MU cần một “The Class of ‘92” phiên bản 2.0
(Sóng Trẻ) – MU đang trong thời kì chuyển giao sau triều đại của Sir Alex Ferguson. Tân HLV José Mourinho vẫn đang đau đầu để giải bài toán làm sao đưa MU trở lại vị thế của một đội bóng lớn sau chuỗi thành tích bết bát kể từ sau mùa giải 2012 – 2013.
Truyền thống của Manchester United
Lật ngược trở lại những trang sử đầu, khi Sir Alex Ferguson còn chưa tiếp quản MU, người có 25 năm gắn bó với công tác huấn luyện, là nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử đội bóng và được đúc tượng dựng trước Old Trafford – Sir Matt Busby chính là người đã tạo nên một tiền đề để sau này trở thành truyền thống của Quỷ đỏ thành Manchester: Sử dụng cây nhà lá vườn.
Gần 20 năm kể từ khi Sir Matt Busby rời MU, một vĩ nhân khác lại tới và xô đổ mọi chiến công ông đạt được – đó là Sir Alex Ferguson. Tới với Old Trafford vào năm 1986 để thay thế Ron Atkinson, MU lúc đó vẫn đang là một đội bóng lớn, nhưng chỉ sống trong ánh hào quang của quá khứ (giống như Liverpool bây giờ), chính Alex đã biến đống gạch vụn nát những năm 1986 – 1991 thành một tòa lâu đài nguy nga tráng lệ như ngày nay. Thương hiệu Manchester United dưới thời ông đã trở thành một hình ảnh có giá trị toàn cầu, là một trong những câu lạc bộ nổi tiếng và giàu truyền thống nhất nước Anh.
"The Class of '92" thời Sir Alex Ferguson - (Ảnh: Internet)
Sir Alex Ferguson thành công nhờ tiếp nối truyền thống và sử dụng cách làm của Sir Matt Busby. Chính Alex là người phát hiện và nhào nặn nên những cầu thủ được ̣i với cái tên “The Class of ‘92” (Thế hệ 1992) sau này đã trở thành những huyền thoại của MU. “The Class of ‘92” là một nhóm cầu thủ xuất thân từ lò đào tạo trẻ của Manchester United, bao gồm: Ryan Giggs, Paul Scholes, Nicky Butt, David Beckham và anh em nhà Neville. 6 cầu thủ này, cùng với Alex Ferguson đã mang đến cho phòng truyền thống của MU vô số những danh hiệu lớn nhỏ. Cùng với đó, trong những năm cuối khi còn tại vị, Sir Alex cũng rất chú trọng vào công tác đào tạo, phát hiện và sử dụng những tài năng trẻ.
Đập đi xây lại
Sau khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu, lần lượt David Moyes là Louis Val Gaal lên nắm quyền nhưng đều không trụ được lâu. Người hiện tại – José Mourinho đang được kì vọng sẽ là người trở thành Sir Alex tiếp theo, đặt nền móng cho một MU “mới”.
Mourinho đang đau đầu với bài toán đưa MU trở lại - (Ảnh: Internet)
Mourinho nổi tiếng là một HLV thường thành công ở năm thứ 2 tại vị. Cụ thể là 2 danh hiệu Premier League trong 2 lần dẫn dắt Chelsea, danh hiệu Champions League cùng Inter Milan và chức vô địch La Liga chấm dứt sự thống trị của Barcelona trong 3 năm dẫn dắt Real Madrid. José vẫn đang trong năm đầu tiên của MU và đội bóng này vẫn còn nhiều bất ổn kể từ sự ra đi của Sir Alex. Tình thế đặt ra cho José 2 sự lựa chọn, “ăn xổi” như những đội bóng trước đó, hay trở thành một biểu tượng ở Nhà hát của những giấc mơ?
Với một đội bóng giàu truyền thống và có nguồn lực về tài chính như MU, chắc hẳn Mourinho rất muốn gắn bó lâu dài. Tuy nhiên, để “đập đi xây lại” một đội bóng không phải là chuyện có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Và cũng không phải ai cũng có quyền làm điều đó, nhất là trong bối cảnh người hâm mộ cùng ban lãnh đạo cần danh hiệu và sự thành công tức thì. Sir Alex Ferguson phải mất 5 năm để có thể có được danh hiệu vô địch Châu Âu đầu tiên đánh dấu sự trở lại của Quỷ đỏ thành Manchester (Vô địch Cúp C2 năm 1991) bằng chiến thắng trước Barcelona của Johan Cruyff. Tuy nhiên thời đó bóng đá không phải là bóng đá hiện đại. Ngày nay, với tiềm lực tài chính khổng lồ cùng với sự cạnh tranh từ các đội bóng mới nổi, 5 năm là một quãng thời gian “xa xỉ” mà không phải đội bóng nào cũng chấp nhận hi sinh. Nếu Mourinho muốn xây dựng MU trở lại vị thế một trong “Tứ đại gia” của bóng đá Anh, buộc ông phải nghĩ ra phương hướng chiến lược nếu không muốn chịu chung số phận như 2 người tiền nhiệm.
Rashford đang chơi nổi bật trong màu áo MU - (Ảnh: Internet)
Nhìn vào thành công của Sir Matt Busby và Sir Alex Ferguson, có lẽ José hiểu mình cần phải có một “The Class of ‘92” phiên bản 2.0 của riêng mình. Mourinho vốn nổi tiếng là một HLV bảo thủ, ít khi xoay tua đội hình của mình, càng không cho các cầu thủ trẻ cơ hội thể hiện. Cái ông cần là sự ổn định, chắc chắn, thực dụng và không mạo hiểm. Tuy nhiên, kể từ khi tiếp quản Manchester United, HLV người Bồ Đào Nha thường xuyên có những sự thay đổi trong đội hình cùng những phương án mới trong chiến thuật. Những cầu thủ trẻ không còn phải chịu cảnh dự bị hoặc đem cho mượn. Marcus Rashford, Jesse Lingard là những người xuất thân từ lò đào tại của MU đang được trao cơ hội thể hiện trong bối cảnh những “di sản” của thế hệ trước (Rooney, Carrick,…) đang dần chạy những bước cuối cùng.
Bằng việc mang về Paul Pogba (một cầu thủ vốn thuộc của lò đào tạo MU) với mức giá kỉ lục, chiêu mộ Eric Baily, sử dụng Rashford, Lingard, Martial, Mourinho đang cho thấy một diện mạo tươi mới của MU, một “The Class of ‘92” chưa hoàn thiện của mình. José là một HLV giỏi, và khi đã nắm trong tay những quân bài của mình, ông sẽ biết cách để chiến thắng. Mourinho vẫn đang trên con đường xây dựng những viên gạch đầu tiên để tiếp nối truyền thống Quỷ đổ, vẫn đang bổ sung những mảnh ghép của bức tranh mang tên “Thế hệ 2016”. Để MU có thể trở lại vị thế của mình, ông cần có sự trợ giúp từ những cầu thủ, cũng như cách mà Giggs, Beckham, Scholes,… đã từng làm với Sir Alex Ferguson, và “The Class of Mourinho” sẽ là những người làm điều đó.
THẾ ANH
Cùng chuyên mục
Bình luận