Khi các cặp uyên ương dùng nắm đấm “dạy nhau”
(Sóng trẻ) - Chuyện chàng ca sĩ nổi tiếng và cô nàng hotgirl đánh nhau giữa phố ồn ào một thời gian đã chứng minh một điều rằng: Thời nay, những cặp đôi yêu đương mặn nồng cũng sẵn sàng “nói chuyện” bằng tay chân.
Dùng roi vọt để chứng minh tình yêu?
Mỗi chiều thứ 7, chủ nhật ở nhà, Hoài (nhân viên CityBank, trú tại Lương Thế Vinh, Hà Nội) lại nghe tiếng cãi nhau kịch liệt bên trong một cánh cửa nhà hàng xóm. Tình trạng không chỉ diễn ra một vài tuần mà như điệp khúc lặp đi lặp lại đến gần nửa năm trời. Cãi nhau chán chê, người con trai còn lôi người yêu ra cầu thang nhiều người đi lại để đánh cho hả dạ. Sự việc gây ồn ào cả khu tập thể một thời gian dài, đến mức tổ dân phố còn phải đến làm việc trực tiếp.
Ban đầu, Hoài còn tưởng họ là vợ chồng, nhưng hỏi ra mới biết, thực chất đây chỉ là một cặp yêu nhau đang sống thử. Hoài vô cùng ngạc nhiên tự hỏi: “Là vợ chồng rồi thì không nói làm gì, đang yêu nhau mà suốt ngày cãi cọ đánh đấm như thế thì bỏ đi chứ để làm gì nữa? Lại còn kéo dài lâu như thế”. Câu hỏi chắc chỉ có người trong cuộc mới giải đáp được!
Trên thực tế, các cặp đôi nại trừ những phút mặn nồng thì việc thượng cẳng chân, hạ cẳng tay ít nhiều đều có xảy ra. Nếu điều tồi tệ này đã xảy ra một lần thì gần như chắc chắn sẽ xảy ra lần nữa và những lần sau đó sẽ còn tệ hơn lần trước.
Tiến (23 tuổi) đang là sinh viên ĐH Mỹ thuật công nghiệp, Tiến và Ngọc yêu nhau đã gần 5 năm. Tiến nổi tiếng là hay ghen, chỉ cần thấy Ngọc nói chuyện với bạn khác giới, y như rằng Tiến sẽ nổi giận và “tra khảo” đến nơi đến chốn. Còn Ngọc cũng ghê gớm chẳng ai bẳng, những lần mâu thuẫn, cô còn cố tình chọc giân người yêu. Có khi, đôi này còn choảng nhau giữa sân trường trước con mắt của hàng trăm người nhìn vào.
Cãi vã, đánh nhau dường như là thói quen của cặp đôi này. Nói như Tiến thì “việc bọn mình thỉnh thoảng có đánh nhau có nghĩa là mình không yêu cô ấy, vì yêu nhiều mới ghen, ghen thì mới đánh thôi”. Đành rằng, yêu nhau lâu năm, chuyện cãi cọ dẫn đến xô xát là khó có thể tránh khỏi. Nhưng tình cảm “sâu sắc” đến mức dăm bữa nửa tháng phải đánh nhau một lần như cặp đôi này thì không thể chấp nhận được.
Đa số con trai vốn cục tính nóng nảy, đôi khi vì vài chuyện không ưng mắt mà không kiềm chế được. Những lúc thế này, người con gái phải biết mềm nắn rắn buông, tránh tối đa việc đụng chân đụng tay. Tuy nhiên, cũng chỉ nên thông cảm trong một vài trường hợp chứ không phải bỏ qua hay tha thứ hoàn toàn. Nhiều bạn gái bị người yêu đánh đập thường xuyên nhưng khi ai nhắc đến đều liên tiếng bênh vực. Nhung (ĐH Công đoàn) cho rằng: “Là do mình sai trước anh ấy mới làm như thế. Những lúc bình thường cũng luôn chiều chuộng, chăm sóc mình. Biết anh ấy yêu mình nên đôi khi có lỡ tay mình cũng nhịn, cho qua đi”.
Kiểu chịu đựng, nhẫn nhục trước hành động đánh đập của người yêu của Nhung khiến người khác không thể đồng cảm được. Ai có thể lên tiếng khi chính người trong cuộc đã không có ý kiến gì?
Phải tự giải thoát cho chính mình
Đ. Huyền (làm văn thư cho một trường trung học) và người yêu đã có hơn 1 năm yêu nhau. Lúc chưa cưa được Huyền, Tuấn (người yêu Huyền) luôn tỏ ra là một người đàn ông đàng hoàng đúng mực. Vậy mà lúc quan hệ của hai người đã bắt đầu trở nên khăng khít hơn thì Tuấn lại bộc lộ bản tính, thường xuyên hành hạ người yêu của mình. Ban đầu, dù rất thất vọng nhưng Huyền vẫn chịu đựng, tiếp tục duy trì mối quan hệ. Nhưng dần dần, những tổn thương, cay đắng tích tụ lâu ngày khiến cho Huyền không thể chịu đựng được nữa và quyết định chia tay trước khi quá muộn.
Rất cần những quan tâm nhẹ nhàng trong tình yêu (ảnh minh họa)
Trong tình yêu, dù ở bất kì lứa tuổi nào cũng đều đòi hỏi những cử chỉ nhẹ nhàng, quan tâm và thấu hiểu nhau. Mới chỉ yêu nhau mà đã phải hứng chịu đòn roi từ người yêu thì nếu cưới về, cuộc sống hôn nhân sẽ bất hạnh đến thế nào. Hay tâm lí bình thường của người con gái làm sao chấp nhận được khi bạo lực chỉ đến từ một phía. Cảm thông, chấp nhận thói hư tật xấu của người mình yêu là điều nên làm. Nhưng thói hư tật xấu đang nói đến đây không thể bao gồm hành động bạo lực.
Bạo lực trong tình yêu là một vấn nạn đang có xu hướng tăng và để kiếm soát tình trạng này lại rất khó. Yêu đương không có sự ràng buộc về mặt pháp luật, nên pháp luật không thể can thiệp được. Khi đó, cách giải quyết tốt nhất chính là chia tay, không nên tha thứ hay nhân nhượng. Chính bản thân người bị bạo hành không đứng ra giải thoát mình thì không ai giúp được họ cả. Nên nhớ một điều rằng khi bị bạo lực, cách tốt nhất là phải thoát khỏi nó.
Phan Thùy Trang
Báo mạng điện tử K.30
Cùng chuyên mục
Bình luận