Tôn vinh phụ nữ với “Phụ nữ và sáng tạo”
(Sóng Trẻ) - Triển lãm “Phụ nữ và sáng tạo” là một sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện của “Ngày phụ nữ sáng tạo Việt Nam” năm 2013 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam phối hợp với cơ quan Liên hợp quốc tế về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tổ chức.
Với chủ đề “Tăng quyền và nâng cao năng lực kinh tế của phụ nữ”, triển lãm tôn vinh và giới thiệu đến công chúng những ý tưởng và sản phẩm sáng tạo của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, được ứng dụng thành công trong thực tiễn.
Trong không gian triển lãm, các sản phẩm được trưng bày rất đa dạng và phong phú, từ sản phẩm dệt may đến thực phẩm chức năng, từ túi thời trang đến các loại bánh và thuốc chữa bệnh… Đó đều là sản phẩm của sự tài năng và sức sáng tạo, bàn tay tài hoa và sự lao động đảm đang của những người phụ nữ trên khắp mọi miền đất nước. Những người phụ nữ này, mỗi người đều có những xuất thân khác nhau, có người là công nhân xưởng cơ khí, có người là giám đốc công ty, có người là chủ nhiệm hợp tác xã, còn có người là nạn nhân chất độc màu da cam… Thế nhưng bằng sự nhạy bén với thị trường, thức thời với nhu cầu của người dân cùng tấm lòng mong muốn được góp sức lực của mình mang niềm vui đến với mọi người, họ đã không ngừng sáng tạo và thể hiện tài năng của mình từ những sản phẩm rất nhỏ những ý nghĩa.
Từ vỏ bắp ngô và báo cũ, chị Nguyễn Thị Đẹp, xã An Phong, Đồng Tháp đã sáng tạo thành túi, ví thời trang rất độc đáo và tinh xảp chủ yếu phục vụ cho khách du lịch.
Sản phẩm làm từ vỏ bắp ngô và báo cũ.
Cũng sử dụng những vật dụng nhỏ bé để làm nên sản phẩm có ích, chị Trịnh Bé Đào, xã Nguyễn Phích, U Minh, Cà Mau đã tận dụng số vải vụn thu mua từ các tiệm may đồ để tạo ra những cây lau nhà và thảm chùi chân. Không những tạo ra thu nhập cho mình, chị còn tạo việc làm cho những phụ nữ nghèo, mang đến nguồn lợi lớn cho các hộ gia đình ở một xã vùng sâu.
Sản phẩm làm từ vải vụn.
Là một nạn nhân ảnh hưởng chất độc da cam, chị Vũ Thị Nga hiện là giáo viên trợ giảng dạy nghề của Trung tâm dịch vụ việc làm 8/3 phụ nữ Hải Dương bằng sự nỗ lực phi thường của mình đã làm nên những sản phẩm móc len sợi rất đẹp mắt và công phu. Từ kĩ thuật móc và mẫu mã truyền thống, chị Nga kết hợp sáng tạo với các mẫu thiết kế thời trang của công nghệ dệt, may để tạo nên vẻ mềm mại, sang trọng và đa dạng cho các sản phẩm của mình. Sản phẩm được người tiêu dùng rất ưa chuộng và đặc biệt còn mở ra con đường cho những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn như chị Nga.
Sản phẩm móc len sợi.
Trước thực trạng nghề dệt thổ cẩm Ê-đê nói riêng và Tây Nguyên nói chung đang dần mai một, chị H’Yam Bkrông, chủ nhiệm HTX thổ cẩm Tơng Bông đã tìm mọi cách để bảo tồn nghề truyền thống này. Chị đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu và sáng tạo ra những mẫu mã, hoa văn mới, học thêm kĩ thuật thêu để đa dạng hóa sản phẩm. HTX tạo việc làm thường xuyên cho 42 chị em với thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng.
Sản phẩm thổ cẩm của HTX Tơ Bông.
Bên cạnh một số sản phẩm tiêu biểu, còn có rất nhiều các sản phẩm khác với những lợi ích và công dụng khác nhau ra đời từ sự sáng tạo tài hoa của những người phụ nữ đảm đang và nhân hậu.
Sản phẩm thủ công từ giấy, vải tận dụng (tác giả: Lê Minh Hiền-giám đốc trung tâm Vì Ngày Mai, xã Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội).
Sản phẩm bánh hoa dừa (Tác giả: Đặng Thị Trúc Lan Chi-Công ty TNHH Vĩnh Tiến, Bến Tre).
Các sản phẩm từ cây chùm ngây (tác giả: Phan Thị Tuyết Mai-tổng giám đốc cty TNHH TMTM, quận Bình Thạnh. Tp Hồ Chí Minh).
Đồ thủ công mỹ nghệ từ thông khô Đà Lạt (tác giả: Phan Thị Thu Thủy, đường Nhà Chung, phường 3, Tp Đà Lạt).
Siro chế biến từ thanh long ruột đỏ, búp thanh long muối (tác giả: Hồ Thị Bạch Hoàng, chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Ngọc Uyên, TP Phan Thiết, Bình Thuận).
Triển lãm mang đến cho công chúng cái nhìn sâu sắc và ngưỡng mộ trước sự tài năng và sáng tạo của những người phụ nữ Việt Nam - những con người đảm đang trong đời sống hàng ngày nhưng cũng vô cùng nhanh nhạy và giỏi giang trong kinh doanh. Từ đó giúp những người phụ nữ có cơ hội tỏa sáng và phát triển hơn nữa tài năng của mình, mang đến cho mọi người có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Triển làm kéo dài từ ngày mùng 1 đến 31/10 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Phạm Việt Hồng
Lớp truyền hình K31 A1
Cùng chuyên mục
Bình luận