Kinh doanh dịp Tết: Sinh viên làm giàu từ mạng xã hội
( Sóng Trẻ)- Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là tới dịp Tết Nguyên đán 2017. Tận dụng sức mạnh của mạng xã hội, với số vốn khiêm tốn, nhiều bạn sinh viên đã nhanh chóng thu về những khoản tiền không nhỏ nhờ kinh doanh từ dịp Tết này.
Bỏ vốn ít, thu lãi nhiều
Kinh doanh trên mạng xã hội không còn là điều mới mẻ, nhưng nó vẫn luôn mang lại hiệu quả cao. Thông qua tài khoản cá nhân, người dùng đã có thể nhanh chóng tạo cho mình một shop online kinh doanh đủ mọi mặt hàng.
Tâm lý ngày Tết là tâm lý ăn chơi. Người ta lao động vất vả suốt một thời gian dài, vào những ngày cuối cùng của năm cũ, ai cũng muốn sắm sửa cho bản thân và gia đình. Thế nhưng cuối năm cũng lại là lúc công việc bận rộn nhất, tất bật nhất thì thời gian đâu mà la cà mua sắm. Bởi thế, xu hướng shopping online nhanh chóng lên ngôi và trở thành cơ hội “kiếm chác” của các bạn trẻ.
Tết đến xuân về, mọi người thường sắm những bao lì xì đỏ để đựng những tờ tiền may mắn, trao cho người thân của mình. Nhạy bén với nhu cầu của thị trường, Trần Thùy Linh (Sinh viên năm 4, HV BC – TT) nhận thấy các loại phong bao trước đây khá đơn điệu và không có gì nổi bật, nên đã quyết định kinh doanh những mẫu lì xì kiểu mới.
Thiết kế hiện đại và bắt mắt, cùng mức giá phải chăng, những phong bao lì xì này được nhiều người ưa chuộng.
Linh cho biết: “Công việc này không tốn thời gian mà lại dễ bán. Bao lì xì nhà nào cũng phải mua, đầu tiên là bạn bè ủng hộ, sau đó mình nhờ các bạn chụp ảnh feedback lại. Mẫu mã đẹp mà giá cũng ngang với bao lì xì truyền thống nên nhiều người tìm đến mua hơn”.
Tranh thu kiếm thêm tiền tiêu Tết, các bạn trẻ thường đầu tư vào những mặt hàng ít vốn, dễ tiêu thụ và bảo quản. Vì vậy, các mặt hàng như bao lì xì, đồ trang trí nhà cửa, quần áo hay phụ kiện làm đẹp,… được ưu ái nhiều hơn hẳn. Các bạn sinh viên chỉ cần bỏ chút thời gian lựa chọn những thiết kế đẹp, độc, lạ,… chụp ảnh quảng cáo thật lung linh cùng những dòng tư vấn tận tình là đã thu hút được khá nhiều vị khách.
Đã sớm bén duyên với kinh doanh các mặt hàng thời trang nên Ngọc Hà (sinh viên năm 2, ĐH Nại Thương) đã quyết định bán thêm áo dài cách tân. Theo chia sẻ của Hà thì gần tết, mọi người thường diện áo dài để chụp ảnh hoặc đi chùa. Loại áo này mới xuất hiện khoảng 1 tháng trở lại đây, được các khách hàng trẻ ưa chuộng vì thiết kế hiện đại, thuận tiện cho việc di chuyển mà giá thì chỉ khoảng 200 – 300 ngàn đồng tùy mẫu, rẻ hơn nhiều so với áo dài truyền thống.
Chỉ cần đăng ảnh quảng cáo cho khách chọn lựa, nếu quyết mua thì chủ shop mới lấy về nên không hề bị đọng vốn
Đưa “quà nhà” lên chợ online
Bên cạnh đó, nhiều bạn sinh viên lại lựa chọn đem đặc sản quê mình ra họp chợ. Những món ăn dân dã ở các miền quê hội tụ ở chợ online cũng là những sản phẩm được nhiều người ưa chuộng trong dịp Tết.
Là dân Thái Nguyên chính gốc – cậu sinh viên năm 3 ĐH TM Ngô Sơn Linh đã khởi sự kinh doanh bằng chính chè – sản vật của miền quê mình. Sau một thời gian khảo sát thị trường, Linh nhận thấy cứ vào dịp Tết, nhu cầu về chè tăng cao vì đa số các gia đình mua để sử dụng hoặc dùng làm quà biếu. Sau 2 năm tạo được uy tín, năm nay Linh tiếp tục nhập hàng quê đem về buôn nơi phố thị và thu được lãi lớn.
Kết thúc nhiều công đoạn chế biến, chè thành phẩm có thể bảo quản được lâu, mẫu mã bên nài rất đẹp, dễ vận chuyển từ nơi này sang nơi khác mà không sợ hư hỏng nên khả năng xảy ra rủi ro là khá ít. “Trung bình cứ 2 ngày là mình lại bán được từ 1 – 2kg chè loại nn. Tương đương với thu nhập từ 600.000 – 1.200.000đ”, Linh chia sẻ.
Những cái Tết càng về sau càng hiện đại. Khi các gia đình đã chán những món ăn truyền thống của quê mình thì họ sẽ ăn thử những đặc sản ở vùng quê khác. Tại Hà Nội, các mặt hàng như thịt trâu gác bếp, lạp xưởng, giò me, nem chua Thanh Hóa, cá kho Vũ Đại,… được cư dân mạng săn lùng ráo riết.
“Ngày trước vận chuyển khó khăn, thông tin mập mờ nên mình chả dám mua hàng từ tỉnh khác, sợ mang về Hà Nội thì hỏng hết. Bây giờ cứ lướt FB một hồi thấy bao nhiêu shop uy tín nhập hàng về, cam kết chất lượng tốt như thế nên mình cũng muốn dùng thử. Tết nhất mà, cứ canh măng, nem chả mãi cũng chán, phải thử xem ở quê người ta Tết ăn cái gì chứ”, chị Trần Thu Huyền (nhân viên Kế toán) chia sẻ.
Những đặc sản quê được rao bán rộng rãi trên mạng xã hội. Đây cũng là một trong những cách hiệu quả để giao lưu văn hóa ẩm thực giữa các vùng miền
Kinh doanh dịp Tết mang tính thời vụ, thường sẽ “đánh nhanh thắng nhanh” trong khoảng 2 tháng trước Tết. Bởi thế nên khó khăn lớn nhất chính là việc khách hàng chưa hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng của sản phẩm, và sự cạnh tranh đến từ những người bán khác.
Còn những mặt hàng thực phẩm tươi sống thì không được ưu ái. Một phần là do vấn đề vệ sinh thực phẩm rất phức tạp, người tiêu dùng sẽ lựa chọn những cửa hàng có uy tín thay vì mua các mặt hàng trôi nổi trên mạng. Bên cạnh đó thời tiết những ngày gần Tết khá thất thường, thực phẩm dễ bị hỏng, mà như vậy coi như là đổ bể cả chuyến buôn.
Nguyễn Huệ Anh
Lớp Báo chí Đa phương tiện K34 A2
Cùng chuyên mục
Bình luận