Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc 2024 tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam
(Sóng trẻ) - Sáng 18/11, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sôi nổi tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, điểm nhấn trong Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hoá Việt Nam”, thu hút sự tham gia đông đảo của người dân và du khách.
Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, không gian “Ngôi nhà chung” của các dân tộc được tái hiện sinh động với 3 cụm làng, trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống đặc sắc của 16 cộng đồng dân tộc đang sinh sống và làm việc tại đây. Những chiếc nón lá cọ, quạt búp cọ của người Tày, hay trang phục thổ cẩm rực rỡ của người Thái… đã thu hút sự chú ý của đông đảo du khách.
Điểm nhấn là Chương trình giao lưu văn nghệ “Ngày hội đoàn kết”, với gần 20 tiết mục đặc sắc được biểu diễn bởi 16 nhóm đồng bào và các đoàn sinh viên tham quan. Từ những điệu múa truyền thống uyển chuyển đến những làn điệu dân ca hào hùng, cùng các trò chơi dân gian thu hút sự tham gia nhiệt tình của du khách thập phương.
Ông Nguyễn Hồng Thái, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu các làng dân tộc, cho biết: “Làng đã thu hút gần 400.000 lượt khách tham quan trong năm 2024, phản ánh sự quan tâm lớn của công chúng đối với văn hoá các dân tộc. Chúng tôi mong muốn thông qua ngày hội và các hoạt động của Tuần lễ Đại đoàn kết, sẽ góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, đồng thời tăng cường hơn nữa tình đoàn kết giữa các dân tộc”.
Ông Thái cũng nhấn mạnh sự thành công của ngày hội có sự đóng góp không nhỏ của hơn 200 nghệ nhân đến từ 17 địa phương tham gia Liên hoan lần thứ VII toàn quốc.
Bà Lò Thị Tóm, một người dân tộc Thái cao tuổi đến từ Mộc Châu, Sơn La, chia sẻ: “Đại đoàn kết là nền tảng của sự phát triển. Ngày hội là dịp để chúng ta cùng nhau tôn vinh vẻ đẹp văn hoá dân tộc và thắt chặt hơn nữa tình cảm anh em giữa các dân tộc”. Cùng chung cảm xúc, nghệ nhân Lưu Thị Chiêm, người dân tộc Tày, cho biết: “Tôi rất tự hào khi được giới thiệu những sản phẩm thủ công của quê hương mình đến với nhiều người”.
Bên cạnh đó, các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao diễn ra sôi nổi. Các tiết mục văn nghệ đặc sắc, từ điệu múa khăn piêu của người Thái, đến âm thanh rộn ràng của tiếng đàn tính, hát then, điệu xoang của người Tây Nguyên… đều thể hiện tình yêu quê hương, đất nước và tinh thần đoàn kết toàn dân.
Không gian của Ngày hội nhộn nhịp, tưng bừng và cảm xúc hơn khi Vũ điệu kết đoàn vang lên. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ thành công, thành công, đại thành công”. Ghi nhớ lời dặn dò ấy, bà Tòng Thị Phóng - nguyên Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội đã biên đạo bài múa “Vũ điệu kết đoàn”. Điệu múa được kết hợp bởi đồng bào và khách tham quan mang ý nghĩa cho sự gắn bó keo sơn, bền chặt của 54 dân tộc anh em.
Tham gia Ngày hội, bạn Đỗ Thị Mỹ Duyên, sinh viên năm 2 trường Đại học Mở Hà Nội chia sẻ ấn tượng của mình: "Đây là lần đầu tiên em được tham gia một sự kiện văn hoá lớn như vậy. Em cảm thấy rất may mắn khi đi đúng vào dịp tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Được cùng các bạn trong Khoa Du lịch hát, múa với người đồng bào, được nhảy sạp, đi cà kheo, nhiều hoạt động thực sự khó quên trong thời sinh viên của em".
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc 2024 tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã khép lại thành công tốt đẹp, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách và người dân, khẳng định sức mạnh to lớn của đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.