“Lão Quềnh” của Nhà hát tuồng : Những vai diễn không thể nào quê
(Sóng Trẻ) - Cố nghệ sĩ Hán Văn Tình được biết tới như một người nghệ sĩ đặc biệt. Bởi lẽ, trên danh nghĩa là trưởng đoàn Nghệ thuật 2 của Nhà hát tuồng Việt Nam nhưng ông lại được công chúng biết tới nhiều hơn với hình ảnh một diễn viên phim truyền hình giản dị, chất phác.
Ngôi sao sáng của nghệ thuật Việt Nam
NSƯT Hán Văn Tình sinh ra tại Tam Nông, Phú Thọ. Xuất thân từ một gia đình nông thôn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ nhưng từ nhỏ ông đã có niềm đam mê với nghệ thuật. Năm 1973, ông bén duyên với Trường đào tạo Sân khấu ở Hà Nội. Sau bốn năm học tập, ông chân ướt chân ráo bước vào nghề, về Đoàn tuồng Trung Ương (nay là Nhà hát tuồng Việt Nam) công tác từ đó cho tới khi bệnh nặng (2015).
Hán Văn Tình là một người năng động, nài diễn tuồng, đóng phim, ông còn làm MC, đóng quảng cáo,… hay thậm chí cả những việc lao động chân tay như… sửa xe, bơm vá.
Nghệ sĩ tuồng Hán Văn Tình (Ảnh: sưu tầm)
Trong suốt hơn 45 năm gắn bó với nghệ thuật, nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Hán Văn Tình đã đạt được nhiều giải thưởng, huy chương lớn nhỏ. Trong đó phải kể đến nhiều huy chương Bạc của các vai diễn như Lý Đại Hỷ trong vở Tuồng "Hoàng Hôn Đen" (1985), vai Ngự Y trong vở Tuồng "Tiếng thét giữa Hoàng cung" (1990), vai Hạng võ trong trích đoạn Tuồng "Hạng võ Bại Ô Giang” (1993), vai Sứ Nguyên trong vở Tuồng "Trần Hưng Đạo" (1995), vai Thổ Công trong vở Tuồng "Bạch Tinh" (1996) và đặc biệt là huy chương "Vì sự nghiệp sân khấu Việt Nam" do Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao tặng năm 1999.
Thế nhưng, điều khiến ông gây ấn tượng hơn cả với khán giả lại là những vai diễn phụ trong hàng loạt bộ phim truyền hình Việt Nam như : Đất và Người, Bão qua làng, Phía trước là bầu trời,…
“Không nên hoãn cái sự sung sướng đó lại”
Anh nông dân Chu Văn Quềnh – một “cán bộ gián tiếp ăn công điểm của ba cơ quan đầu não xã” trong bộ phim truyền hình “Đất và Người” có thể nói là vai diễn để đời nhất của nam nghệ sĩ Hán Văn Tình.
́p phần tạo nên thành công cho vai diễn này, ông đã từng phải lặn lội về miền quê sống để cảm nhận không khí nơi đây cũng như nghiền ngẫm tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường để sao cho có thể nhập tâm được vào nhân vật một cách hoàn hảo nhất.
Ông từng chia sẻ, trong quá trình làm phim, có những ngày trời rét tới 9-10 độ C nhưng vẫn phải lội xuống ruộng diễn đi diễn lại nhiều lần. Vất vả là thế nhưng khi phát sóng, cả đoàn làm phim ai nấy cũng đều vui mừng vì phim nhận được nhiều lời khen ngợi. Cá nhân ông, ông rất hạnh phúc khi vai diễn Chu Văn Quềnh của mình được phần đông khán giả yêu mến.
Khởi chiếu từ năm 2002, bộ phim “Đất và Người” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã để lại trong lòng công chúng nhiều ấn tượng sâu sắc.
Trong phim, tuy chỉ là nhân vật phụ nhưng số phận của Chu Văn Quềnh lại được khán giả quan tâm hơn cả. Quềnh là một anh nông dân nghiện rượu, muốn ăn nhưng không muốn làm, hàng ngày sáng đi đánh kẻng cho hợp tác xã (công việc mà anh vẫn thường tự cho mình là một cán bộ), chiều ngồi nhậu cùng lão Ngũ (ông bạn ở lò rèn), tối lại tay cầm chai rượu, chân lảo đảo bước về căn nhà tạm bợ tối tăm, dột nát.
Chu Văn Quềnh trong “Đất và Người” (Ảnh: sưu tầm)
Thiển cận, nông nổi và hành động theo quán tính nên anh không ít lần đã trở thành công cụ để những kẻ có quyền lực trong làng Giếng Chùa sai khiến, lợi dụng.
Cộc cằn và thô lỗ là bản chất của Quềnh nhưng ẩn sâu trong nhân vật được NSƯT Hán Văn Tình thủ vai là một trái tim khao khát hạnh phút, ước mong về một mái ấm gia đình. Bước nặt của cuộc đời Quềnh là khi anh gặp hai mẹ con cô Tho (một phụ nữ chửa hoang bỏ làng đi biệt xứ). Diễn biến tiếp sau của bộ phim đã cho thấy sự xuất thần trong diễn xuất của nghệ sĩ Hán Văn Tình khi ông lột tả được chân thực nỗi khổ đến cùng cực của một người nông dân lạc lối, muốn làm lại cuộc đời nhưng xã hội thối nát bấy giờ không cho phép.
Bộ phim kết thúc đã để lại bao dư âm trong lòng độc giả. Trong đó, hẳn không ai có thể quên hình ảnh lão Chu Văn Quềnh gãi gãi cái đầu hói, cười hềnh hệch: “Không nên hoãn cái sự sung sướng đó lại”.
Từ chủ xóm trọ…
Bên cạnh vai diễn Chu Văn Quềnh để đời, NSƯT Hán Văn Tình cũng tham gia vào nhiều bộ phim truyền hình khác và đạt được nhiều tiếng vang lớn.
Năm 2001, “Phía trước là bầu trời” nổi lên là một bộ phim thuộc đề tài tâm lí xã hội nói về cuộc sống của những sinh viên hàng ngày đối mặt với nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền trong khu trọ nọ được ví như một xã hội thu nhỏ với đủ những buồn vui.
Trong bộ phim, Hán Văn Tình vào vai ông chủ xóm trọ khó tính, keo kiệt, hay xét nét đám sinh viên trong nhà. Không chỉ là nỗi ám ảnh của những nhân vật trong phim, nhiều khán giả còn gắn cho ông cái mác “phản diện” khi thỉnh thoảng lại ăn gian một vài số điện, “chặt chém” tiền điện thoại hay thậm chí là… “niêm phong” đồ đạc của người thuê trọ.
Đây là bộ phim truyền hình đầu tiên và cũng là lần hiếm hoi ông tham gia vào đề tài “thành phố”. Tuy chỉ là một nhân vật phụ, xuất hiện trong một số phân cảnh nhỏ, lại diễn bên cạnh một dàn diễn viên trẻ nhưng lối diễn chân thực, sống động của Hán Văn Tình đã giúp nhân vật này gây được ấn tượng riêng với khán giả.
… tới chủ quán ăn
Gần đây nhất là vai Sở - một lão chủ cửa hàng thức ăn chín xấu tính, nhiều chuyện trong bộ phim “Bão qua làng”. Đây cũng là một bộ phim về đề tài nông thôn. Có thể nói, vẻ giản dị, chất phác của nghệ sĩ Hán Văn Tình cũng là một trong những lí do khiến ông bén duyên với những tác phẩm thuộc đề tài này. Sát cánh với ông trong bộ phim này còn có những tên tuổi gạo cội trong làng nghệ thuật Việt Nam như NSƯT Quốc Khánh, NSƯT Công Lý, Phú Đôn, Quốc Thắng…
Vai “Sở” trong “Bão qua làng” (Ảnh: sưu tầm)
Khởi chiếu vào giữa năm 2014, bộ phim của hai đạo diễn Quốc Trọng và Lê Mạnh đề cập tới cuộc sống nông thôn thời kì đổi mới với nhiều bất cập, mâu thuẫn, trong đó có cái quán của ông Sở. Từ khi cái quán mở ra, chị em trong làng chẳng ai còn thiết tha nơi xó bếp. Tới bữa, họ ùn ùn kéo đến mua bán qua quýt rồi “đẩy đưa” những câu chuyện vô thưởng vô phạt của thiên hạ. Quán ăn này giờ đây trở thành một “trạm thông tin” của xã, của những người đàn bà tọc mạch, ngồi lê đôi mách.
Hán Văn Tình lại một lần nữa chiếm được tình cảm trong lòng độc giả. Vẫn hàng ria mép, vẫn cái đầu trọc và lối ăn nói bộc toạc, ông đã giúp khán giả hình dung được thói xấu của một bộ phận tiểu thương lúc bấy giờ bị tư lợi làm mờ mắt, bất chấp thủ đoạn để làm giàu.
Trước khi vướng bạo bệnh, ông còn tham gia một số bộ phim hài tết như: Đại gia đóng gạch, Chôn nhời, Hài Vượng Râu: Kỳ phùng địch thủ… Các vai diễn của ông vẫn để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả, đặc biệt là khán giả vùng nông thôn.
Thế Anh
Cùng chuyên mục
Bình luận