Kỹ nghệ thời điên đảo: Kỳ 4- Kinh hoàng mắm tôm trộn gián, rết

(Sóng Trẻ)- Mắm tôm được chứa trong các bể đầy côn trùng. Xác thạch sùng, xác gián, rết chết trắng bụng, nổi lềnh phềnh trên bề mặt. Các dụng cụ chai lọ được thu mua tại các cơ sở không rõ nguồn gốc. Nhân công lao động không trang bị đồ bảo hộ lao đông (găng tay, khẩu trang…). Thêm vào đó là việc sử dụng chất phụ gia, tạo màu, ủ chín gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Làm báo bằng mũi

Một phóng sự độc lạ với phương pháp khá đặc biệt đó là …ngửi. Ngửi để biết mắm sạch hay mắm bẩn, mắm chín hay mắm sống. Đó là những gì mà phóng viên đã trải qua trong khi thực hiện loạt phóng sự này.

Những ngày trung tuần tháng 9 năm 2016, nhận được nguồn tin một cơ sở sản xuất mắm tôm thuộc dạng lớn của Thanh Hóa đang sử dụng hóa chất phụ gia tạo màu, ủ chín nhanh cho các sản phẩm mắm tôm của mình. Nhóm PV cất công vào Thanh Hóa để điều tra hành vi gian dối trên. Ai cũng biết mắm tôm là một đặc sản của Thanh Hóa và cũng là món khoái khẩu của hàng triệu người dân Việt Nam. Cho nên nếu không làm cẩn thận có thể gây ảnh hưởng đến thương hiệu và uy tín của cả một ngành sản xuất mắm tôm đặc sản của Thanh Hóa.

5b569c440_uong_nhung_luc_nhuc_nhung_sinh_vat_nhu_the_nay.png
Bể mắm, mắm tôm của cơ sở Phương Nhung lúc nhúc những sinh vật như thế này

Địa điểm mà nhóm PV được phản ánh là cơ sở mắm tôm Phương Nhung xã Ngư Lậu, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đây là một trong bốn thương hiệu mắm tôm lớn của tỉnh Thanh Hóa với nhãn mác in trên bao bì dòng chữ bắt mắt “Đặc sản Hậu Lộc”. Mỗi ngày cơ sở này xuất xưởng hàng chục tấn mắm tôm rong ruổi trên các xe tải đi thẳng vào dạ dày của thực khách. 

Cơ sở Phương Nhung có hai xưởng sản xuất do bà Nhung trực tiếp điều hành. Đó là một người đàn bà phương phi đầy nghi hoặc. Chẳng thế mà khi PV vào vai một lái buôn thu mua mắm tôm thì bà Nhung gặng hỏi rất kỹ, tỏ vẻ nghi ngờ. Sau nhiều lần “tra khảo” bà Nhung đóng cửa tiễn khách và khuyến mại cho chúng tôi hai chai mắm tôm mà bà ta quảng cáo là hảo hạng. Tất nhiên chúng tôi tống tiễn vào sọt rác.

May thay trong xưởng có một công nhân nữ trung tuổi tên là Nga. Bà Nga rất thật thà chia sẻ hết cho PV về quy trình sản xuất mắm tôm ngâm hóa chất bởi bà Nga chính là người phụ trách công đoạn trên.

Hóa chất được sử dụng là bao gồm chất ủ chín và chất tạo màu. Loại hóa chất này tuy không độc đến mức gây bệnh ngay tức thì cho thực khách nhưng lại là chất cấm và được khuyến cáo không nên sử dụng nhiều. Nếu sử dụng nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe rất nghiêm trọng.

5b569c440_toi_thong_bao_moi_doan_kiem_tra_den_lam_viec_2.png
Cảnh sản xuất đóng chai mắm tôm vi phạm quy định ở cơ sở Phương Nhung trước khi chúng tôi thông báo mời đoàn kiểm tra đến làm việc

Mỗi ngày bà Nga đun 2 siêu nước đầy hóa chất và đổ chúng vào những bể mắm tôm đang ủ rồi khuấy đều. Theo bà Nga cho biết: “Ngày nào cô cũng đun hóa chất rồi ủ với mắm. Cũng chẳng biết có độc hay không nhưng bà chủ bảo làm để cho mắm có màu đẹp. Còn mấy loại hóa chất này cũng không biết xuất xử từ đâu chỉ thấy chữ tàu chắc cũng không tốt lành gì”.

Rết gián, thạch sùng chết trắng phơi bụng trong bể mắm tôm

Có thể chúng tôi quá đa nghi, nhưng quả là gần 1 năm qua, chưa một giọt mắm hoặc mắm tôm nào của cơ sở này “trôi qua đầu lưỡi” nhóm phóng viên. Bởi hình ảnh những xô chậu múc mắm tôm đặt bệt ngay xuống đất, cạnh đó là hót rác, chổi nhựa, nhiều nhân công vô tư bơm mắm tôm vào chai nhựa bằng tay trần, chân trần “tơ hơ”.

Đặc biệt đáng sợ là hệ thống bể ngâm, chứa bằng bêtông rất bẩn thỉu, vài miếng nhựa, vài miếng nylon, mảnh fibrôximăng che cũ kỹ ố mốc.

Ừ thì, chả ai đi vào bể ngâm mắm tôm để ngửi... xem có thơm không rồi phán liều. Ừ thì, dân gian có câu “ăn mắm mút giòi”. Nhưng rõ ràng, chẳng ai muốn ăn mắm tôm múc từ cái bể lúc nhúc giòi và những con “bọ mắm” bò lổm ngổm. Chúng bu kín cả một góc bể lớn bằng ximăng cũ rỉn. Giòi bọ, con trắng con đen ne nguẩy trong lõng bõng mắm và mắm tôm đen sẫm nặng mùi.

5b569c440_co_so_vot_gian_khoi_be_mam_tom_anh_cat_tu_clip.png
Nhân viên của xưởng chủ động vứt con gián khỏi bể mắm tôm và nói, trước khi bán bọn em còn lọc hết những xác động vật này, anh yên tâm

Hãi hùng, lúc nhúc, cả bộ sưu tập côn trùng không một ai dám nghĩ nó có thể được ngâm xác rồi trở thành một phần món “đặc sản” ăn trực tiếp vào miệng. Vài con nhện to bằng hai ngón tay, phơi mình chết thối, nổi lềnh bềnh trong bể mắm. Lại mấy chú thạch sùng, con nào cũng to dài, đen thui mục ruỗng “mắc cạn” trên bể mắm tôm lầy nhầy, hay trắng hếu vừa trương phềnh, “bơi” theo dòng nước mắm.

Chưa hết, bọn gián mới là nhiều, con nào cũng to, nổi lập lờ. Đại diện cơ sở lẩm bẩm, đại ý: “Để lũ gián chết đó, đến chiều chị Nga (công nhân) chị ấy sang vớt. Nó chả làm sao đâu. Nó nằm đó rồi nó lại bơi đi, hoặc nó chết thì chúng em cũng lọc mắm tôm trước khi xuất bán mà”.

Một người hàng xóm, là một trí thức, gặp riêng chúng tôi nài quán cà phê ở cây cầu xa làng, thầm thì vào... máy quay của PV: Cơ sở này có nhiều bể chứa mắm tôm lớn, hàng trăm tấn, cứ vài ngày lại đánh ôtô chở hàng dán nhãn “Đặc sản Thanh ‘’Hóa” ra Hà Nội bán. Họ chỉ bỏ phụ gia, hóa chất vào mắm tôm ở giai đoạn trước khi đóng chai đem bán. 
Vì thế có đoàn kiểm tra đến thì họ dẫn ra bể “tìm hiểu”, “lấy mẫu”, cái mẫu đó chỉ có muối và moi (một loại hải sản) thì dĩ nhiên chẳng vi phạm gì. Anh này nhấn mạnh, cái nguy hiểm nhất là: “Họ chỉ bỏ phụ gia, hóa chất trước khi đem bán, thế nên người tiêu dùng càng dễ lãnh đủ hơn...”.

Ngay tại cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng mà nhóm PV chứng kiến, hàng loạt sai phạm của cơ sở đã được chỉ ra và yêu cầu bổ khuyết, khắc phục. Đặc biệt, trong quá trình chúng tôi điều tra, một công nhân tự giới thiệu là người “chuyên tâm” nấu phụ gia, chất tạo màu cho cơ sở Phương Nhung đã tiết lộ: Họ phải nấu chất tạo màu đỏ ối kia ra. Pha nó loãng bằng nước sôi, “phù phép” mắm tôm đen sẫm thành cái màu lòng tôm hồng hồng đo đỏ cho bát mắm tôm trong bữa bún đậu thơm nức. 

“Nửa ca nước to và một thìa hóa chất tạo màu, khuấy lên. Tùy sở thích của khách hàng, tạo màu thâm hay màu hồng” - bà Ng cho biết. Bà bảo, sợ nhất là loại hóa chất “có màu tim tím, đen đen, loại này khi “nấu” để pha, nó bay mùi lên kinh khủng lắm. Phải đeo bao tay, khẩu trang, hơi nó bay lên gây khó thở. Chữ trên bao bì thì toàn chữ nước nài, không đọc được. 

Đừng nói mà bà chủ mắng chị, chứ họ vẫn bỏ hóa chất vào, để nó giữ được cái độ (màu) không đen mấy, mà mình không bỏ thì nó nhanh đen màu”. Bà chủ dặn không được nói cho ai. Nói chung (người) mình biết chết vẫn ăn. Có cái hóa chất nó bằng bột khô, nên phải ngâm bằng nước sôi, lọc rồi mới nấu lên, phải lọc hai lần kẻo nó có cái hạt li ti vào sản phẩm. Có loại hăng lắm, gây khó thở. Sau khi cho phụ gia hay hóa chất đó vào, phải từ từ mai kia hẵng đóng chai đóng lọ, để nó bay bớt, bay hết mùi hăng đi đã...”.

Bà Ng lại dặn kỹ, “nếu “em” (nhà báo nhập vai) lấy hóa chất của xưởng về thì phải giấu kẻo công an họ bắt. Lưu ý cái chất màu đỏ kia nó “lan” và bám ghê lắm, một tẹo dính vào tay là mấy ngày giặt quần áo với bao nhiêu chà xát và xà phòng cũng không sạch. Vì thế khi làm phải đeo găng tay”.

Quả thật, còn nhiều dấu hỏi trước những lời tố cáo rất đanh thép và khó có thể thuyết phục hơn này. Ví dụ, hóa chất đó là hóa chất gì, liều lượng bao nhiêu là độc hại nguy hiểm, sản phẩm ra thị trường có tàn phá sức khỏe người tiêu dùng không? Cần điều tra khách quan để có phán xử cuối cùng, tránh lấp liếm bao che. Tránh làm oan cho cơ sở sản xuất, cũng như tránh bỏ lọt những kẻ đầu độc hoặc bảo kê cho đầu độc đồng loại.

Song, cái dễ thấy nhất là: Cơ sở sản xuất đã gian dối, trong khi cam kết bằng văn bản không sử dụng phụ gia hóa chất nhưng cuối cùng, trước tài liệu của PV Báo Lao Động đưa ra tại buổi kiểm tra, họ đã phải thừa nhận có việc sử dụng “phụ gia”.

Sử dụng hóa chất trong khi cam kết không sử dụng, sử dụng mà không ghi thông tin trên bao bì một cách minh bạch.
Điều đáng sợ hơn, chúng tôi cũng đã nhấn mạnh trong đề nghị ngay tại hiện trường với đoàn kiểm tra: Sản phẩm sử dụng “phụ gia hóa chất” ở thời điểm chúng tôi quay video tố cáo không còn lưu trữ mẫu theo quy định, thành phẩm thì đã bán hết như đại diện cơ sở thừa nhận, vậy thì làm sao xét nghiệm được đích danh những lô mắm tôm tiềm tàng nguy cơ độc hại kia? Việc xét nghiệm các lô ở thời điểm đoàn kiểm tra có mặt sẽ là “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, không có giá trị trong lật mặt, nếu có sai phạm.

Ninh Vũ

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Khai mạc Triển lãm Thực phẩm & Đồ uống Quốc tế 2024

Khai mạc Triển lãm Thực phẩm & Đồ uống Quốc tế 2024

Tin nổi bật1 giờ trước

(Sóng trẻ) - Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Thực phẩm và Đồ uống đã chính thức khai mạc vào sáng ngày 6/11 tại Hà Nội.

Sôi nổi không khí Hội thao Công đoàn Bách khoa năm 2024

Sôi nổi không khí Hội thao Công đoàn Bách khoa năm 2024

Tin nổi bật1 giờ trước

(Sóng trẻ) - Sáng 6/11, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Hội thao và trao giải nội dung môn Cầu lông và bóng bàn.

Chiếu phim và tọa đàm “Phạm Ngọc Lân: Hành trình đến Berlin”

Chiếu phim và tọa đàm “Phạm Ngọc Lân: Hành trình đến Berlin”

Tin nổi bật20 giờ trước

(Sóng Trẻ) - Sáng 5/11, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội diễn ra buổi chiếu phim và toạ đàm “Phạm Ngọc Lân: Hành trình đến Berlin”.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN