Modafinil: Liều thuốc cứu rỗi hay cái bẫy nguy hiểm cho cơ thể? - Kỳ 2: Cẩn trọng với “thần dược thông minh” của các “bác sĩ tự xưng”

(Sóng trẻ) - Gần đây, một số "bác sĩ online" quảng cáo Modafinil như một giải pháp kỳ diệu để tăng cường trí nhớ và sự tập trung. Tuy nhiên, việc sử dụng loại thuốc này mà không có sự chỉ định chính xác từ bác sĩ có thể gây ra nhiều rủi ro cho sức khỏe. 

“Trái đắng” của việc tự ý sử dụng Modafinil tại nhà

Qua tìm hiểu, hầu hết những người dùng Modafinil đều nhận định thuốc có tác dụng mạnh hơn và nhanh hơn cà phê và các chất caffeine khác. Sau khi uống xong, người sử dụng sẽ cảm nhận được hiệu quả nhanh chóng, khiến họ rơi vào trạng thái tập trung cao độ, không hề mệt mỏi và uể oải. 

Hoàng M. (21 tuổi, Hà Nội) từng tìm hiểu và sử dụng loại thuốc Modafinil. M. tâm sự: “Tháng 10 năm 2023, tôi chuẩn bị thi chứng chỉ IELTS và thi cuối học kỳ ở trường Đại học. Một người bạn giới thiệu cho tôi về “thần dược” có thể giúp tỉnh táo, tập trung học mà giá cả phải chăng nên tôi quyết định mua 30 viên Modafinil loại 200mg. Thời gian đầu sử dụng thuốc, đầu óc tôi luôn trong tình trạng tỉnh táo, tôi có hứng thú hơn với việc học, đặc biệt là những môn phải ghi nhớ nhiều. Tôi không cảm thấy sợ hãi như trước nữa”. M. kể. 

Tuy nhiên, sau hơn một tháng sử dụng thuốc liên tục, M. bắt đầu có dấu hiệu rối loạn giấc ngủ, cơ thể rã rời, thiếu năng lượng và không thể tập trung học như trước. Lúc ấy, M. vẫn lầm tưởng do bản thân nghỉ ngơi thiếu khoa học mới dẫn đến tình trạng như vậy nhưng trong một lần vô tình lướt M. tìm hiểu về tác dụng phụ của thuốc Modafinil và quyết định dừng sử dụng. 

Bên cạnh những tác dụng “nhanh chóng” khi sử dụng thuốc, việc lạm dụng “thần dược” này lại đối mặt với nhiều vấn đề “lợi bất cập hại”. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Điền (26 tuổi - Bệnh viện Bạch Mai) cho biết thuốc Modafinil là một chất kích thích rất mạnh và là chất gây nghiện. Chỉ cần người dùng sử dụng một viên 200mg vào buổi sáng sẽ cảm nhận được tác dụng nhưng qua 10 tiếng, thuốc sẽ hết tác dụng, khiến người dùng mệt mỏi, uể oải và rơi vào trạng thái cáu gắt nếu không có thuốc. 

“Modafinil thường được chỉ định trong các trường hợp buồn ngủ do làm việc theo ca gây rối loạn giấc ngủ, chứng ngủ rũ, buồn ngủ do tắc nghẽn gây ngưng thở khi ngủ. Loại thuốc này cũng được sử dụng với các phương thức điều trị khác (liệu pháp tâm lý, giáo dục, hành vi nhận thức...) để cải thiện nhóm các triệu chứng liên quan đến chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Tuy nhiên, đây là loại thuốc chưa được Bộ Y tế cấp phép tại Việt Nam”, bác sĩ Điền cho biết.

Theo bác sĩ Điền, Modafinil là thuốc kê đơn, nhưng hiện nay việc mua bán loại thuốc này chủ yếu vẫn diễn ra trên mạng xã hội với các tên gọi như “thuốc thông minh”, “thuốc hack não siêu ghi nhớ”,... Tuy nhiên, tất cả tên gọi này đều sai lệch với tác dụng của thuốc và không có loại thuốc nào có thể giúp học sinh tăng trí nhớ hay tăng khả năng học tập mà chỉ có loại thuốc bổ não, điều trị sự suy giảm trí nhớ ở người già,... 

Bác sĩ cũng khuyến cáo Modafinil phải có sự kê đơn của bác sĩ vì có thể gây ra tình trạng rối loạn tâm thần và ngộ độc. Nguy hiểm hơn, người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng ở trên mạng có thể dẫn đến tình trạng “tiền mất tật mang”. 

Chị Thùy T. (40 tuổi, Nam Định) từng tìm trên mạng loại thuốc bổ não, tăng cường trí nhớ cho con gái. “Vào năm 2022, khi ấy con gái thứ hai nhà tôi thi vào cấp ba, tôi rất lo lắng vì thấy con học hành trên trường dày kín lịch và luôn bộc lộ sự chán nản, không tập trung vào việc học. Tôi thấy trên facebook quảng cáo rầm rộ về loại thuốc tăng cường trí nhớ, giúp con tập trung học tập mà không lo căng thẳng, mệt mỏi. Thế là tôi liền đặt mua Modafinil cho con uống. Lúc đó, cháu rất hào hứng trong việc học, học cũng tập trung hơn, hiệu quả hơn nên tôi đã rất tin tưởng vào công dụng thần kỳ của loại thuốc này”, chị T. kể. 

Thế nhưng, sau khi thi vào lớp 10 xong, con gái chị T. thay đổi tính tình khác trước, luôn cáu gắt khó chịu, thường xuyên chóng mặt, đau đầu, buồn nôn và nghiêm trọng hơn là mắc chứng mất ngủ. Chị T. bày tỏ: “Tôi thấy những biểu hiện thất thường của con thì liền cho đi khám bác sĩ và được chẩn đoán lạm dụng Modafinil trong thời gian dài. Cũng may phát hiện kịp thời, nếu không thì biến chứng còn nghiêm trọng hơn thế nữa”.

Bên cạnh đó, theo bác sĩ Điền, thuốc Modafinil được dùng trong những trường hợp để điều trị trầm cảm hoặc các rối loạn tâm thần khác. Thuốc này cũng phải có sự kê đơn của bác sĩ mới được sử dụng. Nếu lạm dụng lâu dài loại thuốc nói trên, người dùng sẽ luôn cần thuốc để có thể tiếp tục học tập, để có thể đạt được kết quả tương tự. 

Giải pháp nào giúp giải quyết thực trạng nêu trên?

Theo bác sĩ Chu Đình Cơ (Bác sĩ Chuyên khoa I, Giám đốc phòng khám Đa khoa Nam Sông Hồng Nam Định) chia sẻ: “Việc sử dụng Modafinil tùy tiện có thể gây ngộ độc, nguy hiểm đến sức khỏe.  Nhiều em học sinh, sinh viên có thói quen sử dụng điện thoại nhiều, thức khuya xem phim chỉ đến khi gần đến ngày thi mới bắt đầu tăng tốc học bài. Tuy nhiên, trong giai đoạn này các em lại không thể tập trung, mệt mỏi kéo dài và không đạt hiệu quả trong quá trình ôn thi nên mới tìm đến thuốc Modafinil”.

Để có thể tăng hiệu quả trong quá trình ôn thi cho học sinh, thay vì tìm đến các loại thuốc không rõ nguồn gốc, phụ huynh có thể quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của con em mình. Cha mẹ có thể giúp con bổ sung các thực phẩm giàu chất sắt để con không bị thiếu máu, khiến con mệt mỏi, uể oải và dễ buồn ngủ trong giờ học. Bên cạnh đó, nên cân bằng thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý, điều độ. Không nên gây áp lực tâm lý cho con mà nên động viên và chuẩn bị trạng thái tinh thần thoải mái để bước vào kỳ thi quan trọng sắp tới”, bác sĩ Cơ đưa ra lời khuyên. 

Ngoài ra theo bác sĩ Cơ, khi ôn thi, cũng khuyên người học nên tránh xa các yếu tố gây mất tập trung, ảnh hưởng đến quá trình học tập như các thiết bị điện tử máy tính, điện thoại,…Trong quá trình ôn thi, học sinh, sinh viên nên chọn không gian học phù hợp và yên tĩnh. Người học cũng cần kết hợp thời gian học và giờ giải lao cân bằng, tránh tình trạng quá tải.

 “Về mặt khoa học, ghi nhớ kiến thức là sự tích lũy trong quá trình học tập lâu dài, chứ không trông chờ vào việc dùng các loại thuốc bổ trong vài ngày, vài tuần mà có kết quả như mong muốn. Trước những “ma trận” mà người bán bày ra, các gia đình cần phải tỉnh táo, cân nhắc thật kỹ trước khi sử dụng cho mình và người thân của mình", bác sĩ Cơ đúc kết.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN