Người lính quân giới 40 năm “giữ lửa” nghề may
(Sóng trẻ) - Làm việc bằng đam mê, ít nghĩ đến chuyện hưởng thụ, đối với bác Kiều Vy, mất khách không phải là điều đáng lo, giữ được cái tâm trong nghề mới là điều quan trọng.
Nằm tại đầu phố Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), tiệm may Kiều Vy như lọt thỏm giữa phố xá đông đúc. Quán nhỏ chỉ vỏn vẹn 8m2, giản dị với hai chiếc máy khâu cũ và một chiếc tủ gỗ đã sờn.
Chủ quán là bác Kiều Như Vi, vốn là một người lính quân giới. Sinh ra và lớn lên tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội), sau khi tốt nghiệp lớp 10, bác gia nhập quân ngũ. Công việc bấy giờ của bác là làm nhân viên tại phòng thí nghiệp Hóa, chuyên phân tích nguyên liệu đầu vào của sản xuất vũ khí bộ binh.
Dù ở tuổi 65 nhưng đôi tay bác vẫn thoăn thoắt dặm từng đường kim mũi chỉ
Đến với nghề may như “duyên nghiệp”
Nghề may vốn là công việc đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Đối với người lính quân giới này, nghề may đến với bác như cái “duyên nghiệp”.
Năm 1974, khi còn công tác tại Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đóng quân tại Yên Bái, bác Vy thường xuyên về Hà Nội để công tác. Có ông chú rể làm nghề cắt may trên phố Lương Văn Can, bác hay lui tới thăm. Ban đầu là thích thú với những đường kim, mũi chỉ. Dần dần, bác bắt đầu mang vải về tập cắt theo. Chỉ sau vài ba lần như thế, thao tác của bác đã thuần thục hơn, tới độ, ông chú rể phải thốt lên: “Tao cũng chịu mày Vy ạ! Có người học tao hàng năm trời cũng không làm được như mày”.
Nói về duyên nợ với nghề, bác Vy dí dỏm: “Tôi ăn diện từ khi còn trẻ. Hồi đó, nài thời gian mặc quân phục, tôi ăn mặc rất đẹp. Có lẽ vì thế nên tôi thích cắt may”.
Trở lại quân ngũ, bác thường xuyên đo cắt hộ những người trong cùng đơn vị. Đến năm 1979, khi đã kết hôn, tiền lương trong quân đội không đủ nuôi sống cả gia đình, bác quyết định mở một tiệm may nhỏ ngay tại khu nhà tập thể của đơn vị.
Với niềm đam mê và sự khéo léo, bác nhận được không ít đơn hàng. Bác Vy chia sẻ: “Khoảng 15 năm trong quân ngũ tôi không biết đến giấc ngủ trưa. Tôi chủ yếu làm tranh thủ khoảng trưa, tối và ngày chủ nhật. Vào thập niên 80, một chiếc quần may có giá 5.000 đồng, nhưng lương Thiếu úy bấy giờ chỉ 65.000 đồng/ tháng. Một ngày Chủ nhật tôi làm cật lực từ 6 giờ sáng đến 11 giờ đêm có thể may được 5-6 cái quần”.
Bác vẫn “thủy chung” với chiếc máy đạp chân
Tính đến hiện tại đã gần 40 năm gắn bó với nghề may, bác Vy luôn tâm niệm, một bộ y phục đẹp quyết định bởi chính đường may sắc sảo. Cho nên, dù dáng người ra sao, đường may thẳng đều sẽ giúp tôn lên vẻ đẹp của người mặc.
Vì lý do đó, khi hầu hết các tiệm may đã chuyển sang sử dụng máy khâu công nghiệp, bác vẫn “thủy chung” với chiếc máy đạp chân. Bác cho rằng, chỉ có những chiếc máy chân đạp mới tạo ra những đường may tinh tế, tỉ mỉ.
Sống tốt với nghề dù ở bất kì đâu
Quyết định xin nghỉ hưu sớm, đã có thời kỳ bác mở tiệm may tại Thanh Hóa. Đến năm 2001, bác trở về Hà Nội. Đi qua nhiều nơi, nhưng dù ở bất kì đâu, bác Vy vẫn tự tin mình có thể “sống tốt với nghề”.
Bác Vy lý giải: “Khi làm may tôi luôn tâm niệm bốn điều. Thứ nhất, muốn làm bất cứ nghề gì cũng phải giỏi, bởi khách hàng đến với mình trước hết vì tay nghề. Thứ hai là giá cả phải phù hợp với mức sống. Thứ ba là chữ tín, đã hẹn là phải đúng giờ giấc. Cuối cùng là giao tiếp vui vẻ nhưng vẫn phải có trên có dưới”.
Chính bởi bốn “nguyên tắc vàng” đó khiến bác có một lượng khách quen lớn ở các độ tuổi. Thậm chí, có những người “theo” bác Vy từ những ngày đầu tiên bác trở về Hà Nội.
Bác cũng sẵn sáng hạ giá tiền cho những khách hàng thân thiết – những người bác nhớ tới từng số đo. Đối với những vị khách này, chỉ cần đến quan chọn vải để may cắt chứ ít khi bác cần đo lại.
Tiệm may bác Vy
Điều đặc biệt ở “tay kéo già” này là tài nói chuyện có duyên và rất thu hút người đối điện. Chỉ cần đi lướt qua tiệm may của bác lúc nào cũng thấy rộn tiếng nói cười.
Bác kể: “Tôi có dăm bảy ông bạn già đều từ khách quen mà thành. Ban đầu chỉ là người đến cắt may, sau đó nói chuyện thấy hợp nên cứ lúc rảnh rỗi các ông ấy lại lui tới đây. Ngày nào không gặp nhau là như thấy thiếu thiếu một điểu gì đó”.
Dù con cái đã thành đạt nhưng bác Vy vẫn hăng say với nghề. Với bác, cuộc sống hiện tại tuy không giàu có nhưng lúc nào vui vẻ thoải mái. Bác thỏa mãn với công việc làm đẹp cho đời, làm vui cho người.
May một chiếc quần bác chỉ cần 3 -4 tiếng. Tuy nhiên vào mùa cao điểm, bác Vy sẽ từ chối may nhanh để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Bác chia sẻ: “Tôi không thích có nhiều đơn hàng vì như vậy khiến bản thân không thể tập trung. Hiện tại, công suất làm việc của tôi chỉ bằng 50% giới trẻ. Tuy nhiên tôi tự tin từng đường kim mũi chỉ của mình đẹp và chắc chắn hơn.
Tôi thường dạy con rằng, muốn giàu thì phải làm ông chủ. Thực ra, mức thu nhập của tôi bây giờ chỉ khoảng 4-5 triệu/ tháng. Nhưng tôi làm việc khá thoải mái và tự do vì là ông chủ của chính mình. Tôi luôn cố gắng đặt mình vào vị trí của khách hàng để đem lại những sản phẩm tốt nhất”.
Thúy Nga
Cùng chuyên mục
Bình luận