Mùa thu hoạch củ ấu
(Sóng trẻ) - Những ngày này, người dân ở xã Hiền Lương (Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) đang tất bật rong thuyền trên các ao hồ để thu hoạch củ ấu - một loại củ có hình thù kỳ dị như sừng trâu, sinh trưởng và phát triển dưới nước.
Củ ấu hay còn gọi là ấu trụi, ấu nước, kỵ thực… là loài cây thủy sinh, thường mọc ở vùng có mực nước sâu từ 0,5 đến 2 m.
Theo chia sẻ của người dân, thời gian này đang là đợt hái thứ 3, mỗi vụ có thể hái từ 4-5 lần nếu thời tiết thuận lợi. Củ ấu không chỉ là món quà quê dân dã, mà còn đem lại lợi ích kinh tế cho họ.
“Chợ quê mùa ấu nhộn nhịp lắm, ai nấy cũng xúm xít bên những thúng ấu còn tươi nguyên. Nhiều người còn mua ấu để gửi quà cho nơi xa như một đặc sản sản do thổ nhưỡng ở đây phù hợp trồng nên củ ấu sẽ có hương vị thơm ngon, bở hơn vùng khác”, chị Thùy Linh – người bán ấu tại Hạ Hòa cho biết.
Năm nay, gia đình bà Thanh Nhàn (59 tuổi, xã Hiền Lương) trồng 8 sào ấu trà sớm, đến nay đã thu hoạch lứa thứ ba.
“Cứ hái lên bờ là có thương lái đến thu mua ngay. Thu hoạch ấu không vất vả nhưng ngồi miết trên thuyền khiến đau lưng ê ẩm. Nhiều khi củ ấu già rụng và chìm xuống bùn thì phải lội nước để mò ấu, thậm chí còn bị gai ấu đâm cho tứa máu”, bà Nhàn nói.
Năm nay, ấu được mùa, giá củ ấu dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Trung bình một ngày làm việc 8-10 tiếng, người dân sẽ thu về 40-50 kg ấu.
Cũng theo người dân tại đây, để ấu phát triển tốt, người trồng phải thường xuyên làm vệ sinh ruộng ấu, rải phân urê, lân, kali định kỳ. Ngày ấu ra quả cũng là lúc chuột phá hoại mùa màng. Vì thế, bà con phải thường xuyên quan tâm phòng trừ chuột. Bên cạnh đó, cần theo dõi sát sao đầm để ngắt hết ổ trứng ốc bươu vàng, tránh ốc ăn cây và củ ấu. Sau mỗi lần thu hoạch phải xịt thuốc trừ sâu hại lá và thuốc dưỡng.