Khó khăn khi sinh viên làm “Xế” Grabbike
(Sóng Trẻ) - Sở hữu một chiếc xe máy, một sờ mát phôn là bạn có thể dễ dàng trở thành một tài xế xe ôm. Chính vì lẽ đó, nhiều bạn sinh viên đã lựa chọn nghề “xế” thời a còng để làm lúc rảnh rỗi. Tuy nhiên, đằng sau công việc ấy ẩn chứa muôn vàn khó khăn.
Xe ôm thông minh
GrabBike là một ứng dụng cài trên điện thoại thông minh, giúp kết nối trực tiếp với khách hàng và tài xế xe ôm. Sau khi đến địa điểm mong muốn, khách hàng sẽ tiến hành thanh toán cho xế theo số hiển thị trên màn hình ứng dụng.
Giao diện để đặt dịch vụ đi GrabBike
Với cước giá rẻ, không phải mặc cả trước khi đi, an toàn khi biết rõ danh tính tài xế, hơn nữa, lực lượng xế GrabBike lại có mặt ở mọi lúc mọi nơi, chỉ cần bạn gọi điện họ sẽ có mặt gần như tức thì. Chính những ưu điểm vượt trội đó, GrabBike nhanh chóng nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của nhiều khách hàng thượng đế trong thời đaị công nghệ số.
Thủ tục đơn giản, nhanh chóng và không đòi hỏi khắt khe về điều kiện nên hầu như những người có xe máy và smartphone đều có thể trở thành tài xế “thông minh”. Và sự thực, đội ngũ xế GrabBike khá đa dạng đủ mọi thành phần từ sinh viên, người lao động cho đến công nhân, tri thức…
Nhân viên văn phòng kiếm thêm thu nhập, sinh viên có tiền đóng học phí, người lao động có thể tự nuôi sống bản thân…là nhiều lợi ích mà ứng dụng GrabBike này đem lại. Hiện nay, số lượng GrabBike Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tăng lên nhanh chóng, phủ sóng khắp mọi ngóc ngách cửa ngõ vùng nội đô. Có thể thấy sự ra đời của GrabBike đã đánh dấu sự phát triển của nghề xế xe ôm “công nghệ”, phá vỡ tính chất địa bàn của dịch vụ xe ôm “truyền thống.”
Bạn Nguyễn Hữu Đức (sinh viên năm 2, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông Hà Nội) kể về những ưu điểm của Grab: “Không hạn chế thời gian như các công việc khác: bưng bê pha chế quán café, bán quần áo, làm việc ở Loteria… ; thích hợp với những người không thích gò bó; không bị quản lý chặt chẽ muốn nghỉ thì nghỉ; có chế độ thưởng”.
Khó khăn rình rập
Đa phần các bạn sinh viên khi mới bắt đầu chạy xe thường bỡ ngỡ với nhiều tuyến đường trong thành phố, tình trạng lạc đường, đi vào đường cấm, bị cảnh sát giao thông tóm…dường như là thường xuyên. Nhưng sau tất cả, nhiều bạn vẫn cố gắng bám nghề, chấp nhận sự đánh đổi khi gắn bó với GrabBike.
Bạn Hữu Phước (sinh viên năm 3 trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ:“Mình tham gia Grab từ tháng 1/1/2017, mới đầu chạy thì còn lớ ngỡ vì không biết nhiều đường. Đến giờ thì cũng biết đến 80-90% đường Hà Nội, chỉ không biết mấy quận, huyện nại thành”.
Bình luận của một bạn sinh viên trên Facebook
Khi có ý định trở thành đối tác với GrabBike, bạn sẽ phải đối mặt với vô vàn thử thách. Dù Grab tiện lợi, chủ động, không khắt khe về thời gian nhưng không có nghĩa Grab là diễn đàn vô tổ chức mà nó vẫn có những quy định ngầm bắt buộc mỗi xế Grab phải tuân thủ.
Bạn Nguyễn Xuân Tùng (sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) tâm sự: “Mỗi một người khi tham gian vào Grab sẽ được Grab cấp cho một tài khoản, nếu làm gì vi phạm so với quy định của Grab thì ngay lập tức sẽ bị khóa, có 1 lần mình suýt bị khóa vì quy định của Grab là bắt buộc 100% phải mặc đồng phục mà hôm ấy mình quên mất không mặc”.
Xuân Tùng bên bộ trang phục đặc trưng của Grab
Từ khi dịch vụ xe ôm GrabBike ra đời, các bác xe ôm truyền thống trở nên gặp khó khăn khi thị trường bị cạnh tranh bởi những xế “thông minh” trong thời đại @.
Sự cạnh tranh gay gắt đến mức nhiều bạn sinh viên bị các bác xe ôm “truyền thống” dọa dẫm, đuổi đánh. Hữu Phước chia sẻ: “Chuyện ấy là không thể tránh khỏi, các bác xe ôm truyền thống còn có bảo kê nữa ấy. Mới hôm thứ 7 tuần trước xong mình bị đuổi, đấy là lần đầu luôn bị các bác xe ôm truyền thống đuổi”.
Bạn Huy Cường (sinh viên năm 3, ĐH Công nghiệp Hà Nội) trải lòng về khó khăn của một xế Grab: “Lực lượng xế Grab quá đông, không có khách, khách khó tính. Khi bạn sử dụng ứng dụng Grab sẽ có mục bình chọn chất lượng phục vụ, nó sẽ có bình chọn từ 1 đến 5, mình được bình chọn ít sao”.
Hầu hết các xế Grab đều văn minh, lịch sự nhưng cũng có những xế xấu tính cướp khách của đồng nghiệp khiến Grab mất điểm trong mắt khách hàng. Nhưng với quy định chặt chẽ của mình, Grab luôn hướng tới một dịch an toàn và thân thiện. Nhiều bạn sinh viên thông qua Grab trưởng thành hơn, sớm va chạm với cuộc sống, biết trân quý đồng tiền mặn đắng.
Kinh nghiệm làm xế
Với gần 2 tháng làm đối tác với Grab, bạn Hữu Phước đã tự rút ra kinh nghiệm cho chính bản thân: “Không nên đứng ở bến xe một mình nên đứng chỗ có đông anh em Grab”
Còn bạn Huy Cường với hơn 3 tháng làm xế cũng nhận ra bài học lớn khi dấn thân vào nghề: “Di chuyển đến những chỗ có khách; chọn giờ hợp lý để ra đường để đỡ tắc; đi đường gần”.
Video: Kinh nghiệm khi sinh viên làm xế Grab
Mỗi chuyến đi là mỗi bài học kinh nghiệm giúp xế sinh viên dần nâng cao tay nghề, tự tin hơn với màu áo xanh của Grab.
Thùy Dương
Báo chí Đa phương tiện K34A2
Cùng chuyên mục
Bình luận