Người thầy của thể thao người khuyết tật Việt Nam
(Sóng Trẻ)- Thể thao dành cho người khuyết tật Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua có sự phát triển vượt bậc. Có được thành công ấy không thể không kể đến vai trò của Huấn luyện viên Ngô Anh Tuấn - người thầy tận tụy với thể thao dành cho người khuyết tật. Với lòng yêu nghề và biết yêu thương, chia sẻ, những con người kém may mắn đã tìm đến với anh đã lập nên những kỳ tích cho Thể thao Việt Nam…
Duyên nợ với nghề Huấn luyện viên
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề dạy học nhưng Ngô Anh Tuấn lại thi đỗ vào trường Đại học Từ Sơn. Đặc biệt môn toán anh đạt gần điểm tuyệt đối: 9,5/thang điểm 10, thuộc diện sinh viên xuất sắc. Kết thúc 2 năm học các chuyên ngành cơ bản, Tuấn được xếp vào lớp chuyên sâu võ vật. Những năm Tuấn tốt nghiệp ra trường, Thể thao Việt Nam chưa thực sự phát triển, khó có thể xin việc nên Ngô Anh Tuấn lại đi học tiếp khoa Y học dân tộc- Trường ĐH Y Hà Nội, sau đó là Trường Y học dân tộc Tuệ Tĩnh và Bệnh viện Bạch Mai.
Một hôm, tình cờ trên đường về nhà, anh chứng kiến cảnh một cô gái khuyết tật đang loay hoay với chiếc xe lăn để gắng sức đưa xe lên vỉa hè mà không được, phải nhờ vào sự giúp sức của người khác. Lúc ấy Tuấn nghĩ, nếu biết tập luyện rèn sức khỏe, chắc chắn những người khuyết tật ngồi trên xe lăn đều có thể tự mình di chuyển được trên đường, thậm chí tham gia lao động như nhiều người bình thường. Ý nghĩ đó đã thôi thúc anh nộp đơn xin vào làm việc ở Trung tâm thể thao người khuyết tật Khúc Hạo.
Vinh quang với nghề
Với những kiến thức đã học tích lũy trên giảng đường, cộng với khả năng tìm tòi, lòng say nghề, cảm thông với những con người kém may mắn, anh lăn xả vào công việc với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ. Mỗi vận động viên (VĐV) của anh cơ thể đều chẳng ai lành lặn. Mỗi người một hoàn cảnh éo le riêng. Nhưng ở họ có một đặc điểm chung nhất chính là mong được tập luyện thể thao để tự tin hòa nhập với cuộc sống đời thường, xóa bỏ mặc cảm xã hội. Chính vì thế, với mỗi VĐV khỏe mạnh, tập luyện thể thao đã quá vất vả và cực nhọc, phải hy sinh cá nhân…, nhưng với những học trò khuyết tật, vất vả đó còn nhân lên gấp bội phần. Từ những cảm thông đó, Ngô Anh Tuấn đã trở thành một người thầy, một Huấn luyện viên (HLV) số 1 của thể thao người khuyết tật Việt Nam.
Nhiều năm liên tục anh được bầu chọn là HLV tiêu biểu của TTVN. Năm 2008, trong bầu chọn Huấn luyện viên tiêu biểu của thể thao người khuyết tật, anh cũng được bầu chọn ở vị trí số 1. Những tấm bằng khen mà anh được tặng đối với anh là những món quà ý nghĩa của cuộc đời. Điều ấy càng thôi thúc anh cố gắng hơn nữa góp phần đem lại niềm vui cuộc sống cho những số phận người còn thiếu may mắn hơn mình.
Phương châm của anh là giúp người khuyết tật tập luyện thể thao, trước hết giúp họ có sức khỏe tốt để hòa nhập, và hơn nữa có thể tham gia các giải thể thao. Anh được giao cho trọng trách phát triển môn xe lăn cho VĐV của Trung tâm. Anh đã tự xin đi học thêm cử tạ, điền kinh…, được cử tham gia các khóa học ngắn hạn về chuyên môn ở Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… Thời gian đầu VĐV tập luyện, trung tâm ít kinh phí, anh xoay ra tự mày mò, sử dụng những linh kiện cũ của các loại xe, chế tạo lại thành xe tập cải tiến cho VĐV.
Những giai đoạn đầu vất vả ấy qua đi. Nhiều người trong xã hội đã ít nhiều quan tâm đến thể thao người khuyết tật. Thầy trò HLV Ngô Anh Tuấn cũng đã dần khẳng định được tài năng của mình khi tham gia ở nhiều giải thể thao người khuyết tật quốc tế. Những thành công ở các kỳ ASEAN Para Games của các VĐV, đặc biệt là dấu ấn tại Đại hội năm 2003 trên sân nhà đã đưa thể thao người khuyết tật lên tầm cao mới. Những tên tuổi như Trương Công Hưng, Nguyệt Ánh, Nhữ Thị Khoa … để lại ấn tượng trong lòng người hâm mộ.
Tại Đại hội Thể thao Người khuyết tật khu vực châu Á - Thái Bình Dương (FESPIC Games) lần thứ 9, trong số 14 VĐV điền kinh của Hà Nội, chỉ có 3 VĐV xe lăn nam là chưa giành được huy chương. Các VĐV điền kinh là Đào Văn Cường, Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Đình Hưởng đã toả sáng tại đấu trường FESPIC khi họ mang về những tấm HCV quý giá, góp phần vào thành công nài mong đợi của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam.
Hạnh phúc của học trò cũng là hạnh phúc của HLV Ngô Anh Tuấn. Năm 2008 cũng là một năm thành công vượt bậc của thể thao người khuyết tật Việt Nam. Việt Nam có tới 4/8 VĐV tham dự Paralympic Bắc kinh có thành tích vươn lên xếp thứ tư chung cuộc. Nếu được đầu tư tập huấn kỹ lưỡng hơn, rất có thể những VĐV ấy sẽ tỏa sáng giành huy chương Olympic.
Gần 20 năm gắn bó với nghề, vinh quang đem lại cũng không ít nhưng giờ đây, HLV điền kinh Ngô Anh Tuấn vẫn trăn trở khát vọng mong muốn phong trào thể thao người khuyết tật phát triển tốt hơn nữa, đặc biệt là cơ sở vật chất, chế độ tập luyện dành cho vận động viên được. Với khả năng và tâm huyết sẵn có của mình, HLV Ngô Anh Tuấn chắc chắn sẽ còn đem đến cho thể thao người khuyết tật Việt Nam nhiều thành tích đáng khâm phục hơn nữa.
Quỳnh Anh