Bến xe Hà Nội ế ẩm những ngày cận Tết

(Sóng trẻ) - Đang ở cao điểm Tết nhưng các bến xe trên địa bàn Thủ đô Hà Nội vắng khách hơn ngày thường, thậm chí nhiều xe phải xuất bến chỉ với vài hành khách.

Nhà xe “dài cổ” ngóng khách

Kể từ khi đại dịch COVID-19 kết thúc, lượng khách đến bến xe giảm đáng kể. Theo ông Vương Duy Toàn (Phó Giám đốc bến xe Giáp Bát): “Những năm trước dịch, đặc biệt là dịp cận Tết, một ngày trung bình có khoảng 15.000 đến 20.000 hành khách. Thế nhưng năm nay, trung bình một ngày chỉ khoảng vài nghìn người, rất thưa thớt”.

slide6.JPG
Sảnh chờ tại bến xe Giáp Bát hầu như không một bóng người. (Ảnh: Thanh Hà)
slide1.JPG
Bến xe Mỹ Đình đông khách hơn nhưng lượng khách chưa khôi phục hoàn toàn so với cùng kỳ những năm trước dịch. (Ảnh: Thanh Hà)

Không chỉ nhà xe “điêu đứng” mà hành khách cũng ngạc nhiên trước tình trạng vắng vẻ bất thường của bến xe ngày cận Tết. “Mình thấp thỏm trên đường đến bến xe mặc dù đã gọi điện cho nhà xe đặt chỗ trước, vì mọi năm, người dân đi lại rất đông dẫn đến tình trạng xe ken chặt người, đành phải chờ chuyến sau. Nhưng đến đây mình rất ngạc nhiên bởi không chỉ lưu lượng xe ít mà lượng khách thưa thớt, giá vé vẫn giữ nguyên như ngày thường”, bạn Nguyễn Thu Trang (Vĩnh Phúc) chia sẻ.

slide4.JPG
Một hàng dài tài xế và phụ xe khách đang “dài cổ” ngóng trông người dân lấp đầy hàng ghế trống trên xe. (Ảnh: Thanh Hà)

“Tiền chở khách những ngày này không đủ bù vào tiền xăng dầu đi lại trên đường nhưng không đi không được, chúng tôi vẫn phải đi để giữ khách, một người cũng đi”, tài xế xe Minh Quang cho hay. Cũng theo Phó Giám đốc bến Giáp Bát: “Các nhà xe buộc phải xuất bến theo giờ như trong tuyến hợp đồng vận tải đăng ký với Nhà nước. Vậy nên dù ít khách, tài xế vẫn chạy để không vi phạm hợp đồng và làm xáo trộn hoạt động bến xe”.

Vé xe khách không “mặn mà” phụ thu Tết
Những năm trước đây, vào những dịp cao điểm như Tết Nguyên đán, giá vé xe khách thường tăng do phụ thu thêm cước phí, dao động từ 20-60% tùy nhà xe. Thế nhưng năm nay, mặc dù các nhà xe vẫn giữ nguyên giá vé như ngày thường, thậm chí giảm giá nhưng vẫn gặp cảnh đìu hiu. Ông Vương Duy Toàn cho biết: “Do lượng khách đi lại rất ít nên nhiều nhà xe không tăng giá vé, so với ngày thường, giá vé niêm yết trên các quầy vé chưa có sự thay đổi”.

Theo một nhân viên nhà xe Mạnh Linh (thuộc tuyến Hà Nội - Ninh Bình), giá vé niêm yết trên quầy bán là 100.000 đồng/người nhưng trên thực tế, nhà xe chỉ thu 80.000 đồng, riêng đối tượng học sinh, sinh viên, giá vé giảm chỉ còn 70.000 đồng. “Mặc dù giảm giá nhưng vẫn vắng khách, trừ giai đoạn dịch, chưa năm nào chúng tôi ‘đói ăn’ như năm nay”, anh tâm sự.

slide5.JPG
Quầy vé tại bến xe Mỹ Đình mòn mỏi chờ khách mặc dù đây vốn là nơi xếp hàng đông đúc nhất. (Ảnh: Thanh Hà)

So với các phương tiện khác, năm nay xe khách khó khăn hơn cả. Theo thông tin từ các hãng hàng không, từ khoảng cuối tháng 12 đến nay, nhiều đường bay dịp Tết đã kín chỗ, giá vé tăng cao gấp đôi, thậm chí gấp rưỡi so với những tháng trước. Những ngày cuối cùng của tháng 12, các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Bamboo Airways và Vietjet Air đều thông báo tăng chuyến, đưa lượng ghế cung ứng lên hơn 2,6 triệu ghế, tăng hơn 600.000 ghế so với lịch khai thác bình thường. 

Tương tự, thông tin của ngành Đường sắt ngày 4/1 cho biết, giá tàu dịp Tết tăng từ 2-10% so với ngày thường đối với một số chặng đông khách, tăng từ 1-6%  so với giá vé tàu cùng kỳ năm ngoái. Kể từ khi chính thức mở bán đến nay, ngành Đường sắt đã 3 lần tăng chuyến để đáp ứng nhu cầu tăng quá cao của người dân. Trong khi đó, các bến xe không cần tăng chuyến bởi lượng khách có phần ảm đạm. Thậm chí, nhiều xe cố gắng nán lại chờ khách do lượng khách lên xe ít hơn dự kiến.

slide2.JPG
Một số nhà xe đành nhận chở hàng để bù phần nào vào chi phí xăng dầu đi lại. (Ảnh: Thanh Hà)

Xu hướng chuyển đổi của người dân
Tài xế xe Minh Quang (tuyến Hà Nội - Ninh Bình) cho rằng nguyên nhân khiến hiện tượng khách giảm sâu là do nhiều người có xu hướng chuyển đổi phương thức về quê, người dân ưu tiên những xe dịch vụ vì có thể chủ động thời gian và được xe đưa đón tận nơi. Hoàng Văn Khánh, sinh viên năm 3 Học viện Phụ nữ, cho biết: “Từ ngày biết đến loại xe limousine, mình chỉ cần gọi điện hẹn trước địa chỉ và chờ họ đến tận nhà đón đi, rất thuận tiện thay vì chen chúc tại bến xe. Mặc dù xe dịch vụ đắt hơn vài chục nghìn nhưng mình đổi được sự thoải mái cho bản thân”.

Bên cạnh nguyên nhân người dân đi xe dịch vụ ngoài bến, ông Vương Duy Toàn chỉ ra rằng dịp lễ Tết kéo dài cộng thêm thời gian nghỉ của học sinh, sinh viên và người đi làm khác nhau nên lượng người tập trung về bến cũng rải đều, không dồn ứ gây ách tắc như mọi năm. Ngoài ra, việc sử dụng phương tiện cá nhân để về quê cũng là một xu hướng được nhiều người lựa chọn. Bằng chứng là những ngày giáp Tết, phương tiện giao thông di chuyển quá đông gây tình trạng ùn ứ tại nhiều tuyến đường cửa ngõ Thủ đô như: Vành đai 3, Nguyễn Xiển, Giải Phóng, Khuất Duy Tiến,...

slide3.JPG
Lê Quang Huy, sinh viên Học viện Quân y Hà Nội, là một trong số ít người về quê (Hòa Bình) bằng xe khách. Huy chia sẻ bản thân tranh thủ dịp nghỉ phép 14 ngày để sum vầy bên gia đình. (Ảnh: Thanh Hà)

Nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách, ông Vương Duy Toàn (Phó Giám đốc bến xe Giáp Bát) cho biết bến đã chuyển bị nhiều phương án khác nhau. Công tác an ninh trật tự được bến xe phối hợp với các đơn vị lực lượng công an, thanh tra nhằm phân công người kiểm soát vòng trong, vòng ngoài vào dịp cao điểm. Đối với các doanh nghiệp vận tải chạy những tuyến đông khách, họ phải cam kết đủ số lượng xe dự phòng tăng 25% để đảm bảo bà con đi lại không bao giờ thiếu xe, tạo điều kiện cho người lao động đi làm xa được về đoàn tụ bên gia đình vào dịp Tết Quý Mão 2023.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN