Mâm cơm chiều 30 Tết – sự khởi đầu từ kết thúc.
(Sóng trẻ)-Tết nguyên đán là một phong tục văn hóa quan trọng của người Việt. Tết đến không chỉ là niềm khao khát của biết bao đứa trẻ để được xúng xính quần áo mới, được ăn mứt bánh và được lì xì, mà còn là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời. Trong thời điểm quan trọng ấy, người Việt có những phong tục cổ truyền đặc trưng. Trong đó, bữa cơm tất niên là nét văn hoá in đậm trong tâm trí người Việt. Đây đã trở thành một nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Mâm cơm Tất niên gồm những gì?
Theo phong tục, lễ cúng Tất niên là nghi thức tiễn năm cũ, đón năm mới, được tiến hành vào chiều và tối 30 Tết, trước lễ cúng giao thừa. Trước đây, khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, mâm cơm chiều 30 được coi là bữa cơm đầy đủ và thịnh soạn nhất của năm. Mâm cỗ không thể thiếu hương hoa, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, bánh chưng, cỗ mặn với đầy đủ các món ăn ngày Tết, được chế biến thơm nn, bầy biện đầy đặn, trang nghiêm. Tùy vào từng gia đình, từng vùng miền, mâm cơm Tất niên sẽ có sự khác nhau nhất định.
Mâm cỗ miền Bắc bao giờ cũng đủ sáu bát: măng, bóng, mực, nấm thả, miến, mọc. Tám đĩa: thịt gà luộc, giò lụa, chả quế, trứng muối, dưa hành, bánh chưng, lòng gà xào và cá kho (Ảnh: Internet)
Các món ăn truyền thống miền Trung trong dịp Tết nguyên đán tương tự miền Bắc. Bên cạnh đó thường có thêm bánh tét, gà bóp rau răm, thịt lợn luộc, giá chua…(Ảnh: Internet)
Mâm cỗ miền Nam thường có bánh tét, thịt kho tàu, gỏi tôm thịt, canh khổ qua nhồi thịt, chả giò… (Ảnh: Internet)
Ngày nay cuộc sống khá giả hơn, những món ăn truyền thống đó được nấu ăn hàng ngày. Việc thưởng thức những món ăn trên không còn quá xa lạ với mọi người. Song, được ăn những món ăn đó vào chiều 30 cùng người thân vẫn mang ý nghĩa đặc biệt. Đó là niềm hi vọng về một năm mới sung túc, đủ đầy và hạnh phúc.
Ý nghĩa mâm Tất niên
Đối với người Việt, chuẩn bị lễ cúng chiều 30 và bữa cơm tất niên được coi là công việc cuối cùng của năm cũ. Trước hết, mâm cơm Tất niên cúng tổ tiên để tỏ sự tôn trọng, thành kính và báo hiếu của con cháu với ông bà, tổ tiên. Bữa cơm tất niên còn là nghi thức để tiễn biệt năm cũ, đón năm mới, mời ông Công ông Táo về trần thế tiếp tục cai quản bếp núc. Sau bữa cơm tất niên, gia đình sẽ sửa soạn để cúng giao thừa, tiễn năm cũ và đón chào năm mới.
Đối với người Việt, chuẩn bị lễ cúng chiều 30 và bữa cơm tất niên được coi là công việc cuối cùng của năm cũ.
Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, mâm cơm Tất niên còn là bữa cơm gắn kết mọi thành viên, thế hệ trong gia đình khi mọi người trong gia đình đều có mặt đầy đủ. Theo quan niệm xưa, gia đình càng đông đủ các thế hệ cùng dự bữa tất niên chứng tỏ gia đình đó “phúc lộc đề đa”, càng có nhiều may mắn. Hơn cả một bữa ăn bình thường, bữa cơm chiều 30 Tết còn là lúc mọi người chia sẻ những khó khăn, những vui buồn của năm cũ, cùng nhau chúc phúc cho một năm mới sắp đến.
Theo quan niệm xưa, gia đình càng đông đủ các thế hệ cùng dự bữa tất niên chứng tỏ gia đình đó “phúc lộc đề đa”, càng có nhiều may mắn.
Ngày nay, tuy nhịp sống gấp gáp, vội vã hơn nhưng các gia đình vẫn duy trì cúng cỗ chiều 30 tết như một phong tục đẹp. Bữa cơm tất niên luôn để lại trong mỗi người những cảm xúc khó quên, nhắc nhở người Việt về gia đình, cội nguồn. Dù đi xa, người Việt vẫn thường nhớ đến bữa cơm đặc biệt này, cùng hướng về nơi có những người thân đang quây quần bên mâm cơm tiễn biệt năm cũ, chuẩn bị đón xuân sang nơi quê hương.
Hà Giang
Cùng chuyên mục
Bình luận