Dấu hiệu khả quan trong công tác xử lý tin báo vi phạm về động vật hoang dã
(Sóng trẻ) - Dù bị ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19, nhưng tỷ lệ phản hồi của các cơ quan chức năng trên cả nước với vi phạm về động vật hoang dã do người dân thông báo vẫn đạt 97,6% trên tổng số vi phạm.
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa cho ra mắt báo cáo đánh giá hiệu quả công tác xử lý vi phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) do người dân thông báo trong năm 2021 (tính đến 1/12).
Hiệu quả công tác phản ánh tăng rõ rệt
Từ năm 2021, ENV tiến hành phân tích định kỳ hàng năm hiệu quả công tác xử lý các vụ vi phạm về ĐVHD do người dân thông báo của cơ quan chức năng tại 63 tỉnh thành, và so sánh giữa các tỉnh thành trên cả nước. Báo cáo được xây dựng trên cơ sở phân tích mức độ phản hồi và kết quả xử lý vi phạm, dựa trên 4 tiêu chí: số vụ vi phạm, tỷ lệ phản hồi, tỷ lệ xử lý thành công, tỷ lệ xử lý thành công liên quan đến ĐVHD còn sống.
Theo đó, bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỷ lệ phản hồi của các cơ quan chức năng trên cả nước với vi phạm về ĐVHD do người dân thông báo vẫn đạt 97,6% trên tổng số vi phạm.
Không những vậy, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Bình Dương tiếp tục là hai địa phương đứng đầu cả nước trong công tác xử lý các thông tin vi phạm về ĐVHD từ người dân, giải cứu 125 cá thể ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm. Trong năm 2019, hai địa phương này cũng nằm trong nhóm 5 địa phương đạt hiệu quả cao nhất trong công tác xử lý các vi phạm về ĐVHD do người dân thông báo.
Sự tích cực trong việc phản hồi và xử lý hiệu quả các vụ việc do người dân thông báo là điều kiện rất quan trọng để duy trì và thiết lập mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa người dân và chính quyền trong quá trình xử lý các vi phạm về ĐVHD.
Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV chia sẻ: “Sự ủng hộ và hỗ trợ của cộng đồng là nguồn động lực quan trọng với các cơ quan chức năng trong công tác ngăn chặn và xóa bỏ tình trạng buôn bán, tiêu thụ ĐVHD trái phép tại Việt Nam. Tuy nhiên, người dân sẽ chỉ có niềm tin và tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng nếu các tin báo vi phạm do người dân cung cấp được xử lý kịp thời và có hiệu quả.”
Nâng cao chất lượng xử lý vi phạm trên cả nước
Là hai thành phố, trung tâm kinh tế lớn của cả nước Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng đồng thời là 2 địa phương ghi nhận nhiều nhất các vi phạm về ĐVHD do người dân thông báo. Đặc biệt, các cơ quan chức năng tại TP.HCM đã xử lý 99,7% trên tổng số 309 vi phạm được người dân thông báo – số lượng vi phạm chiếm gần 1/3 tổng số vi phạm trên cả nước trong năm 2020.
Tuy nhiên, hiệu quả xử lý vi phạm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn tương đối thấp. Với thành phố Hà Nội tỷ lệ xử lý thành công vi phạm về ĐVHD nói chung là 31,3%, thấp hơn mức trung bình trên cả nước.
Mặc dù tỷ lệ phản hồi đối với các vi phạm do người dân thông báo là khá khả quan nhưng tỷ lệ xử lý thành công tại các địa phương còn thấp, chỉ đạt 33,2%, tương đương với kết quả ghi nhận trong năm 2020.
Việc tỷ lệ xử lý vi phạm với mức thành công thấp ở một số địa phương có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Đánh giá về vấn đề này ông Phạm Thành Trung - Giám đốc Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã (WCS) nhận định: “Tỷ lệ xử lý thành công thấp có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau như quá trình xử lý thông tin còn chậm trễ hoặc thông tin bị rò rỉ trước khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, hoặc trong một số trường hợp, thông tin người dân cung cấp không chính xác hoặc không cụ thể. Các cơ quan chức năng cần phải tích cực nâng cao hiệu quả xử lý các vi phạm do người dân thông báo.”
Trước tình trạng này các tổ chức bảo vệ động vật và cơ quan chức năng địa phương đã đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm về ĐVHD để đưa tỷ lệ xử lý thành công lên ít nhất lên 50% vào năm 2022.
Mỗi ngày đường dây nóng bảo vệ ĐVHD 1800-1522 tiếp nhận khoảng 10 thông tin vi phạm về ĐVHD do người dân cung cấp. Tổng số vụ việc vi phạm về ĐVHD đã được chuyển giao đến cơ quan chức năng trong năm 2021 là 1035 vụ việc, tăng hơn 300 vụ so với năm trước. Tình trạng vi phạm liên quan đến ĐVHD vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ cac cơ quan chức năng và sự chung tay của cả cộng đồng.