Ngẫm về đạo thầy trò nhân ngày nhà giáo Việt Nam
(Sóng trẻ) - Cứ ngày 20/11 hằng năm, những người con Việt Nam, dù ở mọi lứa tuổi, tầng lớp trong xã hội, đều bỗng nhiên trở thành những cô cậu học trò nhỏ năm xưa, trong vòng tay ấm áp của người thầy...
Tuổi học trò thơ ngây dưới mái trường với những ước mơ diệu vợi tuy có thể qua đi theo thời gian, nhưng vẫn luôn là điểm tựa, là mái nhà ấm áp, an yên cho mỗi con người khi tìm về bản thể cội rễ.
Và những người hùng trong mắt trẻ thơ những năm ấy, giờ đây có thể mái đầu đã bạc, nhưng vẫn còn lừng lững như ngày nào: những người thầy đã chèo lái con thuyền ước mơ của biết bao nhiêu thế hệ. Mọi người con Việt Nam lớn lên trong tiếng ru hời của mẹ Âu Cơ, của đạo lý truyền thống dân tộc, không ai có thể quên.
Thầy trò trường THPT Chuyên Bắc Giang gặp mặt nhân dịp 25 năm thành lập trường. (Ảnh minh họa)
Ngày 20/11 ở Việt Nam được lấy làm ngày hiến chương các nhà giáo. Đây là một dịp thiêng liêng để người học trò nhớ về những người thầy của mình. Điều đặc biệt là, đó không phải là ngày lễ của riêng thế hệ nào, đó là ngày lễ của chung: ai trong đời mình cũng đã từng là học trò, cũng đã từng được dìu dắt bởi các thầy cô đáng kính.
Ngày xưa, người thầy được kính trọng đặc biệt như người cha, người mẹ thứ 2. Người luôn khao khát cho con mình trở thành tài và trở thành người có ích cho xã hội. “Những đứa con” là người nhận được rất nhiều tình yêu thương của người thầy dành cho, chính vì vậy ai cũng cảm nhận được tấm lòng cao cả ấy và đền đáp lại những tình cảm ngây ngô hồn nhiên trong sáng dành cho những người thầy. Trong sử sách luôn nhắc đến một người thầy vĩ đại là Chu Văn An, người thầy của thời đại, người “cha” đặc biệt đã dạy dỗ biết bao nhiêu thế hệ học sinh trở thành nhân tài giúp ích cho đất nước. Học trò của ông sau khi đã thành tài, thành quan vẫn không quên ơn ông và đều cung kính và rất lễ phép. Họ đối nhân xử thế như chính những người thân ruột thịt.
Trong môi trường ngày nay, hầu hết nét đẹp này vẫn được gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên, có những người vẫn chưa hiểu được giá trị cuộc sống, ý nghĩa của tình thầy trò nên có những suy nghĩ và hành động không đúng chuẩn mực đạo đức. Biểu hiện là những hành động và thái độ vô lễ, ngang nhiên có những hành động thiếu lễ phép đôi khi còn cãi lại bằng những lời nói thô tục xúc phạm người đã dạy dỗ mình.
Nhưng nguy hại hơn, còn nhiều cá nhân đã sẵn bất mãn với những tiêu cực của cuộc sống, cho rằng ngày 20/11 hằng năm là ngày “lễ lạt”, “vui chơi” của những người đang công tác trong các trường học. Quả nhiên, như thiên tài ethe đã nhận xét, không có thời đại nào người ta không phàn nàn về xã hội mình đang sống. Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề thế nào cho đúng, cho tách biệt rạch ròi giữa cái giả – chân mới thể hiện được ngộ tính và kiến thức của mỗi con người. Mà những hiểu biết ấy, chỉ có thể mưu cầu nơi sự giáo dục.
Tình thầy trò là một thứ tình cảm đẹp và thiêng liêng trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Trân trọng gìn giữ tình cảm ấy chính là một sự nâng niu, tôn trọng đối với đạo đức và nhân cách của chính mình. Và luôn luôn có nhiều cách khác nhau để thể hiện tư tưởng ấy, Không chỉ là quà tặng, những cuộc thăm hỏi, mà có lẽ, bằng cả chính việc chúng ta quan tâm, săn sóc cho cái nghiệp giáo dục của mỗi cá nhân, gia đình. Đó cũng như là một sự chung tay với các thầy các cô trong sự nghiệp đưa đất nước ta đi lên, là một món quà quý giá vậy.
Nguyễn Minh Đức
Báo chí đa phương tiện K33
Cùng chuyên mục
Bình luận