Muôn vẻ mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ
(Sóng trẻ) - Trong thời đại công nghệ, mạng xã hội trở thành diễn đàn lý tưởng cho những ai muốn chia sẻ những mâm cỗ đa dạng, phong phú của nhà mình.
Một trong những điểm nhấn của Tết Đoan Ngọ làm mâm cỗ cúng đa dạng, bắt mắt với những đặc trưng riên của từng vùng miền. Mỗi món ăn, mỗi lễ vật có trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ đều mang những ý nghĩa riêng của từng vùng. Người miền Bắc thường diệt sâu bọ ngay khi thức dậy vào sáng sớm, món ăn chủ yếu bằng rượu nếp, bánh tro và hoa quả. Người miền Trung và miền Nam thì có món bánh ú lá tre hoặc bánh tro với nguyên liệu cũng là gạo nếp, đậu xanh.
Từ khi xuất hiện các hội nhóm dành cho những người yêu nấu nướng trên facebook, những người có niềm đam mê với ẩm thực đã tìm được diễn đàn chung để chia sẻ những món ăn mình làm với cộng đồng. Trong dịp Tết Đoan Ngọ cũng không ngoại lệ, nhóm Yêu Bếp (Esheep Kitchen Family) có hẳn một chuyên mục riêng dành cho những gia đình muốn chia sẻ mâm cỗ ngày Tết giữa năm.

Tài khoản Facebook Bông Tùng chia sẻ: "Buổi sáng của ngày tết Đoan ngọ, mấy anh chị em chúng tôi dậy từ sớm, ngồi ngóng mẹ đi chợ về, trong chiếc làn nhựa cũ của mẹ là 1 gói hoa nhỏ, vài chiếc bánh tro, một túm quả vải, một ít quả mận hay mấy quả dưa lê…. và thứ đặc biệt mà chị em chúng tôi dán mắt vào là gói rượu nếp được bọc trong chiếc lá sen xanh mướt. Rồi chúng tôi khẩn trương giúp Mẹ lau dọn bày biện các thứ lên ban thờ, mẹ bắt đầu thắp hương và khấn vái trời Phật , tổ tiên. Và việc của chúng tôi là ngồi đợi khi hết tuần hương là nhắc mẹ xin lộc cho chúng con. Món đầu tiên chúng tôi tranh nhau ăn là rượu nếp, ăn vèo phát hết luôn cả bát rượu nếp, xong thấy trong người lâng lâng, rất khoái trí và rủ nhau chạy đi chơi".
Cũng có những kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với ngày Tết Đoan Ngọ, chủ tài khoản facebook Hoàng Minh rất vui khi thấy các con mình cũng háo hức khi ngày diệt sâu bọ đến: "Những đứa trẻ hôm nay của tôi cũng háo hức lắm, loanh quanh với lá sen mẹ mang từ đầm về cùng những thức quả ngày hè. Răng hai đứa vẫn chưa được đánh, chúng ngồi chờ mẹ dâng hương để rồi thụ lộc. Hôm nay quyết diệt tụi sâu trong bụng cho sạch sẽ. Đối với những đứa trẻ thì chỉ cần biết ý nghĩa vậy thôi là đã vui cả ngày rồi".



Là người con xa xứ, mỗi khi Tết Đoan Ngọ về, chị Phạm Như Ngọc lại cảm thấy nhớ quê hương, nhớ mâm cỗ ngày diệt sâu bọ mẹ làm. Chị chia sẻ: "Dịp này mẹ tôi làm cơm cúng rất to, có năm mẹ làm tới 5 con vịt mời cả họ cùng tới ăn Tết. Lúc đấy còn nhỏ nên cũng chỉ chạy chơi xung quanh xóm, tới bữa cơm mẹ gọi về miếng nào ngon nhất mẹ dành phần cho, sau bao năm giờ có gia đình riêng, tôi vẫn không quên được những bữa cơm mẹ làm trong những ngày lễ Tết".
