Khơi nguồn sức mạnh từ sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
(Sóng trẻ) - Phụ nữ dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, hỗ trợ sinh kế cho họ không chỉ là nhu cầu cấp thiết mà còn là yếu tố quan trọng để cải thiện đời sống và thúc đẩy phát triển bền vững.
Một trong những thách thức lớn nhất đối với phụ nữ dân tộc thiểu số là thiếu tiếp cận các nguồn lực kinh tế. Điều này bắt nguồn từ nhiều yếu tố, như sự thiếu hụt về cơ hội học tập, kỹ năng nghề nghiệp hạn chế, sự phân biệt giới tính trong lao động và cơ hội thăng tiến, cũng như sự hạn chế về quyền sở hữu tài sản. Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số phải làm việc trong các nghề nông nghiệp nhỏ lẻ, không có sự hỗ trợ về kỹ thuật, vốn hay thị trường tiêu thụ sản phẩm, khiến thu nhập của họ chỉ ở mức thấp và bấp bênh.
Để giải quyết vấn đề này, các chương trình hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số cần phải có sự can thiệp toàn diện. Nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế gia đình, đa dạng hóa các loại hình sinh kế là các ưu tiên mà địa phương cũng như các đơn vị tổ chức, đang hỗ trợ cho cộng đồng.
Với số tiền trị giá 300 triệu đồng, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và Tổ chức CARE đã trao, hỗ trợ cho các chị em phụ nữ đang tham gia Nhóm cổ phần tài chính tự quản và Hợp tác xã AraTay Coffee tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.
Vốn vay lãi suất 0,5 - 1%/năm được giải ngân cho các nhóm để thực hiện các mô hình sinh kế hộ gia đình như chăn nuôi, trồng trọt và sẽ được xoay vòng hàng năm để có thể hỗ trợ được nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Có đến 150 - 280 phụ nữ tham gia các nhóm tự quản trên địa bàn sẽ được hỗ trợ vốn vay từ chương trình này.
Là Giám đốc Hợp tác xã Aratay Coffee, bà Cầm Thị Mòn chia sẻ: “Các chị em trong nhóm của chúng tôi thì cũng được hỗ trợ khoảng 50 - 60 triệu. Chúng tôi chia cho 12 hộ, mỗi hộ 5 triệu để mua con giống, có nhóm nuôi vịt, có nhóm nuôi dê, có nhóm sẽ nuôi lợn”.
Dự án “Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng” với số vốn 500 triệu đồng đã thực hiện nhiều hoạt động nâng cao nhận thức cho phụ nữ và trẻ em về bình đẳng giới, hỗ trợ vốn vay để phát triển sinh kế ở dân tộc thiểu số tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Dự án cũng đã triển khai 15 gói hỗ trợ vốn vay với tổng trị giá 150 triệu đồng cho 15 phụ nữ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, mong muốn thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình và cộng đồng tại địa phương.
Đánh giá vai trò của các dự án hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai, bà Hà Thị Khánh Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lào Cai cho biết: “Các hoạt động của dự án rất có ý nghĩa để hỗ trợ cho chị em nâng cao nhận thức, kiến thức về bình đẳng giới cũng như hỗ trợ phát triển kinh tế trong gia đình, tạo điều kiện cho chị em tham gia các hoạt động của dự án góp phần giúp cho chị em tự tin hơn, nâng cao vai trò của mình trong gia đình cũng như ngoài xã hội”.
“Với tỉnh Lào Cai nói chung và phụ nữ ở huyện Bắc Hà nói riêng còn rất thiệt thòi, khó khăn cả về nhận thức lẫn đời sống kinh tế nên chúng tôi cũng rất mong muốn trong thời gian tới quỹ Vì tầm vóc Việt tiếp tục quan tâm để triển khai thêm nhiều các hoạt động hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, bà Hà Thị Khánh Nguyệt bày tỏ.
Nguồn vốn hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn đến từ Chiến dịch “Tô Cam 2023 - Hành động chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”. Đây là chiến dịch do Tập đoàn TH, Ngân hàng TMCP Bắc Á, và Quỹ Vì Tầm Vóc Việt phối hợp triển khai trong năm 2023, với mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề bạo lực với phụ nữ và trẻ em, đồng thời thúc đẩy các hành động thiết thực để hỗ trợ cho nạn nhân của bạo lực.
Bà Trần Thị Như Trang - Chủ tịch Hội đồng Quản lý, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt cho biết: “Quỹ Vì tầm vóc Việt đóng vai trò kết nối các nguồn lực xã hội để đem lại cho chị em phụ nữ đang cần sự trợ giúp. Trong hai năm vừa qua chúng tôi đã triển khai chiến dịch Tô Cam gây quỹ để hỗ trợ sinh kết cho chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và nạn nhân của bạo lực và chính vì đối tượng mục tiêu đó nên chúng tôi tìm đến những địa phương nơi chị em phụ nữ còn nhiều thiệt thòi và cần sự giúp đỡ”.
Không chỉ dừng lại ở đây, chiến dịch Tô Cam trong những năm tới và quỹ hỗ trợ sinh kế sẽ còn được nhân lên để giúp đỡ nhiều hoàn cảnh phụ nữ và trẻ em gái còn khó khăn trên cả nước trong những năm tiếp theo.
Việc hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số không chỉ giúp nâng cao đời sống của họ, mà còn góp phần vào sự phát triển toàn diện của các cộng đồng dân tộc thiểu số, giúp họ vượt qua đói nghèo, vươn lên trong cuộc sống và xây dựng tương lai tươi sáng hơn.