Một Barista hành nghề trên xe đạp
(Sóng Trẻ) - Chúng tôi gặp Biên lần đầu là khi cậu đang thong dong đạp xe trên đoạn đường Nguyễn Quý Đức để thực hiện công việc làm thêm của mình – bán cafe dạo. Chàng trai 22 tuổi có dáng cao gầy, ăn mặc khá chỉn chu với gam màu đen nghiêm túc, đặc biệt chiếc mũ Fedora đội lệch càng làm đậm thêm chất nghệ sĩ của một barista đường phố.
*Barista là một từ tiếng Ý, dùng để chỉ những người làm nghề pha chế các thức uống từ cafe.
Chàng sinh viên vô tư
Hoàng Văn Biên sinh năm 1992, hiện là sinh viên năm 3, trường Cao đẳng xây dựng số một. Xuất thân trong một gia đình thuần nông thuộc huyện Nga Sơn – tỉnh Thanh Hóa, Biên là con thứ hai, trên có anh trai sinh năm 1991 cũng đang theo học xây dựng, dưới cậu là một em gái sinh năm 1998. Hàng ngày, vào khoảng thời gian rảnh rỗi nài giờ học, cậu vẫn thường đạp xe dọc các con phố thuộc khu vực quận Thanh Xuân và quận Cầu Giấy để bán cafe dạo.
Biên pha chế cafe theo yêu cầu của khách hàng
Tự nói về hoàn cảnh gia đình của mình, Biên kể: “Nhà em cũng vất vả do bố mẹ đều làm nông nghiệp. Thậm chí, ngày em còn nhỏ, do nhà gặp khó khăn nên bố mẹ phải gửi em cho bà nại nuôi, thế là học luôn lớp một ở quê nại. Sau này được đón về nhà, nhiều thứ lỡ dở nên lại học lại lớp một. Thế nên em mới bị học chậm một năm so với tuổi”.
Dù vất vả nhưng bố mẹ vẫn cố gắng để cho anh em Biên được học hành đầy đủ, không phải lo nghĩ về vấn đề tài chính, bằng chứng là Biên nói rằng: “hai năm đầu em cũng không làm gì cả, đến cuối năm 2 mới bắt đầu đi làm thêm ở bar cafe”. Tuy không hoàn toàn do vấn đề eo hẹp tài chính thúc giục nhưng chỉ sau một tháng làm thêm ngắn ngủi, cậu đã quyết định thực hiện mô hình bán cafe dạo đầy mới mẻ giữa thủ đô.
Vô tình “phải lòng” nghề pha chế
Giải thích về lý do lựa chọn công việc bán cafe dạo của mình, Biên nói: “Trước em làm thêm ở một quán bar nên có chút hiểu biết về cafe. Sau đấy giờ làm trùng lịch học, sợ không làm được lâu dài ở quán nên em nghỉ. Tiện có quen người ở bar, em lấy luôn cafe ở đó để đi bán dạo”.
Cafe dạo là một hình thức kinh doanh đã có từ khá lâu ở TPHCM, tuy nhiên, cách thức bán hàng này mới chỉ xuất hiện tại Hà Nội từ giữa năm 2012. Điều thú vị ở chàng trai trẻ này là khi được hỏi, cậu ngơ ngác trả lời rằng không hề biết về nhân vật Nguyễn Duy Biểu, một trong những người đầu tiên khai sinh ra hình thức bán cafe dạo ở Hà Nội. Vậy là ngay từ khi chưa biết đến hình thức bán dạo cafe, Biên đã quyết định đạp xe đi bán cafe bởi đơn giản vì “em thích cafe, thích công việc pha chế cafe”.
Quyết định bán cafe dạo đơn giản vì “thích cafe và thích công việc pha chế”
Kinh nghiệm với “nghề” của Biên chỉ là một tháng phụ việc tại bar, nhưng cậu tỏ ra khá chuyên nghiệp khi thực hiện các thao tác pha chế một cốc nâu đá với cafe hòa sẵn và sữa trong vòng chưa đầy một phút. Với phong cách ăn mặc đặc biệt, Biên thu hút rất nhiều ánh nhìn ở những nơi cậu hiện diện cùng “quán cafe lưu động” của mình.
Cậu lý giải từ góc nhìn của người hành nghề: “vì khách của em phần lớn là dân văn phòng nên mình ăn mặc phải chỉn chu một chút, động tác pha chế cũng phải nhanh để thể hiện sự chuyên nghiệp, không thể vì là uống cafe đường phố mà qua quýt được...”
Không nuôi trong mình ước mơ lớn lao mang tên cafe Arabica Việt như Nguyễn Duy Biểu (ước mơ phổ biến dòng cafe Arabica nguyên chất đến người Việt), cậu trai Hoàng Văn Biên chỉ mong muốn kiếm thêm thu nhập và được làm công việc yêu thích của mình –pha chế cafe. Chính điều đó đã thúc đẩy cậu mạnh dạn đầu tư vào một công việc hoàn toàn mới mẻ và ngỡ như không tưởng đối với một kẻ “nại đạo” như Biên.
Khi hỏi đến lời lãi trong ngày, cậu mới bắt đầu lẩm nhẩm tính rồi cười xòa: “cũng đủ để trang trải cuộc sống sinh viên chị ạ”. Mỗi ngày, Biên bán được 10 – 20 cốc cafe, với giá 12 nghìn/1 cốc. Việc đạp xe đi bán cafe dạo khá bấp bênh, phụ thuộc vào thời tiết, “có hôm không có người mua mấy, cafe pha sẵn rồi không để lâu được nên em buộc phải đổ đi vì bị hỏng”.
“Em sẽ gắn bó với công việc này”, Biên hào hứng chia sẻ
Điểm lại những cung đường mà cậu thường đạp xe qua, Biên cho biết mỗi ngày mình đạp xe trên quãng đường dài lên đến hơn 30km, “có khi em còn đạp lên tận Đê La Thành vì ở đó cũng có vài khách quen” (cậu trọ ở Nguyễn Xiển).
Dù vậy, cậu khẳng định sẽ vẫn gắn bó với việc đạp xe đi bán cafe bởi càng làm càng thích, và cũng bởi “bây giờ thì em chẳng ngại”. Trước lúc chia tay chúng tôi, Biên còn sôi nổi khoe về dự định của mình: “em sẽ sắm thêm đèn nháy, đài... để thu hút hơn nữa sự chú ý của mọi người; cũng cố gắng đạp xe đi được nhiều hơn để khách hàng quen mình. Dạo này đã có người bắt đầu đặt hàng em qua điện thoại rồi đấy”.
Lê Linh
Báo in K.31A2
Cùng chuyên mục
Bình luận