Ký ức Trường Sơn – Bài 2: Nghệ sĩ nơi tuyến lửa
(Sóng trẻ) - Sau những tháng ngày vật lộn trên khắp các chiến trường, đoàn văn công dã chiến được ưu tiên về ăn Tết cùng cán bộ và chiến sỹ Bộ Tư lệnh tiền phương ở Savanakhet (Lào).
Tết năm 1971, đoàn văn công xung kích Hà Bắc ăn Tết cùng một trung đoàn độc lập – trung đoàn 98 pháo binh. Trung đoàn này là một trung đoàn mà hầu hết các cán bộ, chiến sỹ là những người Hà Bắc. Hơn nữa, đây là trung đoàn vừa mới lập công xuất sắc khi bắn rơi một máy bay địch.
Ở chiến trường, gặp được người đồng hương đã khó, được ăn Tết cùng họ là điều còn khó hơn. Ông Nguyễn Hữu Luận – Phó đoàn văn công xung kích Hà Bắc năm đó (81 tuổi, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) cho biết: “Các chiến sỹ vừa chiến đấu, vừa đi săn để có đồ ăn ngon cho văn công. Các đồng chí đã săn được một con hươu gần 2 tạ để mừng đoàn văn công. Nào là nấu cháo, nào là nướng thịt…Đây là lần đầu tiên tôi ăn một bát cháo béo đến vậy, không ăn hết được, đành bỏ dở”.
Đêm giao thừa năm Tân Hợi là đêm giao thừa đặc biệt với đoàn văn công Hà Bắc. Không chỉ bởi, đây là cái Tết xa nhà mà còn là cái Tết trong lòng đất. Hội trường rộng lớn được nằm sâu trong lòng đất cũng được treo đèn, kết hoa, ngập tràn ánh sáng. Cành đào giả, to như cành đào thật, với hàng chữ “Năm mới thắng lợi mới”. Cùng ăn Tết lúc đó có rất nhiều anh em chiến sỹ thuộc các tiểu, trung đoàn và một số tướng lĩnh. Đặc biệt là có tướng Đồng Sỹ Nguyên - lúc bấy giờ là Tư lệnh Đoàn 559.
Liên tục trong những ngày Tết, đoàn văn công xung kích Hà Bắc phục vụ các đơn vị của trung đoàn 98. Đến đâu đoàn cũng được ăn Tết cùng đơn vị. Theo chỉ đạo, mỗi đơn vị chỉ được ăn Tết 1 ngày. Tuy không được đầy đủ nhưng vẫn có bánh, có giò, có thịt lại có cả rượu.
Không chỉ ăn Tết ở trung đoàn 98, mà khi về đến binh trạm 27 đoàn văn công Hà Bắc lại được ăn cái Tết nữa. “Cũng có giò, có có thịt, có bánh và có kẹo như Tết bình thường. Nhưng đặc biệt ở chỗ, mỗi người trong đoàn được ăn một búp xà lách được gửi từ chính quê hương Bắc Ninh vào…”.
Ngày 18/06/1971, sau một thời gian dài vừa đi vừa biểu diễn, đoàn văn công xung kích Hà Bắc nhận lệnh về Việt Nam. Ai cũng vô cùng vui sướng vì nhiệm vụ đã hoàn thành, được trở về quê hương. Đoàn hành quân về nước trong hơn một tháng, dù thời tiết khắc nghiệt nhưng không thể cản bước chân của đoàn.
Ông Luận kể lại: “Có khi mưa cứ rả rích cả tuần, đoàn chúng tôi phải mặc quần áo ướt cả tuần. Ban đầu khó chịu lắm, ẩm ướt nên người bứt rứt suốt ngày. Khi nắng lên thì thích lắm, dù đang hành quân chúng tôi cũng phải xin phép người dẫn đường cho nghỉ năm, mười phút để xuống suối giặt quần áo”.
Đoàn liên tục phải hành quân bất kể trời nắng hay mưa. Mỗi ngày một trạm, trạm nào trời nắng thì đoàn lại tổ chức biểu diễn cho bộ đội. Trạm nào mưa, không gặp được bộ đội thì đoàn văn công Hà Bắc cùng các chiến sĩ trong trạm hát hò cùng nhau. “Có hôm hát hò vui quá quên cả mệt…”, ông Luận hồi tưởng lại những ngày hành quân về Việt Nam.
Trên đường hành quân về, đoàn văn công như một chiếc thuyền nhỏ giữa biển khơi bệnh tật. Lần lượt các thành viên trong đoàn thay nhau bị ốm. Đầu tiên là ông Đắc An, Trưởng đoàn, rồi đến nhạc công Thân Quang Kết. Mỗi người khi ngã bệnh đều phải rời xa đồng đội, gửi lại trạm giao liên để chuyển đi điều trị ở bệnh viện.
Trong suốt chuyến đi, Đoàn văn công xung kích Hà Bắc đã mang tiếng hát đến với hàng trăm chiến sĩ tại các Binh trạm 27, 41, 42, 33, 35, 38 và 55 của Bộ Tư lệnh Trường Sơn và Sư đoàn 470. Với hơn 128 buổi biểu diễn chính thức và hàng chục buổi liên hoan, đoàn đã thực sự trở thành một ngọn lửa ấm áp giữa rừng sâu, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các chiến sĩ tiền tuyến đang ngày đêm bảo vệ Tổ quốc. Mỗi ngày, các nghệ sĩ trẻ phải di chuyển quãng đường trung bình từ 7 - 10km, thậm chí có những hôm cá biệt phải di chuyển đến cả 40km đường bộ. Nhưng cũng có những ngày toàn đoàn phải vượt qua những đoạn đường hiểm trở, chỉ đi được 3km
Vượt qua nhiều trọng điểm Bến Mới, Cua Đá và Cửa Tử. Qua sông Sê Băng Hiêng, sông Bạc. Băng đèo, lội suối tắm mình trong mưa bom, bão đạn, bầu bạn với mưa rừng, muỗi, vắt và sốt rét. Đi bộ mấy ngàn cây số trên tuyến Trường Sơn trải dài trên 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
Rời xa Hà Nội vào một ngày mùa đông năm 1970, trái tim ông Luận nặng trĩu nỗi nhớ gia đình. Người vợ trẻ, bà Nguyễn Thị Thuý Tình đang mang thai đứa con đầu lòng. Biết bao ước mơ, dự định dang dở đành phải gác lại. Thế nhưng, hình ảnh người vợ tần tảo và đứa con chưa chào đời luôn là động lực lớn lao để ông vượt qua mọi khó khăn, gian khổ trên chiến trường Trường Sơn. Ngày 16 tháng 8 năm 1971 ông Luận trở về từ chiến trường. Sau đó được Ty văn hoá Hà Bắc đưa về Tân Yên để tĩnh dưỡng, mỗi người 3 tháng.
Một chuyến đi lịch sử
Của Hà Bắc quê nhà
Với tiếng đàn lời ca
Cùng chiến trường góp lửa
Trích nhật ký Nguyễn Hữu Luận.
Trong số 14 nghệ sĩ từng tham gia tuyến lửa năm xưa, hiện có 7 nghệ sĩ còn sống đã nghỉ hưu, sinh sống tại hai thành phố Bắc Ninh và Bắc Giang. Các nghệ sĩ Nguyễn Hữu Luận, Hồng Thắm, Phương Lan và NSƯT Lệ Ngải sinh sống tại Bắc Ninh; còn Hùng Việt, Xuân Được và Minh Chính hiện đang sống ở Bắc Giang. Hằng năm, vào tháng 4, các nghệ sĩ của Đoàn văn công xung kích Hà Bắc năm xưa lại hội ngộ cùng các cựu binh của Sư đoàn 470. Họ cùng nhau mừng vui, tưởng nhớ những kỷ niệm không thể nào quên từ quãng thời gian gian khổ nhưng đầy ý nghĩa của họ trong quá khứ.