Người giữ hồn cho tranh Đỏ nổi tiếng đất Kinh Bắc

(Sóng Trẻ) - Chị Nguyễn Thị Thu Hòa – một nhà sưu tập tranh và đồ cổ - là một trong những người có công đầu trong việc khôi phục dòng tranh dân gian Kim Hoàng. Chặng đường đưa dòng tranh Đỏ đến gần hơn với công chúng không mấy dễ dàng. Nhưng bằng tình yêu, kiên trì và nỗ lực sáng tạo, những con người như chị vẫn đang góp phần mình trong việc gìn giữ một phần của tâm hồn dân tộc Việt Nam

Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018, giữa gian hàng tranh với tấm biển đỏ ghi dòng chữ “Cơ sở sản xuất Tranh đỏ Kim Hoàng”, một người phụ nữ giản dị, thân thiện đang ngồi nói chuyện và rót trà cho khách tham quan. Xung quanh chị treo đầy những bức tranh giấy đỏ, những người trẻ miệt mài tô vẽ, những khách tham quan đang chăm chú ngắm tranh bằng sự trân trọng. Đó là chị Nguyễn Thị Thu Hòa – Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, đồng thời cũng là người sưu tập tranh dân gian. Chị là một trong những người có công đầu trong việc hồi sinh và gìn giữ tranh dân gian Kim Hoàng cho đến ngày hôm nay, góp phần vào việc phục dựng một nét đẹp văn hóa dân tộc.

304e32449_i_0399.jpg

Chị Nguyễn Thị Thu Hòa trò chuyện với khách tham quan

Hành trình phục dựng bền bỉ

Là một người có niềm đam mê đặc điểm với tranh dân gian và những giá trị truyền thống, chị Thu Hòa tìm đến với tranh Kim Hoàng như một cơ duyên. Nói về động lực và nguyên nhân theo đuổi việc phục dựng dòng tranh đỏ, chị cho biết: “Chị là người sưu tập tranh và sưu tập rất nhiều thứ khác. Tranh Kim Hoàng nếu như mình không làm như thế thì đến một lúc nào đó nó cũng sẽ lụi tàn. Các dòng tranh dân gian khác của dân tộc ta cũng đang đứng trước nguy cơ chỉ còn lại một hai nghệ nhân thì đó cũng là điều rất đáng tiếc. Mình chỉ là đang cố gắng hết sức có thể. Nếu như không làm thì đó cũng chính là một điều day dứt trong cuộc đời”.

Hành trình tìm lại vị thế cho tranh dân gian Kim Hoàng là những chuỗi ngày ngược xuôi, vất vả. Chị Thu Hòa đã từng thử nhiều cách, lặn lội vào miền Nam để nhờ những người khắc tranh dân gian ở đó phục dựng những mộc bản tranh đỏ. Nhưng mỗi một vùng miền lại có những nét văn hóa, những quan niệm khác ăn sâu vào trong tiềm thức. Và để làm nổi bật lên được vẻ đẹp, cái hồn cốt thực sự của tranh Kim Hoàng không phải ai cũng làm được. Nói về những người đồng hành cùng chị trên chặng đường phục dựng đó, chị cho biết:

“Trong 5000 dân làng Kim Hoàng chị chỉ chọn ra được một người có thể làm được, một người có thể theo đuổi và làm nổi bật được cái hồn cốt của dòng tranh này. Cậu Đào Đình Trung là một người trẻ, nhưng rất có năng khiểu. Và quan trọng là dám theo đuổi, may mắn là đồng hành cùng chị ngay từ đầu. Bây giờ còn chăm thêm một cô bé 16 tuổi nữa. Phải mất hơn một năm để đào tạo và để phát triển năng khiếu trong cô bé đó. Đấy là những người giỏi thực sự và chị tin tưởng. Không phải bất ai cũng có thể làm được việc này. Đừng nghĩ một bức tranh đơn giản chỉ là một bức tranh. Nó còn mang trong đó cả một bề dày văn hóa. Chỉ khi nào con người có sự thấm nhuần và ăn sâu của những giá trị văn hóa đó, họ mới có thể làm nổi bật được hồn cốt, giá trị truyền thống thực sự của một bức tranh”

304e32449_i_0409.jpg

Anh Đào Đình Trung – người cùng chị Thu Hòa phục dựng tranh Kim Hoàng

Không ngừng nỗ lực và sáng tạo

Hành trình phục dựng tranh dân gian, không những đòi hỏi sự kiên trì, mà cần trong đó sự nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ. Để những bức tranh có thể thâm nhập sâu vào thị trường, để đông đảo công chúng có thể biết được và tìm đến nó không phải là điều đơn giản. Chị Thu Hòa tìm cách đưa tranh đến với giới trẻ. Những bức tranh gà, tranh lợn, tranh nghê,… được in ra để cho các cháu nhỏ tập tô, tập tìm hiểu và khám phá ra những cách phối màu, cách trình bày khác nhau. Nét vẽ trong tranh Kim Hoàng thanh thoát, không quá cầu kì nhưng toát lên vẻ tinh tế. Nhờ đó, tranh dân gian này có thể đi sâu một cách dễ dàng hơn vào cuộc sống. 

Nói về những khó khăn trong việc đưa tranh Kim Hoàng đến gần hơn với công chúng, chị Thu Hòa chia sẻ: “Thật ra thì để khôi phục thì không khó, chỉ tùy thuộc vào vấn đề thời gian là có thể làm được. Tuy nhiên, để cho các tầng lớp nhân dân hiểu, người ta yêu và bỏ tiền ra mua thì đấy mới là việc khó. Cái quan trọng là tạo thị trường cho tranh thì khó hơn rất nhiều so với khôi phục”. Và con đường đưa tranh dân gian Kim Hoàng xâm nhập sâu vào thị trường vẫn đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và sự sáng tạo của người trong nghề.

Mang khát vọng giữ gìn văn hóa tâm linh người Việt

Mỗi bức tranh không đơn giản là đường nét, là màu sắc, nó còn ẩn chứa trong đó ý nghĩa tâm linh người Việt. Trên hành trình phục dựng vị trí tranh Kim Hoàng cũng như nhiều dòng tranh dân gian khác, chị Hòa cũng như nhiều nhà sưu tập tranh tâm niệm: “Có 2 vấn đề. Thứ nhất là hiện tại, không có dòng tranh dân gian nào ở Việt Nam có đủ 12 con giáp. Và mong muốn của chúng tôi trong tương lai là làm đủ 12 con giáp cho mỗi dòng tranh, để năm nào cũng có tranh treo Tết đúng với đặc trưng của năm đó. Thứ hai là, mong muốn mọi người có thể nhìn nhận lại giá trị văn hóa, tâm linh trong từng bức tranh. Thỉnh thoảng có người đi qua nhìn bức tranh con nghê và hỏi đây là con gì. Thì dần dần, mỗi ngày một ít, chúng ta sẽ có thêm những hiểu biết, những quan niệm vững vàng hơn về linh vật đặc trưng của người Việt. Bây giờ hầu hết người ta chỉ yêu thích long, ly, quy, phượng thôi. Nhưng đó dù sao cũng là những linh vật có xuất xứ từ nước nài là chủ yếu. Và tranh nghê này tôi muốn là nó vừa có thể nuôi sống nghệ nhân. Bên cạnh đó nó còn giúp cho người Việt thấm nhuần được giá trị tâm linh dân tộc. Để cho mọi người có cái nhìn đúng hơn đối với những con sư tử đá dựng trước các công sở và bài trừ nó”

304e32449_tranh_nghe.jpg

Tranh nghê Kim Hoàng

Luôn có những niềm hi vọng, luôn có những khát khao về văn hóa, truyền thống dân tộc chảy mãnh liệt trong người phụ nữ giản dị ấy. Tranh Kim Hoàng sẽ vẫn còn phát triển, người đời sau sẽ vẫn biết và vẫn treo những bức tranh đỏ trong nhà, nếu như những hành động âm thầm của những người như chị Nguyễn Thị Thu Hòa vẫn còn tiếp diễn. Có thể rồi đây, không còn ai biết chị là ai, nhưng những công lao của chị vẫn còn có ý nghĩa, vẫn còn góp phần vào việc gìn giữ một phần linh hồn của dân tộc.
Hằng Nguyễn
Phát thanh K36

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN