Làng trẻ em tự kỷ Phúc Tuệ: Ấm áp ngày tri â
(Sóng trẻ) - Hòa chung với không khí rộn ràng của ngày hiến chương nhà giáo Việt Nam, sáng 20/11, thầy và trò làng trẻ em tự kỷ Phúc Tuệ đã tổ chức ngày hội tri ân ấm áp nghĩa tình thầy trò.
Là một trung tâm nhỏ ven đường Phó Đức Chính, Tây Hồ, Hà Nội. Mái nhà Phúc Tuệ là nơi giáo dục, chăm sóc và phục hồi chức năng cho các em bị chậm phát triển nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng. Sáng 20.11, không khí nơi đây trở nên náo nhiệt và ấm áp lạ thường. Cùng chung không khí của ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam, cô và trẻ ở đây dường như cũng háo hức và vội vã hơn.
Bất ngờ với bài hát chào khách của cô trò lớp trẻ tự kỷ nhỏ, khiến tôi không thể không cũng cảm thấy ấm lòng và xúc động trước tình cảm thân thương đó. Càng tiếp xúc nhiều, càng “sống” lâu với cô và các em nơi đây, càng thấm thía được nhiều hơn tình thương yêu và tâm huyết của người “nhà giáo đặc biệt trong các nhà giáo”.
Mới sáng sớm, nhưng không khí ở đây đã bận rộn và vui vẻ vô cùng. Cả cô và trẻ đều tất bật nài sân, trang trí góc bài giảng, xếp ghế để chuẩn bị cho buổi mít tinh chiều 20/11.
Cô và trẻ cùng chuẩn bị góc bài giảng
Chính quyền địa phương, Ban phụ huynh, Công đoàn trung tâm cũng không quên đến tri ân những người làm công việc cao cả.
Ban phụ huynh lần lượt tới từng lớp và cả nhà ăn gửi thiệp cảm ơn
Cô Lan, trú tại Thụy Khuê, trưởng ban phụ huynh xúc động chia sẻ: “Năm nào Ban phụ huynh cũng tới thăm và cảm ơn các cô. Vì các cô phải làm những công việc khó khăn hơn những công việc khác, cần một tình yêu trẻ và lòng vị tha sâu sắc, các cháu lại không thể tỏ lòng biết ơn được nhiều như những trẻ bình thường. Vì thế Ban phụ huynh càng phải trú trọng và thật sự chân thành cám ơn các cô”
Những cái nắm tay vẫn dịu dàng, những cái ôm vẫn chặt như những ngày đã qua. Trời Hà Nội càng lạnh, mái nhà Phúc Tuệ càng ấm áp. Một tình thương vô hình luôn bao lấy mái nhà ấy, tạo ra một sức mạnh tình thương không đâu có được.
Cô Nhiên, giáo viên lớp trẻ tự kỷ lớn chia sẻ: “Các cháu tự kỷ, chậm khôn, kém phát triển nhiều khi không hiểu được ý nghĩa của ngày hôm nay. Các cháu nhận thức chưa được rõ. Tuy nhiên, cô vẫn cảm nhận được chút gì đó ấm áp và dịu dàng từ các cháu”.
Hầu hết các cô ở đây đều có thâm niên làm việc lâu năm. Ít nhất là 5 năm và nhiều là gần hết cả cuộc đời. Những cô giáo tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã có cống hiến 13 - 15 năm với mái nhà yêu thương này như cô Hà, cô Hiền,… Phải có một tình yêu thương vô cùng lớn, phải có một niềm tâm huyết dạt dào để gắn bó và kiên trì dạy học, cũng như phục hồi chức năng cho trẻ.
Cả năm thầm lặng cống hiến, dù khó khăn nhưng vẻ mặt các cô ai cũng rạng ngời, ánh mắt dịu dàng với trẻ để trẻ chậm phát triển, không điều khiển được hành vi, không nói được nhưng sẽ cảm nhận được tình yêu thương, được sự quan tâm hết mực chân thành và phấn khởi trong ngày được tôn vinh.
Kim Anh
Lớp: Báo K31A2
Cùng chuyên mục
Bình luận