Ngành báo chí đối mặt với thách thức tinh gọn nhưng vẫn giữ sức hút với thí sinh
(Sóng trẻ) - Thị trường việc làm ngành báo chí ngày càng cạnh tranh khốc liệt sau giai đoạn tinh gọn mạnh mẽ. Dù vậy, chuyên ngành vẫn là lựa chọn hàng đầu của nhiều học sinh cuối cấp, minh chứng cho sức hút bền vững của nghề.
Những năm gần đây, báo chí đối mặt với sự thay đổi lớn khi một số cơ quan bị sáp nhập, giải thể nhằm tối ưu hóa quản lý và giảm áp lực tài chính. Điều này khiến môi trường làm việc trở nên khắc nghiệt hơn. Nhiều phóng viên, biên tập viên phải đối diện nguy cơ mất việc hoặc chuyển đổi công tác.
Nhân sự bị cắt giảm đồng nghĩa với khối lượng công việc tăng cao, gây áp lực lớn lên các tòa soạn.Tuy nhiên, bất chấp những thách thức, ngành báo chí vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ học sinh và phụ huynh tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2025.
Sáng 16/3, không khí tại Đại học Bách khoa Hà Nội trở nên sôi động với sự tham gia của hàng trăm học sinh lớp 12 cùng phụ huynh. Sự kiện quy tụ nhiều trường đại học, mang đến cơ hội lắng nghe chia sẻ từ giảng viên và chuyên gia về chương trình đào tạo cũng như triển vọng nghề nghiệp. Đặc biệt, gian tư vấn của Học viện Báo chí và Tuyên truyền thu hút đông đảo sĩ tử đam mê lĩnh vực này, khẳng định sức hấp dẫn của ngành báo chí trong bối cảnh đổi mới.
Khi được hỏi về tác động của quá trình tinh gọn đối với sự cạnh tranh trong ngành, Hương Giang, học sinh lớp 12 trường THPT Trần Phú (Hà Nội), chia sẻ: "Mình rất yêu thích chuyên ngành Báo truyền hình và mong muốn tìm hiểu sâu hơn về phương thức xét tuyển cũng như chương trình đào tạo. Theo mình, báo chí vốn đã có sự cạnh tranh cao, dù trước hay sau giai đoạn tinh gọn. Nhưng vì đam mê từ lâu, mình vẫn quyết tâm theo đuổi ngành học này”.
Đồng hành cùng con gái tại buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025, chị Minh Nhàn (42 tuổi) luôn theo sát và lắng nghe chia sẻ từ các thầy cô về phương thức tuyển sinh, chương trình đào tạo. Chị Nhàn bày tỏ: “Tôi tôn trọng quyết định và tin vào năng lực của con. Nếu con yêu thích nghề biên tập viên, bố mẹ sẽ hết lòng ủng hộ. Tuy nhiên, tôi cũng khuyên con chuẩn bị thêm phương án khác vì điểm chuẩn của chuyên nghành khá cao”.
Dù cơ hội nghề nghiệp thu hẹp, nhiều bạn trẻ vẫn tin rằng với chuyên môn vững vàng, kỹ năng linh hoạt và khả năng sáng tạo, họ có thể khẳng định vị trí trong ngành. Chính tinh thần này giúp nghành đào tạo báo chí tiếp tục thu hút những người thực sự yêu nghề, sẵn sàng đóng góp và đổi mới diện mạo báo chí trong thời kỳ chuyển đổi.
Với vai trò cố vấn tư vấn tuyển sinh, ThS Nguyễn Thị Thu Trà, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết phụ huynh và học sinh quan tâm nhiều đến sự khác biệt giữa các chuyên ngành báo chí, nội dung đào tạo cũng như cơ hội việc làm sau tốt nghiệp. Về tình trạng khan hiếm việc làm sau quá trình tinh gọn, ThS Nguyễn Thị Thu Trà chia sẻ: “Dù thị trường báo chí cạnh tranh khốc liệt, nhưng luôn có chỗ cho những người thực sự giỏi và đam mê. Các tòa soạn, đài phát thanh, truyền hình từ trung ương đến địa phương vẫn cần nhân sự chất lượng. Tuy nhiên, để theo đuổi nghề bền vững, điều cốt lõi vẫn là đam mê, tinh thần yêu nghề và sự nỗ lực rèn luyện cả về tri thức, đạo đức, kỹ năng ngay từ khi còn trên ghế nhà trường”.
Trong bối cảnh báo chí không ngừng biến đổi, cơ hội vẫn rộng mở với những người có chuyên môn vững vàng và khả năng thích ứng. Việc trang bị kiến thức, kỹ năng sớm sẽ là nền tảng quan trọng giúp sinh viên tìm được vị trí phù hợp và phát triển sự nghiệp lâu dài.