Người giữ nghề làm khuôn gỗ truyền thống giữa lòng Hà Nội
(Sóng Trẻ) - Xung quanh không gian đầy mũi gỗ hoà quyện với âm thanh vang dồn của tiếng đục, tiếng đẽo, người đàn ông với vóc dáng khoẻ khoắn vẫn cặm cụi sáng tạo những chiếc khuôn gỗ muôn hình muôn vẻ.
Giữ gìn "hồn" xưa của phố cổ
Ngày xưa, phố Hàng Quạt ( Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nổi tiếng với nghề làm khuôn bánh, khắp cả con phố đâu đâu cũng là nơi sản xuất và bày bán những chiếc khuôn làm bánh, khuôn làm xôi,… Trải qua bao biến đổi của xã hội, giờ đây con phố này chỉ còn duy nhất một cửa hàng của ông Phạm Văn Quang. Ông là một trong số ít ỏi những người vẫn giữ nghề này ở cái đất Hà Thành xa hoa.
Ông Quang năm nay đã nài 60 tuổi, cái tuổi đáng nhẽ ra chỉ cần vui vẻ bên con cháu và hưởng thú vui nhàn hạ lúc tuổi già thì ông vẫn dành thời gian cho cái nghề đã gắn bó với mình từ những ngày còn thanh niên hai mươi tuổi phơi phới. Đối với ông công việc này không chỉ là một cái nghề mà còn như một thú vui, một niềm đam mê, nếu lâu lâu không sờ vào cái búa cái đục thì cảm giác không yên, tay chân như thiếu thiếu một điều gì đó.
Cửa hàn của ông Quang tại phố Hàng Quạt (Hà Nội).
Những khuôn gỗ treo đầy tường.
Quê gốc của ông Quang là ở huyện Thường Tín ( Hà Tây), gia truyền với nghề làm khuôn nhưng đến nay khi các thế hệ trước đã không còn, con cháu thì cũng không theo nghiệp gia đình nên chỉ còn mình ông là vẫn gìn giữ cái nghề này. Những người con không theo nghiệp cha mình nhưng ông cũng không vì thế mà bắt ép trái ngược lại ông vui vẻ chia sẻ: “Nhiều khi cái mình muốn thì mình lại không có, nghề nghiệp cũng như vậy nhiều lúc tôi nghĩ đó là do cái duyên, nghề chọn mình chứ mình chưa chắc đã chọn nghề. Nên khi con tôi không theo nghề truyền thống của gia đình tôi cũng không bắt ép chúng nó và cũng không cảm thấy buồn nhiều vì mình tôn trọng sở thích của con. Nếu ai thích theo nghề nay tôi cũng không ngại giúp đỡ. Tìm được người đó có khi còn khó.”
Ông Quang trò chuyện với khách từ xa đến đặt khuôn.
Ông cũng chia sẻ hiện nay xã hội phát triển, nhiều người đã không còn làm bánh làm xôi thủ công như trước nên nhiều người không giữ được lòng tin mà chạy theo nghề khác, tuy vậy ở một khía cạnh nào đó thì vẫn còn những người thích những thứ truyền thống, những thứ đặc biệt như ông. Bởi lẽ khuôn được làm thủ công thì không bị đại trà, hoạ tiết khắc trong khuôn cũng riêng biệt theo từng mẫu. Khi làm bánh bằng khuôn gỗ bánh cho ra lò cũng sẽ sắc nét và đẹp hơn nhiều với những loại khuôn công nghiệp.
Quả thực dù không có quảng cáo hay đề biển to bắt mắt giữa con phố cổ thậm chí có phần nép mình giữa con phố đông đúc tấp nấp các cửa hiệu khách sạn sang trọng, cửa hàng hơn 10 mét vuông của ông cũng không bao giờ vắng khách. Mọi người truyền tay nhau, họ bảo nhau đến với cửa hàng, nên quanh năm ông không lúc nào ngơi tay, nhất là vào những dịp Trung thu hay Tết Nguyên đán. Bên cạnh nghề làm khuôn ông cũng mở rộng làm thêm theo nhu cầu của khách hàng như làm đồ thờ cúng, làm con dấu lưu niệm cho khách nước nài du lịch đến Việt Nam.
Ông Quang đang làm một chiếc bàn thờ khách đặt.
Bí quyết giữ nghề và sống trọn đam mê
Ông Quang chia sẻ để sống với nghề này thì không khó nhưng cái khó là hiểu được rõ nhu cầu của khách hàng để từ đó mình làm ra sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của họ. Ông dí dỏm ví von: “Nghề của tôi cũng giống như sản xuất điện thoại Iphone vậy, hàng năm vẫn phải nghĩ ra sản phẩm mới, thú thật có khi cũng không khác biệt gì nhiều nhưng phải có cách để khách hàng sẵn sàng bỏ tiền ra. Giống như việc bạn đang sở hữu một chiếc Iphone đời cũ vẫn còn dùng được nhưng khi có dòng mới, bạn cũng không ngần ngại đổi lên dòng điện thoại mới ra mắt đó.”
Cách ví von của ông rất hỏm hỉnh và thực tế nhưng quả thực đó chính là bí quyết để giữ nghề và giữ khách của ông Quang. Nài ra ông chia sẻ cũng phải sản xuất ra những sản phẩm chất lượng bởi uy tín trong nghề là rất quan trọng.
Các khuôn bánh Trung Thu cổ truyền dân tộc.
Ông bảo : “Tôi không bao giờ nói thách giá cho người mua nhưng gỗ để làm khuôn phải là gỗ thịt nên giá thành cao. Ai mua được thì tôi bán chứ cũng không bắt ép gì họ được. Mình cứ làm tốt, làm chuẩn thì ắt có đến mua.”
Dù tuổi đã cao song ông Quang vẫn miệt mài, cặm cụi với công việc của mình. Nài những mẫu khuôn gỗ với hình ảnh truyền thống như chữ nho, hoa cúc, cá chép, rồng phượng,..ông cùng làm thêm nhiều mẫu mã mới như mẫu hình Doremon, mẫu khắc tên dành riêng cho mỗi người để làm quà tặng.Việc thường xuyên thay đổi và sáng tạo cũng giúp ông làm mới tay nghề, duy trì được đam mê với làng nghề truyền thống của ông cha.
Trong thời đại công nghệ 4.0 với sự phát triển không ngừng của máy móc và trang thiết bị hiện đại nhưng vẫn còn có những người thợ thủ công như ông Quang góp phần gìn giữ những giá trị truyền thống lâu đời. Nếu biết tận dụng những thứ vốn có đã làm tốt và gìn giữ những nét đẹp này thì dù có dù trải qua bao nhiêu năm nữa đã vẫn còn có những người nghệ nhân đang lan toà hồn cốt quê hương.
Hương Ly
Cùng chuyên mục
Bình luận