghệ nhân trình diễn. Mà có phải hôm nào con rối cũng hỏng đâu, vậy nên ngoài phục vụ phường, còn làm theo đơn đặt hàng của khách du lịch hay các trường học” – bác Phi vừa rót nước vừa hào hứng chia sẻ.
Được tận mắt chiêm ngưỡng những con rối mang đủ các hình thái từ động vật, cây cối đến con người với nhiều các sắc màu: đỏ, đen, xanh, vàng... gây những ấn tượng mạnh về thị giác. Chúng nằm ngả nghiêng dưới sàn bên trong thủy đình, mỗi con rối đều tượng trưng cho một nhân vật cổ trong dân gian, mỗi cá thể chúng mang một thần thái rất riêng, đặc biệt là những đường nét trên khuôn mặt: hiền lành có, hài hước có và hung hãn cũng có.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi kể rằng, cha bác cũng là là một người làm rối mấy chục năm. Vậy gia đình bác Phi có thể gọi là nhà nòi. Bác Phi tủm tỉm cười mà kể: “Bố bác nguyên là Phó Phường. Còn vợ bác là Nguyễn Thị Thuận giờ ngót nghét cũng 50, cũng là một “nghệ nhân” biểu diễn rối nước. Hai bác đúng kiểu từ cái duyên cái số múa rối mà đến với nhau”.
Nghề chơi này cũng lắm công phu. Bác Phi nói cho tôi sự khác nhau của việc tạo ra con rối và làm nghề mộc đó là: Một bên có kích cỡ (giường, tủ…), một bên là trừu tượng, bởi con rối là nghệ thuật dân gian. Vậy nên tạo ra con rối có khi tuần mất cả tuần, có khi vài ngày. Cái nghề đòi hỏi sự bền bỉ, trí tưởng tượng, tầm hiểu biết các tích truyện dân gian và sự kiên nhẫn vô cùng để biến một khúc gỗ vô tri thành một hình người có hồn, có câu chuyện. “Không thật tâm yêu nghề thì không làm được đâu”, bác Phi khẳng định.
Khi cuộc trò chuyện đã vơi nửa tuần trà thì vợ bác Phi đi chợ về hoan hỉ ngồi trò chuyện cùng. Trong cuộc nói chuyện, bác Thuận cũng bày tỏ: “Ở Phường múa rối nước Đào Thục chủ yếu là nam. Bởi cũng như bao làng nghề khác, họ giữ gìn, bảo tồn và không muốn mất thương hiệu. Sở dĩ bác theo được nghề và làm ở phường bởi chị là dân Đào Thục chính hiệu. Dâu về đây học nghề còn được, chứ con gái ở đây họ tránh truyền nghề vì sợ đi lấy chồng xa sẽ mang nghề theo. Bởi vậy là khoảng 30 người biểu diễn thì chỉ có 6 nữ, cả 6 đều là chị em dòng dõi một nhà”.
Bản thân bác Phi đã trải qua rất nhiều nghề. Tuy nhiên, dù kinh doanh hay làm thợ mộc, bác luôn đau đáu về chuyện làng nghề. Một vài năm trở về đây, khi điều kiện gia đình đã tương đối ổn định và cũng vì đam mê, với nghề truyền thống của quê hương, bác bỏ công việc kinh doanh và làm ở xa, quyết tâm theo nghề làm con rối.
Bác Phi chia sẻ: “Con rối của làng Đào Thục là nhân vật mô phỏng 100% trong các truyện cổ. Ngay cả phục trang của họ cũng phải là cổ xưa. Ví dụ như người nông dân thì đóng khố, nhân vật lính thì đội nón dấu, mặc bộ quần áo dài...”. Theo bác Phi điểm độc đáo của con rối ở làng Đào Thục là nằm ở nhân vật ông Ba Khí. Ba Khí là vừa đại diện cho hình ảnh chú Tễu của miền Bắc vừa là bác Ba Phi của miền Nam, cũng là hình ảnh người dẫn chương trình, tổ chức các sự kiện, có sự vui tươi và hóm hỉnh.
Chế tạo quân rối – linh hồn của nghệ thuật múa rối nước.
“Tạo hình khó vì phải thể hiện tính cách nhân vật của trò đấy. Nó càng đúng bao nhiêu, máy móc trơn tru bao nhiêu thì người nghệ nhân biểu diễn càng thoải mái bấy nhiêu. Và khi đó, trên sân khấu, con rối có hồn. Nếu con rối không đẹp, họ không thoải mái thì điều khiển cũng sẽ không hay” – bác Phi chia sẻ.
Để tạo ra một con rối đẹp, có hồn, người nghệ nhân phải trải qua bảy 7 công đoạn khác nhau.
Bước đầu tiên và cơ bản nhất trong quy trình chế tác quân rồi, người nghệ nhân bất đầu chọn gỗ (thường là gỗ dung), cắt gỗ, tạo hình thô những tấm gỗ ban đầu để thể hiện nhân vật đang hướng đến, Tùy vào từng nhân vật; chú tễu, cô Tiên, bác nông dân, … mà người nghệ nhân sẽ tạo mẫu thô theo đặc trưng của nhân vật ấy.
Sang đến bước hai là làm khối, đây là bước phải đo đạc để phân chia tỷ lệ từng phần của quân khối. Từ đó làm vang gỗ thanh một khối thô mộc. Một khối rối nước thường được chia làm 3 phần: phần đầu đến cổ, từ cổ xuống đến thắt lưng và từ thắt lưng đến chân. Tùy thuộc vào các quân rối cụ thể, người nghệ nhân sẽ đưa ra các tỷ lệ riêng biệt, đảm vảo làm khối chuẩn cho từng quân rối nước.
Đục tay là bước thứ ba – đây được coi là bước quan trọng nhất trong quy trình chế tác và tạo hình quân rối. Qua các hoạt động đục, đẽo hoàn toàn thủ công, các con rối sẽ được tạo tác nên hình, nên trạng. Hình dung về quân rối nước cũng từ đó mà cụ thể hơn, góp phần mang đến cái thần và cá hồn của nhân vật múa rối mà người nghệ nhân muốn chế tác.
Sau khi đã tạo hình nhân vật qua bước Đục tay, người nghệ nhân dùng máy chà và giấy giáp để làm sạch bề mặt quân rối sau cả một quá trình đục, đẽo. Công đoạn chà nhám thực hiện càng tỉ mỉ bao nhiêu, quân rối được sơn vẽ càng đẹp đẽ và sắc nét bấy nhiêu.
Sang tới bước thứ năm, sau khi chà nhám hoàn chỉnh, quân rối được làm vóc bằng cách quét sơn ta hòa cùng đất xét – một hỗn hợp sơn đen tuyền lên toàn bộ bề mặt quân rối. Chờ sơn khô, người nghệ nhân tiếp tục quét lại một lớp nữa. Quá trình được lặp đi lặp lại tối thiểu ba lần để đảm bảo sơn ta bám màu tốt và chắc trên về mặt quân rối, thuận lợi cho quy trình tiếp theo.
Khi đã có vóc đen, quân rối tiếp tục được sơn son thếp bạc, những lá bạc mỏng lên thân rối. Phủ thêm một lớp sơn trong, một lớp sơn tổng hợp làm dung môi pha màu, người nghệ nhân thực hiện lên mày cho rối. Sau cùng phủ một lớp sơn Nhật để giữ cho màu sơn bóng và đẹp, góp phần tăng tính thẩm mỹ cho những tác phẩm quân trò.
Công đoạn cuối cùng, sau khi được phủ màu thành công, một quân rối nước hoàn đã ra đời. Người nghệ nhân tiên shành lắp đặt máy móc, xốp mút vào đế quân rối, kiểm tra độ chìm nổi, đưa sào vào quân rối, đưa chúng sẵn sàng trình diễn trên mặt nước.
Quả thật khi khìn những con rối sinh động ít ai biết rằng để tạo nên một con rối hoàn chỉnh, người nghệ nhân cũng phải bỏ lắm công phu. “Thời gian bác tạo thành phẩm phải ít nhất 10 ngày, nhất là những nhân vật trong các vở tâm linh như cô tiên do nó rất linh thiêng nên càng phải kĩ càng. Trong đó, sơn là công đoạn mất nhiều thời gian nhất. Nếu không phơi đủ nắng lớp sơn sẽ bị sùi và công sức của người thợ coi như đổ sông đổ bể. Nếu con mốc bị rối, nghệ nhân sẽ phải đục lại và mài mịn. Nhiều người chỉ nhìn vào công đoạn đục đã thấy khó nên nản chí lắm”, bác Phi nói.
Trăn trở trong việc giữ nghề.
Được biết phường rối Thăng Long tại Hồ Gươm hiện nay, xưa chỉ là phường rối cạn nhưng đến năm 1985, phường rối Thăng Long kết nghĩa với phường rối Đào Thục nơi đây thì mới bắt đầu diễn dưới nước.
“Nói về rối Đào Thục thì nghệ nhân diễn rối khá là nhiều khó mà mai một cứ thế hệ này nối tiếp hệ kia thôi. Nhưng riêng cái nghề tạo hình thì chỉ có mỗi mình thôi vì cái nghề này đòi hỏi phải cực kì đam mê, nó khó hơn nghề biểu diễn nhiều lắm bởi nó không được nhất quán một khuôn mẫu nào cả do con người có ai giống nhau khuôn mặt nào đâu. Bác nói riêng cũng như các nghệ nhân múa rối Đào Thục luôn mong nhà nước quan tâm đến môn nghệ thuật dân gian này, mảnh đất này luôn mong đón chào các bạn trong nước, ngoài nước bớt chút thời đến thăm xem múa rối nơi đây đã là sự đông viên vô cùng lớn đối với chúng tôi rồi”, bác Phi trĩu lòng chia sẻ.
Đã đến lúc chia tay làng Đào Thục cũng như gia đình bác Phi để trở về Hà Nội khi trời đã sẩm tối, trên suốt chặng đường về câu nói của bác Phi cứ hiện lên miên man “ Tại đây chúng tôi đều tự phong “nghệ nhân” cho nhau nghe”.