Khơi nguồn cảm hứng từ phong cách thi sáng tạo
(Sóng trẻ) – Sáng 7/1, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức cuộc thi Văn hay – Chữ tốt theo hình thức đặc biệt: để học sinh trực tiếp trải nghiệm và cảm nhận thành phố nơi mình đang sống trong buổi bình minh tươi sáng từ trên tàu.
Tham gia cuộc thi Văn hay – Chữ tốt năm nay gồm 162 thí sinh cấp trung học cơ sở được tuyển chọn từ các quận huyện. Trước khi bước vào làm bài, các em được trải nghiệm đi tàu cao tốc để du ngoạn thưởng lãm thành phố nhìn từ sông Sài Gòn trong hơn một giờ đồng hồ. Đây cũng chính là hoạt động đầu tiên của cuộc thi – hoạt động Trải nghiệm.
Trên tàu cao tốc, các em có thể ngắm nhìn thành phố trong buổi bình minh và lưu lại những ấn tượng của riêng mình. Có thể đó là ấn tượng về những địa danh nổi tiếng như bến Nhà Rồng hay cầu Thủ Thiêm, cũng có thể là ấn tượng về một thành phố yên bình buổi sớm mai. Không phải góc nhìn từ khung cửa sổ hay con đường đến trường, thành phố nhìn từ sông Sài Gòn khơi gợi cho các thí sinh những cảm xúc, rung động đầy mới lạ.
Đối với các thí sinh, trải nghiệm thú vị trên khơi gợi cho các em rất nhiều suy nghĩ, tình cảm đặc biệt. Có những em càng ấn tượng sâu sắc hơn khi lần đầu được đi tàu cao tốc. Thông qua việc quan sát và lắng nghe thiên nhiên, cảnh vật, con người thành phố, các em có được nguồn cảm hứng và ngữ liệu để sáng tạo văn chương.
Sau "công đoạn" gợi cảm hứng, khi hoàn thành chuyến đi trải nghiệm, thí sinh tập trung tại ga tàu. Khu vực thi được chuẩn bị ngay tại đây. Không bị chỉ định vào đúng chỗ theo cách thi truyền thống, thí sinh có thể tự chọn ngồi làm bài ở bất kỳ vị trí nào mình thích.
Phần 1 bài thi, mỗi học sinh được phát thiệp và bút màu để trang trí cho tấm thiệp theo chủ đề: lựa chọn một từ ngữ yêu thích để nói về suy nghĩ, cảm xúc của bản thân đối với thành phố. Không gian và hình thức thi không chỉ độc đáo, mới lạ mà còn mang tới sự gần gũi, thoải mái cho học sinh.
Ở phần 2, thí sinh làm đề thi trên giấy theo khối lớp 6 - 7 và khối lớp 8 - 9.
Đề dành cho học sinh khối 6-7:
"Ngắm nhìn thành phố thật quen từ một góc thật lạ... Em đã có rất nhiều cảm xúc phải không?
Từ những cảm xúc ấy, em hãy sáng tác một bài thơ/kể một câu chuyện hoặc viết một bài văn biểu cảm về cuộc dạo chơi ngắm nhìn thành phố sáng nay với nhan đề "Hành trình trải nghiệm - Hành trình cảm xúc".
Đề dành cho học sinh khối 8-9:
"Ngắm nhìn thành phố thật quen từ một góc thật lạ... Em đã có rất nhiều cảm xúc phải không?
Từ những cảm xúc, suy nghĩ ấy, em hãy viết bài văn với nhan đề "Một góc nhìn khác về thành phố tôi yêu".
Việc sáng tạo, đổi mới nội dung và hình thức thi của Ban tổ chức đã mang tới hiệu quả tích cực. Không chỉ là đề văn trên giấy, việc được trực tiếp ngắm nhìn thành phố thông qua hoạt động thực tế khiến các em vô cùng thích thú và háo hức, đồng thời phát triển được suy nghĩ, cảm hứng theo cách tự nhiên nhất.
Qua 21 lần tổ chức, cuộc thi Văn hay - Chữ tốt không chỉ tạo môi trường học tập, giao lưu, vui chơi cho các em học sinh trung học cơ sở, mà còn giúp các em hình thành năng lực văn chương (như năng lực giao tiếp, năng lực thẩm mỹ, năng lực tư duy) và những phẩm chất tốt đẹp (biết trân trọng cái đẹp; có đời sống tinh thần phong phú; có tâm hồn và lối sống nhân ái, vị tha; có tính kiên trì, nhẫn nại).
Th.S Trần Tiến Thành - chuyên viên môn Văn, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, chia sẻ: "Hội thi tạo điều kiện cho thí sinh trải nghiệm nhằm mục đích khơi lên cảm xúc, suy nghĩ của các em về thành phố nơi mình đang sống. Thông qua việc quan sát và lắng nghe thiên nhiên, cảnh vật, con người TP.HCM, các em có được nguồn cảm hứng và ngữ liệu để sáng tạo văn chương.
Chúng tôi hi vọng hội thi sẽ giúp nối kết môn Ngữ văn trong nhà trường với cuộc sống muôn màu, nối kết trang sách với cuộc đời đồng thời tác động tích cực đến việc dạy học văn trong nhà trường phổ thông”.