Kỉ yếu Vòng gỗ 103 - Khi "cây đại thụ" Chu Văn An thọ thêm 1 tuổi
(Sóng Trẻ) – Tháng tư, tuổi học trò chỉ còn đếm ngược bằng ngày. Cuốn kỉ yếu lưu lại những kỉ niệm lắng đọng nhất của thời cấp 3 là món quà học sinh 12 Chu Văn An dành tặng mái trường, thầy cô, cho bạn bè và cho chính mình; là lời chào tạm biệt một quãng đời mộng mơ thơ dại.
Trong những năm gần đây, một số trường trung học phổ thông như chuyên Hà Nội Amsterdam, Chu Văn An… đã để ý tới việc làm kỉ yếu (yearbook) cho khối lớp 12 sắp ra trường. Bắt nguồn từ ý tưởng của chính các bạn học sinh, một cuốn kỉ yếu của toàn khối sẽ bao gồm những hình ảnh tiêu biểu nhất trong 3 năm học của các bạn, những trang giới thiệu đặc sắc của từng lớp 12, gương mặt của từng giáo viên, học sinh trong niên khóa, địa chỉ liên lạc…
Người phụ trách làm kỉ yếu trực tiếp là chính những bạn học sinh cuối cấp, thầy cô giáo chỉ phụ trách việc tư vấn và duyệt nội dung. Phải cần tới sự góp sức của mọi thành viên trong khối 12 để có thể hoàn thành nội dung kỉ yếu sao cho thật hoàn thiện. Bởi vậy có thể nói, cuốn kỉ yếu là món quà tinh thần quí giá nhất mà các bạn dành tặng cho cả quãng thời gian cấp 3 chỉ còn ít ngày sót lại, những tháng ngày mà bao cảm xúc đan xen dưới bầu trời đầu hạ xanh trong, phượng đỏ xen lẫn bằng lăng tím bừng nở.
Để biết rõ hơn về công việc thực hiện kỉ yếu, phóng viên Sóng Trẻ đã có cuộc nói chuyện với các bạn học sinh THPT Chu Văn An (Hà Nội): Hoàng Thị Kim Hậu Phúc (12 Văn) và Trương Bá Huỳnh (12 Tin), hai bạn làm trong Ban nội dung của kỉ yếu Chu Văn An niên khóa 2010 – 2013, cuốn kỉ yếu mang tên “Vòng gỗ 103”.
Bắt đầu từ cái tên của kỉ yếu, vòng gỗ là tượng trưng cho tuổi của cây. Chu Văn An là trường cấp 3 được xây dựng từ năm 1908, tính đến niên khóa 2010 – 2013 đã là niên khóa thứ 103 nên kỉ yếu được đặt tên như vậy. Học sinh niên khóa 2009 – 2012 là lứa học sinh đầu tiên có được cuốn kỉ yếu của riêng mình, khi đó tên kỉ yếu là “Vòng gỗ 102”. Đối với học sinh Chu Văn An, các bạn tin tưởng rằng “những vòng gỗ” sẽ là truyền thống được các lớp học sinh cuối cấp sau này tiếp tục: “bởi các thế hệ học sinh Chu Văn An cũng giống như những vòng gỗ trong thân cây đại thụ, sẽ luôn nối tiếp và là những vòng tròn đồng tâm không bao giờ dừng lại”.
Học sinh lớp 12 bận rộn và chịu nhiều áp lực học hành, thi cử; nay lại thêm cả việc làm kỉ yếu nên các bạn lại càng thêm mất thời gian và công sức. Nhưng tất cả mọi người đều chấp nhận khó khăn và sẵn sàng tìm cách hợp lý để cân bằng công việc, với tinh thần tạo ra được một cuốn kỉ yếu đặc sắc nhất, chứa đựng nhiều nhất tình cảm và những điều rất riêng của niên khóa mình. Khi được hỏi về cảm xúc của mình khi là những người trực tiếp tham gia vào việc làm kỉ yếu, Phúc và Huỳnh nói rằng: “Những cảm xúc như tự hào, trân trọng, hạnh phúc,... có lẽ chỉ là những mĩ từ. Đơn giản chúng em cảm thấy thật sự tìm thấy chính mình và tìm thấy Chu Văn An của mình qua công việc này. Làm yearbook giống như một cơ hội cuối cùng để tất cả cùng hợp sức đem lại cho khóa mình một điều gì đó hoàn hảo mà chân thực hết mức có thể”.
Lưu lại hình ảnh bạn bè mình vào kỉ yếu
Chụp ảnh cho kỉ yếu là công việc có lẽ tiêu tốn nhiều thời gian nhất, nhưng đồng thời cũng là kỉ niệm vui nhất trong thời gian làm kỉ yếu của tất cả học sinh lớp 12. “Yearbook là của con trẻ nhưng vẫn có ảnh cha mẹ”, ban thực hiện phải dành cả buổi chiều để xin thầy cô chụp những bức ảnh đưa vào kỉ yếu. Các bạn đã kể lại cho Sóng Trẻ một trong những kỉ niệm vui của mình:
“Có buổi chiều thứ 4, là thời điểm các thầy cô phải họp Tổ bộ môn ở trường, để chụp ảnh các thầy cô bọn em đã canh ở sân trường từ 2h chiều, cho đến mãi 3h30 mới chụp được những bức ảnh đầu tiên vì lúc đó các thầy cô mới bắt đầu họp xong.
Bọn em phải đủ các kiểu năn nỉ, chạy theo, xin xỏ, bởi rất nhiều thầy cô bảo là: ‘Không báo trước, hôm nay cô ăn mặc xấu quá’; ‘Đợi hôm nào cô xinh rồi chụp nhé’; rồi các thầy thì: ‘Thầy tạo dáng thế nào cho phong độ nhỉ?’; ‘Nếu không đẹp trai là phải chụp lại đấy!’…
Các thầy cô cũng tạo dáng “pose” và trêu chọc nhau rất đáng yêu nữa. Chỉ một buổi chiều ấy thôi nhưng bọn em cũng thấy gần gũi hơn với các thầy cô rất nhiều”.
Hoa phượng lấm tấm nở, bằng lăng bắt đầu bung cánh, thời điểm luôn gợi cho mỗi chúng ta nhớ lại tuổi học trò, dù cho có những người đã xa rời năm tháng ấy quá lâu, tưởng như không thể quay về được. Xin kết bài bằng một đoạn nhật kí của người viết, vào những ngày tháng 12 của chính mình:
“Chúng tôi, ở bên dưới màu xanh trong của bầu trời, đã cùng nhau đi trên một hành trình ngắn ngủi. Chuyến đi ấy rất ngắn, vì chỉ chớp mắt là phải rời xa. Nhưng dù sao vẫn là sự đồng hành, và dù sao cũng đã là một phần của tuổi trẻ.
[…]
Mỗi thời khắc đẹp đẽ được giữ lại dưới dòng chữ viết, ở nơi khung ảnh, sâu trong tâm trí, và trái tim. Cuộc hành trình chung đã sắp đến hồi kết thúc, còn lại đây chỉ là một chuỗi những kí ức đã trở nên rời rạc, như cuộn phim không còn liền mạch. Nhưng, vẫn cứ đẹp đẽ, vẫn long lanh và lấp lánh sắc màu vui, vì chuyến đi ấy là chuyến đi của những đứa trẻ chưa kịp lớn”.
Nếu như muốn biết thêm về cuốn kỉ yếu đặc biệt này của học sinh Chu Văn An, các bạn hãy vào trang facebook chính thức “Vòng Gỗ 103” để đón chờ những thông tin và hình ảnh mới nhất nhé!
Hạnh Dung
Báo mạng điện tử K32
(ảnh do các bạn học sinh trường cung cấp)
Cùng chuyên mục
Bình luận