Khám phá cuốn sách “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ - Chốn thiêng nơi cõi thực”
(Sóng trẻ) - Cuốn sách “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ - Chốn thiêng nơi cõi thực” do Thạc sĩ Trần Quang Dũng – Phó chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long – Hà Nội chủ biên vừa được xuất bản và ra mắt độc giả.
Cuốn sách được thực hiện với sự tham gia của nhiều tác giả như: nhóm nghiên cứu của thạc sĩ Trần Quang Dũng, thạc sĩ, nhà báo Lê Khánh Vi, những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ nổi tiếng như đồng đền Lưu Ngọc Đức (trụ trì Lảnh Giang Vọng Từ, Đông Hương Linh Từ, Thủy Trung Tiên Từ), đồng đền Nguyễn Tất Kim Hùng (trụ trì Nguyên Khiết Linh Từ), thanh đồng Lê Bá Linh (thủ nhang Nguyên Khiết Linh Từ), đồng đền Trần Văn Hải (trụ trì Bát Hải Vọng Từ, Bồng Lai Linh Từ), cố nghệ nhân dân gian Chu Đức Nguyệt (nguyên cung văn trưởng Nguyên Khiết Linh Từ). Cùng với đó là rất nhiều bức ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Long Hưng, giảng viên thỉnh giảng Khoa Nhiếp ảnh, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.
Cuốn sách “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ - Chốn thiêng nơi cõi thực”
Cuốn sách được chia làm ba phần chính:
Phần 1: “Chốn linh thiêng” – Giới thiệu một cách rõ ràng, súc tích, cô đọng về thần điện của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ. Bên cạnh đó phần này còn giới thiệu khái quát về các lớp tín ngưỡng có mối quan hệ mật thiết với Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ như tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần, thờ Tứ vị Hồng Nương, thờ các vị Chúa Bà.
Phần 2: “Thiêng nơi cõi thực” – Đây là phần nội dung được xây dựng từ chia sẻ của các đồng đền, thanh đồng, cung văn nổi tiếng về những nghi lễ đặc sắc trong thực hành Tín ngưỡng, trong đó có thể tìm thấy nhiều chỉ dẫn cụ thể, từ nghi lễ đội bát nhang, tôn nhang bản mệnh, đến khăn áo, hoa man tài mã và lễ vật cúng tiến trong hầu đồng…
Phần 3: “Về nơi cửa Thánh” – Phần này là kết quả của quá trình điền dã suốt hàng chục năm của chính tác giả, trong đó không chỉ cung cấp thông tin cơ bản về các đền, phủ quan trọng, như địa chỉ, số điện thọai, lễ hội/ngày tiệc để bạn đọc dễ dàng tìm hiểu, tra cứu mà còn ghi lại các tuổi đội bát nhang, bài văn khấn nôm để kêu cầu khi đi lễ ở các đền, điện, phủ của Tín ngưỡng.
Sự thành công của cuốn sách không chỉ thể hiện ở nội dung mà nó còn được thể hiện qua gần một trăm bức ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Long Hưng, ghi lại những khoảnh khắc chân thực và sinh động của việc thực hành tín ngưỡng.
Hình ảnh bên trong cuốn sách
Thông qua việc tham khảo các tài liệu đi trước và đặc biệt qua sự trải nghiệm sâu sắc của bản thân các tác giả của cuốn sách đã đem đến cho người đọc một thế giới quan rõ ràng, súc tích, chắc chắn về hệ thống tín ngưỡng này. Tất cả các tác giả đều hướng trọng tâm đến việc miêu tả thực hành tín ngưỡng hơn là biện luận hay lý luận về nó chính vì vậy độc giả thấy được, hiểu được các nghi lễ vô cùng phong phú phức tạp của hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ trong thời kỳ phát triển đương đại.
Tín ngưỡng thờ Tam, Tứ phủ đã được UNESCO thừa nhận là một Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại, chặng đường phát triển của nó còn lâu dài. Việc thấu hiểu, bảo tồn, phát huy và quảng báo giá trị của nó là trách nhiệm, là niềm tin thiêng liêng của mọi người trước một tích tụ văn hóa tinh thần quý giá đã trải qua trường kỳ lịch sử. Cuốn sách “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ - Chốn thiêng nơi cõi thực” là tác phẩm thể hiện rất rõ trách nhiệm đó.
Kỳ Anh
Cùng chuyên mục
Bình luận