Khám phá nghệ thuật đảo ngược trong tranh của họa sĩ Nguyễn Đại Giang
(Sóng trẻ) - Triển lãm “Dân tộc - Hiện đại là cội nguồn của nghệ thuật đảo ngược, Họa sĩ Nguyễn Đại Giang” giới thiệu cho khán giả cái nhìn mới mẻ về trường phái hội họa đặc biệt này.
Trường phái nghệ thuật đảo ngược vốn được biết đến là rất kén người xem, bởi mỗi bức tranh lại mang một tầng lớp triết lý xa xôi nhưng luôn phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội, được thể hiện qua cái nhìn trừu tượng của người nghệ sĩ. Trong bức tranh, những hình hài và chủ thể đều ở trạng thái ngược; mắt, mũi, miệng, đôi chân, đôi tay không còn đặt ở vị trí quen thuộc, mà đôi khi còn như đang "nhảy múa", "lộn tùng phèo". Nhưng đó không chỉ là sự đảo ngược đơn thuần mà đòi hỏi người xem phải suy ngẫm và cảm nhận.
Với họa sĩ Nguyễn Đại Giang, cảm hứng sáng tạo của ông xuất phát từ chính những bức vẽ đảo ngược trên đá ở bãi đá cổ Sapa hay các bức tranh tường ở đồng bằng sông Cửu Long thế kỷ thứ 17. Ông từng nhiều lần chia sẻ về trường phái nghệ thuật trong các tác phẩm của mình:"Nghệ thuật đảo ngược là tôi vẽ cuộc đời tôi. Cuộc đời tôi có lúc lên có lúc xuống. Một phần nữa là tôi nhìn xã hội bên ngoài, cụ thể là xã hội Mỹ, một xã hội cực kỳ giàu có mà vẫn có người ăn xin ở ngoài đường. Khi tôi nhìn cảnh ấy và liên hệ với mình, thì mới thấy là cái đời sống đảo ngược này không phải ở nước Mỹ, không phải ở Việt Nam mà toàn thế giới. Cuộc đời này ai cũng thế, luôn song hành, lẫn lộn nhau. Và do đó mới sinh ra chủ nghĩa đảo ngược".
Đến với nghệ thuật đảo ngược Nguyễn Đại Giang, khán giả được trải nghiệm những giá trị dân tộc kết hợp với yếu tố đương đại, được tiếp xúc, cảm nhận những triết lý sống Phương Tây hòa cùng với truyền thống văn hóa Phương Đông, dưới một góc nhìn mới, vừa lạ, vừa quen.
Tại triển lãm lần này, họa sĩ đem đến 32 tác phẩm được sáng tác trên chất liệu sơn dầu và acrylic, tất cả đều theo trường phái đảo ngược với những nét vẽ phóng khoáng cùng gam màu tươi sáng. Thông qua các tác phẩm, ông mong muốn người xem có thể cảm nhận được vẻ đẹp của nghệ thuật phá cách, hòa quyện cùng tình cảm bao dung, hòa đồng của dân tộc Việt Nam.
Các tác phẩm được lấy cảm hứng từ nhiều chủ đề đa dạng như các nhân vật nổi tiếng trên thế giới, người phụ nữ, văn hóa dân gian, phong cảnh và nhịp sống tại Hà Nôi… với cách thể hiện hoàn toàn mới, cho thấy một sức sáng tạo dồi dào cùng nỗ lực khẳng định nét độc đáo của riêng họa sĩ.
Một số tác phẩm được trưng bày:
Triển lãm "Dân tộc - Hiện đại là cội nguồn của nghệ thuật đảo ngược, Họa sĩ Nguyễn Đại Giang" sẽ diễn ra đến hết ngày 31/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Họa sĩ Nguyễn Đại Giang sinh năm 1944 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp khóa 3 và Đại học Mỹ thuật Công nghiệp khóa 1 tại Hà Nội. Từ năm 1969 đến 1974, ông học chuyên ngành đồ họa tại Trường Mỹ thuật Công nghiệp Moscow (Nga), sau đó bổ túc thêm về đồ họa tại Seattle (Washington, Mỹ) (1996 – 1997). Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã tổ chức nhiều triển lãm quốc tế và trong nước cũng như nhận về nhiều giải thưởng quốc tế lớn. |