Mẹ là đôi chân của con

(Sóng trẻ) - Một người mẹ dành hơn nửa cuộc đời để đồng hành cùng người con gái khuyết tật của mình. Một người mẹ chỉ cần nhắc đến con là không kìm được lòng nhưng khi nói về những gì bà đã làm cho con thì lại nhẹ bẫng như thể tất cả chẳng hề hấn gì với bà.

Động lực của mẹ chính là con

Chúng tôi ghé thăm nhà chị Thúy vào một buổi sáng trong tuần. Hình ảnh đầu tiên khiến chúng tôi không khỏi ấn tượng và xúc động đó là vóc dáng nhỏ nhắn của một người phụ nữ đã khá lớn tuổi với khuôn mặt hiền hậu, niềm nở, dắt theo chiếc xe máy đi đón khách vào nhà. Gia đình chị Thúy tiếp đón chúng tôi vô cùng nồng hậu, trong lúc chị Thúy nằm trên giường, trò chuyện và hỏi han ân cần với những vị khách nơi xa tới chơi nhà thì người phụ nữ ban nãy lại tất bật đi lấy nước, gọt hoa quả rồi lúi húi ở trong bếp. Chị Thúy bộc bạch: “Mẹ chị chu đáo và hiếu khách lắm. Mặc dù trông khỏe mạnh vậy thôi chứ thật ra mẹ vừa mới ốm nặng đi viện mất 1 tuần đấy, may là giờ cũng ổn rồi.” Trò chuyện thêm chúng tôi còn biết được bố chị Thúy đã qua đời vì ung thư; mẹ chị Thúy cũng từng bị ung thư vú và phải phẫu thuật trước đây. Quả thực không biết nói gì hơn ngoài sự cảm phục dành cho người phụ nữ phi thường này.

Bà Trần Thị Huyền (67 tuổi) mẹ của chị Nguyễn Phương Thúy (bút danh Viên Nguyệt Ái) - một nhà văn là người khuyết tật loại đặc biệt. Từ năm 12 tuổi, chị Thúy mang trọng bệnh, phải nằm một chỗ, không thể tiếp tục đến trường. Suốt từ đó đến nay, mẹ luôn là người đồng hành và giúp đỡ chị Thúy từ những sinh hoạt thường ngày cho tới những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời. 

“Thúy là một người con khỏe mạnh, đi học thì chăm ngoan học giỏi giống như bao người bình thường khác. Vậy mà đến năm 12 tuổi sau một cơn sốt thì Thúy mắc bệnh. Lúc đó tôi suy sụp tinh thần lắm, chẳng thể động viên được con vì cứ nói đến con là lại nghẹn cổ, nhiều lúc con hỏi sao mẹ lại khóc còn phải đổ tại bố làm mẹ khóc. Mỗi lần thấy trẻ con đầu làng ríu rít đi học về, nghĩ tới con thấy thương vô cùng” - Bà Huyền nghẹn ngào chia sẻ.

Sau nhiều cố gắng chữa trị nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm, chị Phương Thúy đã phải nghỉ học hoàn toàn ở nhà. Khi ấy ban ngày bà Huyền vẫn đi làm công nhân tại nhà máy dệt rồi tối về thì cùng chồng chăm sóc con và gia đình. Vì bố chị Thúy là bộ đội đã về hưu nên gánh nặng kinh tế gia đình gần như đặt lên vai bà Huyền. Dù khó khăn, vất vả nhưng người mẹ ấy vẫn cố gắng xoay sở để đưa con đi chữa bệnh, lo lắng thuốc thang cho con.

Những tưởng rằng bất hạnh chỉ dừng lại ở căn bệnh quái ác của chị Thúy nhưng dường như số phận vẫn muốn thử thách gia đình ấy thêm một lần nữa. Năm 2013, bà Huyền phát hiện mình bị ung thư, cùng lúc đó chồng của bà cũng mắc ung thư kèm theo thoát vị đĩa đệm rất nặng. Con gái bà khi ấy cũng đau ốm liên miên, có những lúc cả gia đình đều đi viện, mỗi người nằm một khu, một phòng khác nhau. Bà thậm chí dù đã nhập viện nhưng vẫn phải chạy đi lo thủ tục nhập viện cho con, cho chồng rồi cho chính cả bản thân mình. 

Khi được hỏi rằng sức mạnh nào đã khiến cho bà có thể kiên cường vượt qua những sóng gió trong cuộc đời như vậy, bà Huyền chỉ mỉm cười và nói rằng bà nghĩ nhiều nhất đến con, mọi năng lượng bà có được đều là nhờ con gái truyền cho bà. Có lẽ bởi vậy mà với bất cứ ai gặp bà cũng đều không thể hình dung được đằng sau gương mặt luôn tươi vui, phúc hậu ấy lại là một người vợ, một người mẹ nghị lực đến chừng nào sau khi đã trải qua quá nhiều những chông gai, thử thách. Chắc hẳn với bà, chỉ cần con cái và gia đình được khỏe mạnh, hạnh phúc thì dù có phải vất vả và hi sinh bà cũng đều sẵn sàng. 

Hiện tại hai con của bà đều đã lớn khôn, con trai út đã lấy vợ lập gia đình nhưng bà Huyền vẫn luôn là một điểm tựa vững chắc trong gia đình, vẫn luôn xông xáo trong mọi công việc để hỗ trợ con cháu. “Nhiều lúc các con sợ mẹ mệt, bảo mẹ không phải làm gì nhưng nhà có tới 8 nhân khẩu, chị gái thì có bệnh, các con đi làm vất vả mẹ không làm làm sao được.” (cười)

Đôi chân thứ hai đưa con tới chân trời tươi sáng

Giai đoạn đầu khi phát hiện bạo bệnh, cô bé 12 tuổi Phương Thúy khi ấy đã phải vật lộn chống chọi với bệnh tật, chịu đựng những cơn đau nhức nhối. Dù bố mẹ Phương Thúy có thức ngày đêm xoa bóp, kéo khớp cũng không thể ngăn cản được những cơn co rút cứ kéo đến đột ngột. Rồi dần dần, chân tay của Phương Thúy bắt đầu teo lại khiến cô bé còn chưa kịp khám phá cuộc đời đã phải nằm một chỗ, từ bỏ tất cả những ước mơ dang dở. 

Sau 2 năm sống chung với bệnh tật, Phương Thúy đã nghị lực vượt lên nghịch cảnh để tìm ra cho mình niềm tin sống. Từ những nét chữ nguệch ngoạc được viết trên chiếc bảng gỗ kê bụng bằng cánh tay bị biến chứng cho tới những bài báo đầu tiên đã mở ra cho cô gái nhỏ ấy một tia sáng với sự nghiệp sáng tác của mình. Và hành trình ấy vẫn luôn có người mẹ lặng thầm ủng hộ và đồng hành. Có mẹ hỗ trợ từ vệ sinh cá nhân tới bữa ăn giấc ngủ rồi động viên theo đuổi từng sở thích, chị Thúy đã tự học tại nhà, miệt mài với những con chữ, những lời văn và vần thơ bay bổng. 

Để rồi đến ngày hôm nay, chúng ta có nhà văn Viên Nguyệt Ái - hội viên hội văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ với nhiều tác phẩm ấn tượng như “Những giao lộ phận người”, “Mộng kỳ duyên”, “Nửa đời qua bóng đêm”... và hàng loạt giải thưởng ấn tượng về cả báo chí và văn học. 

 

Chị Thúy bộc bạch: “Mẹ luôn luôn là người đồng hành với tôi từ giúp tôi đi gửi thư, nhận thư. Có khi bạn đọc cảm mến gửi tới hàng trăm lá thư mẹ vẫn đi lấy thư rất vui vẻ chẳng hề than phiền. Cũng nhờ những bức thư nhận từ tay mẹ mà tôi bắt đầu bớt tự ti, rụt rè và tiếp xúc với bên ngoài nhiều hơn. Hay khi có khách tới thăm tôi, mẹ cũng tiếp đón rất chu đáo và nhiệt tình bất kể là ai. Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi có mẹ!”

Qua những tấm hình của các chương trình, sự kiện hay lễ trao giải mà chị Thúy tham gia, chúng tôi còn thấy được hình ảnh quen thuộc luôn xuất hiện đó là bóng dáng người mẹ tần tảo phía sau con, song hành cùng con trong mọi dấu mốc cuộc đời.  

“Lần đầu con được đi nhận giải thưởng ở miền Nam, được cùng con đi máy bay tôi thấy vui và hạnh phúc lắm. Nhờ có con nên tôi mới được đi xa. Có lần con còn được gặp cả chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nữa, tự hào vô cùng. Lúc nào tôi cũng muốn đồng hành cùng con để chăm sóc con, con đi đâu là mẹ theo đó, chẳng quản ngại xa xôi gì.” - Bà Huyền nói với ánh mắt chứa đầy tình yêu thương.

Chúng tôi còn đùa với chị Thúy rằng chính ra chị Thúy lại có điểm may mắn mà không phải ai cũng có được đó là dù lớn tới chừng này rồi nhưng vẫn được mẹ yêu thương, chăm sóc kề cạnh mỗi ngày. 

Chị Thúy cũng nói thêm rằng dù chưa từng một lần mẹ chị cáu gắt hay than phiền về những nỗi vất vả thế nhưng bà luôn muốn kể cho mọi người nghe về những điều chị đã phải trải qua, bởi hơn ai hết bà là người thuơng con và hiểu rõ nhất những nhọc nhằn mà con phải chịu đựng mà quên đi mất cả những mất mát, thiệt thòi của bản thân mình. 

“Hồi còn là cô bé 12 tuổi tôi đã từng lo sợ liệu mình mắc bệnh thì người thân có còn yêu thương mình nữa không? Nhưng đến thời điểm hiện tại tôi có thể khẳng định được rằng tình cảm của cha mẹ vẫn luôn ở đó và còn được nhân lên gấp nhiều lần. Đặc biệt là mẹ - người đã truyền cho tôi rất nhiều sự can đảm cũng như dũng khí để có thể nghị lực sống tiếp.” - cô gái nhỏ bé nằm trên giường nghẹn ngào chia sẻ.

Chúng tôi trò chuyện thêm một lúc với hai mẹ con chị Thúy sau đó ra về. Và đến tận khi đã trở về nhà, chúng tôi vẫn không làm sao quên được chiếc bóng của người mẹ và chiếc xe lăn khuất dần cùng những ánh mắt vời vợi trong buổi chiều tà hôm ấy…

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN