Người trẻ Việt tiên phong mở đường trong lĩnh vực khoa học công nghệ
(Sóng trẻ) - Sáng 25/11, Trang tin điện tử Sóng trẻ tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Người trẻ Việt tiên phong mở đường trong lĩnh vực khoa học - công nghệ”.
Với tinh thần cầu thị, người trẻ Việt không ngừng mở ra những cơ hội tiềm năng lớn cho sự phát triển của nước nhà. Đặc biệt, những người trẻ đang thể hiện sự "xuất chúng thế hệ" trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học - công nghệ, góp phần không nhỏ vào sự phát triển nhanh và bền vững của đại đa số doanh nghiệp trên cả nước.
Để hiểu rõ hơn về những cơ hội, thách thức cũng như kinh nghiệm của những người đi trước, Ban biên tập Sóng trẻ tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Người trẻ Việt tiên phong mở đường trong lĩnh vực khoa học - công nghệ”.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của hai vị khách mời: Tiến sĩ Chu Đức Hà - Giảng viên khoa Công nghệ Nông nghiệp, trường Đại học Công nghệ, Đại Học Quốc Gia Hà Nội, Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2022 và Anh Nguyễn Ngọc Anh - CEO của Công ty TNHH Nghiên cứu và Phát triển công nghệ YITEC. Với niềm đam mê và kiến thức chuyên môn, hai vị khách mời mang đến nhiều chia sẻ thú vị, bài học kinh nghiệm khi là một trong những người trẻ tiên phong trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, những bài học kinh nghiệm sâu sắc, mang lại giá trị ứng dụng trong nhiều khía cạnh của đời số
Theo hai khách mời, “tiên phong” được định nghĩa như thế nào?
Tiến sĩ Chu Đức Hà: Tiên phong chính là bơi ra biển lớn. Tiên phong không phải là chuyện dẫn đầu lĩnh vực mà là chúng ta cần phải đủ sức đủ lực bơi ra biển lớn, khám phá những điều mới mẻ để có trải nghiệm tốt nhất.
CEO Nguyễn Ngọc Anh: Người tiên phong đôi khi không cần phải người là dẫn đầu mà là người sẵn sàng đi đầu trong một lĩnh vực nào đó khi người khác chưa dám làm. Hoặc đôi khi chúng ta không phải là người dẫn đầu trong lĩnh vực ấy nhưng lại là những người dám cất những bước đi đầu tiên cho những người khác có thể học tập.
Cơ hội tiếp cận công nghệ của người trẻ bị tác động như thế nào?
Tiến sĩ Chu Đức Hà: Theo tôi, trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay thì người trẻ vừa có những lợi thế, vừa có những thách thức nhất định. Chính vì vậy, là một người trẻ thì chúng ta cần có sự kế thừa và phát triển. Bên cạnh đó, chúng ta cần có chỗ đứng riêng để không phụ thuộc vào những người xung quanh. Thực tế cho thấy, nếu thế hệ trẻ không thích nghi thì rất dễ bị sa ngã vào sự phát triển lớn mạnh của công nghệ.
Tôi nhận thấy rằng người trẻ hiện nay có rất nhiều kinh nghiệm trong việc nhìn nhận vấn đề. Họ hoàn toàn có thể giải quyết trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị nông sản. Nếu chỉ áp dụng trong nghiên cứu thì thị trường và chất lượng sản phẩm sẽ không đạt tiêu chuẩn. Nếu người trẻ biết kết hợp giữa các kinh nghiệm của mình thì hoàn toàn có thể sánh ngang với các nhà khoa học trên thế giới.
CEO Nguyễn Ngọc Anh:Thời đại nay có rất nhiều cơ hội, ví dụ như nói mô hình ngôn ngữ lớn Chat GPT, đó là bước tiến lớn của nhân loại. Người dùng có thể đặt bất kì câu hỏi nào cho Chat GPT. Khi OpenAI cho phép người dùng ở Việt Nam được đăng ký tạo tài khoản và sử dụng thì đây là một cơ hội rất lớn.
Nếu như ai có tầm nhìn, có ý thức sử dụng các phần mềm công nghệ như vậy thì sẽ có cơ hội nâng cao năng suất. Tuy nhiên, cũng không nên quá phụ thuộc vì mô hình ngôn ngữ đó chưa được chuyên môn hoá về khu vực Việt Nam,các câu hỏi liên quan đến địa lý hay sự kiện lịch sử vẫn đưa ra thông tin sai lệch. Chúng ta vẫn cần một bước tiến nữa để làm chủ công nghệ này và đưa nó về phù hợp cho người Việt Nam sử dụng.
Năng lực và phẩm chất của thế hệ trẻ hiện nay có những yếu tố gì nổi bật, trở thành điểm mạnh hay điểm bất lợi của người trẻ trong con đường tiên phong, mở lối công nghệ?
Tiến sĩ Chu Đức Hà: Các bạn trẻ hiện nay có rất nhiều cơ hội để tiếp cận đến những điều kiện tốt nhất. Từ đó, người trẻ mới có thể giao thoa giữa nền văn hóa và học thuật không chỉ nước ngoài mà còn là trong nước. Chính vì vậy, người trẻ chúng ta muốn làm tốt điều này thì cần có trong mình khái niệm “Networking”. Đây là khái niệm tạo thành nhóm để tham gia hội nghị, hội thảo. Từ đó để bày tỏ mong muốn và sự hiểu biết của bản thân với giáo sư hoặc giảng viên trên giảng đường.
Tuy nhiên thì các bạn trẻ ngày nay vẫn thiếu tinh thần cầu thị. Đặc biệt là sự lì trong suy nghĩ ví dụ như lì kiên nhẫn, trong làm khoa học hoặc những công việc lặp đi lặp lại hằng ngày. Tôi nhận thấy rằng, với thời đại khoa học công nghệ 4.0 hiện nay thì bạn trẻ cần phải cải thiện độ lì đó. Nếu ai cũng muốn tiên phong ra biển lớn thì ai mới là người làm ở ao ở vũng? Chính vì vậy, chúng ta cần xây dựng hệ sinh thái cho mình. Từ đó để làm việc chăm chỉ, hết sức và tạo ra cơ hội mới trong cuộc sống.
CEO Nguyễn Ngọc Anh: Ngày nay chúng ta thường nghe đến những thuật ngữ như là “Think outside the box” tức là suy nghĩ bên ngoài cái hộp, giới trẻ ngày nay được tiếp thu với nhiều thông tin, kiến thức, chính vì thế mà họ tự tạo cho mình sự tự tin và một nền tảng để có thể thoải mái đưa ra những nhận thức và kiến thức của mình. Đó là điểm rất mạnh của giới trẻ, dám nghĩ, dám làm và dám lên tiếng.
Tuy nhiên, đây cũng là điểm yếu của người trẻ khi quá tự tin vào bản thân, muốn suy nghĩ độc lập nên chưa có những kỹ năng mềm để xử lý tốt vấn đề. Vậy nên người trẻ nên biết cách kết hợp hài hoà giữa việc bày tỏ sự tự tin, sáng tạo của bản thân với việc giao tiếp, ứng xử phù hợp..
Hai khách mời đánh giá như thế nào về những thuận lợi mà chính sách đem lại cho người những người trẻ khi tham gia vào môi trường nghiên cứu khoa học - công nghệ hiện nay?
Tiến sĩ Chu Đức Hà: Thuận lợi theo từ sự khích lệ, động viên người trẻ. Các cấp cơ sở, đoàn trường, trung ương đoàn đã tạo ra nhiều sân chơi lớn mạnh để giúp các bạn cùng nhau nghiên cứu, hiểu biết hơn về lĩnh vực khoa học công nghệ. Đồng thời, nhà trường, cơ sở còn tiếp cận xu hướng mới của Trung tâm Phát triển KHCN, các diễn đàn, mạng lưới, nhóm nghiên cứu; các triển lãm về AI, các cuộc thi khởi nghiệp… Từ đó để nâng cao trải nghiệm cho sinh viên và thế hệ trẻ hiện nay.
Đây đều là những cơ hội tuyệt vời cho các bạn sinh viên trong thời đại công nghệ 4.0. Hoàn thiện kỹ năng mềm để từng bước phát triển bản thân chính là điều mà tôi nghĩ mỗi bản trẻ cần hướng tới. Từ đó để có thể trưởng thành hơn trong con đường sau này.
CEO Nguyễn Ngọc Anh: Hiện nay, tại Việt Nam, có rất nhiều các cuộc thi khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, các toạ đàm, dự án, câu lạc bộ giúp các bạn trẻ thoả sức sáng tạo với niềm đam mê của mình. Nhờ vậy nhiều bạn đã có công trình khoa học từ khi còn đang học trên ghế nhà trường. Đây chính là sự động viên, hỗ trợ từ nhà nước cho các bạn trẻ. Ngoài ra tôi thấy rằng, nếu nước ta có thể mời thêm nhiều chuyên gia nước ngoài về hướng dẫn thì sẽ tạo nhiều động lực hơn cho các bạn trẻ khác dám tiên phong mở đường trong lĩnh vực khoa học công nghệ này.
Theo CEO Nguyễn Ngọc Anh, người trẻ cần phải có phẩm chất gì để có thể trở thành người tiên phong?
CEO Nguyễn Ngọc Anh: Nhiều bạn trẻ ngày nay dám nghĩ-dám làm, đây là điều đáng quý bởi nếu chúng ta không dám vượt qua giới hạn, sẽ không thể phát triển được và. Bên cạnh đó, người trẻ cần có tinh thần học hỏi, chủ động cầu tiến, sẵn sàng lắng nghe, chắt lọc thông tin đúng đắn. Có những bạn trẻ rất hăng hái sáng tạo nhưng cũng có những bạn sống ngày này qua ngày khác mà không có mục đích.
Điều đáng buồn là có những bạn sinh viên chạy grab làm thêm rồi bảo rằng ‘thà chạy Grab kiếm 20 triệu còn hơn làm tiến sĩ một tháng lương 6 triệu’. Thế nhưng 10 năm nữa,vị tiến sĩ có thể đã trở thành chuyên gia cố vấn của một tập đoàn nào đó với thu nhập hàng nghìn đô/giờ, trong khi anh Grab vẫn chỉ chạy xe ôm. Tư duy không sẵn sàng cải thiện bản thân tạo ra một thế hệ trẻ mãi mãi ở vùng an toàn. Bởi vậy, người trẻ cần có tầm nhìn xa và luôn chú tâm học hỏi. Đừng nhìn những người xung quanh giỏi hơn để rồi chúng ta cứ ở mãi vị trí đó. Hãy có trách nhiệm với chính bản thân mình cũng như những người thân xung quanh.
Với tư cách là những người trẻ đã có khởi đầu thành công trong con đường, cần có những cơ chế như thế nào để khơi nguồn sáng tạo trong người trẻ và hình thành một lực lượng nhà khoa học trẻ ở nước ta?
Tiến sĩ Chu Đức Hà: Khả năng tiếp cận công nghệ của các bạn sinh viên ngày nay rất tuyệt vời. Tuy nhiên, học sinh sinh viên đã bị trì hoãn do dịch Covid 19 kéo dài nặng nề trong vòng 2 năm. Đây cũng là một trong những nhược điểm và bất lợi của học sinh sinh viên trong thời gian vừa qua. Chính vì những khó khăn này thì hầu hết các bạn sinh viên đều bị hụt hẫng về kỹ năng và kiến thức. Thực tế thì việc học online sẽ không hiệu quả, nhiều em không thực sự chú ý và để tâm đến bài giảng. Do đó, chúng ta cần đến sự quan tâm từ nhà trường, gắn kết từ các phụ huynh, tạo nhiều đề tài, các sân chơi lành mạnh như khởi nghiệp, nghiên khoa học. Đây cũng là nguồn động viên, khích lệ rất lớn cho các bạn học sinh sinh viên. Đồng thời, những yếu tố này còn tạo nên một hệ sinh thái an toàn và lành mạnh.
Tiến sĩ Chu Đức Hà có rất nhiều nghiên cứu liên quan đến ứng dụng khoa học - công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp. Anh có thể chia sẻ cho quý vị khán giả về hành trình anh đã ứng dụng công nghệ để khám phá những điều mới như thế nào?
Tiến sĩ Chu Đức Hà: Ngành nông nghiệp là một trong những ngành bị tổn thương bởi nhiều yếu tố. Chỉ có công nghệ mới mang lại được giá trị, nâng tầm sản phẩm nông sản. Bản thân tôi đã có khoảng 200 công bố khoa học và tôi tâm đắc nhất với đề tài “Cần nhận diện và cảnh báo sớm sâu bệnh hại”, từ đó để thấy được công nghệ quan trọng như thế nào với tình hình nông nghiệp hiện tại. Chúng ta phải đứng trên góc độ là người nông dân, người tiêu dùng để tạo ra những thứ xã hội thực sự cần chứ không thể tạo ra giá trị nhân tạo mà bắt xã hội phải dùng.
Theo Tiến sĩ Chu Đức Hà, một người trẻ muốn trở thành người tiên phong trong khoa học công nghệ sẽ phải bắt đầu với lộ trình như thế nào?
Tiến sĩ Chu Đức Hà: Để tạo thành người tiên phong mẫu mực tôi nghĩ rằng định hướng học tập từ cấp 3 lên tới đại học là yếu tố giúp ta bắt đầu đi sâu vào nghiên cứu, học tập. Tại các trường đại học, các cấp độ nghiên cứu khoa học thực sự rất lớn mạnh. Nếu có đam mê ngay từ thời cấp 3 lên đại học thì sẽ tạo ra một lộ trình hoàn hảo. Ở Việt Nam, người trẻ thường có xu hướng bị áp lực bởi nền tảng. Để có lộ trình cho người trẻ tiên phong thì phải chịu được áp lực của câu chuyện tiền bạc. Như vậy thì mới toàn tâm toàn ý để thực hiện nghiên cứu khoa học. Đặc biệt gặp người thầy tốt, bạn hiền cũng là câu chuyện quan trọng trong lộ trình này. Quan trọng là cần có chỗ đứng nhất định trong lĩnh vực này để độc lập hơn. Từ đó để tìm ra được hướng mới mẻ và giải quyết các bài toán khó.
Từ góc độ kinh nghiệm cá nhân, Tiến sĩ Chu Đức Hà có thể chia sẻ về những rào cản, vấp váp mà một người trẻ chắc chắn sẽ phải đối mặt khi dấn thân vào con đường này?
Tiến sĩ Chu Đức Hà: Hiện nay, sinh viên đang gặp phải tình trạng “Bẫy thu nhập thấp”. Các bạn sinh viên đang ở mức dưới an toàn. Bản thân tôi là 1 cán bộ đoàn thì để bước ra khỏi vùng an toàn thì cần phải tạo ra môi trường tốt, tạo ra một hệ sinh thái tốt nhất cho các bạn sinh viên. Cần tạo cho các bạn sinh viên sự hứng khởi để có động lực nghiên cứu. Cần nỗ lực từ chính các thầy cô, các tiến sĩ và chính bản thân sinh viên. Tạo cho sinh viên sự hứng khởi để nhón chân ra khỏi vùng an toàn.
Trong khía cạnh công nghệ phần mềm, hiện nay hàng ngàn startup mọc lên như nấm, nhưng chỉ sau một vài năm thì không thể trụ lại được. CEO Ngọc Anh đã chuẩn bị tâm thế như thế nào để đối mặt với sự cạnh tranh lớn đó trong hiện tại và tương lai?
CEO Nguyễn Ngọc Anh: Chắc hẳn nhiều bạn trẻ có tâm lý sợ hãi hay e ngại khi chứng kiến nhiều người trẻ, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã thất bại. Chính bản thân tôi cũng đã từng có những suy nghĩ như vậy. Ngày trước, chúng tôi cũng chạy theo các công ty, tập đoàn lớn. Thấy FPT, CMC làm gì thì chúng tôi làm theo như thế. Nhưng rồi chúng tôi nhận ra rằng nếu được lựa chọn, khách hàng chắc chắn sẽ chọn tập đoàn, công ty lớn nhiều nhân sự để giúp họ cảm thấy yên tâm hơn. Thế là sau đó chúng tôi tự tìm ra được lợi thế của mình để cạnh tranh với những doanh nghiệp khác.
Hơn nữa, thay vì có tâm lý “thích gì làm nấy” thì chúng ta phải trang bị cho mình những kiến thức; tìm hiểu tâm lý và nhu cầu khách hàng, phải hiểu được khách hàng muốn gì, cần gì. Bên cạnh đó, phải chuẩn bị nguồn lực tốt, rõ ràng không có nguồn lực thì không thể phát triển tốt các dịch vụ của mình.
Những cơ hội và nguồn hỗ trợ mà giới trẻ Việt có thể tận dụng để phát triển sự nghiệp ứng dụng kỹ thuật công nghệ vào nền công nghiệp?
Tiến sĩ Chu Đức Hà: Bản thân tôi dưới góc độ nhà trường thì việc tham gia CLB, các nhóm nghiên cứu cũng chính là nguồn hỗ trợ tốt nhất. Không chỉ là về mặt tinh thần mà còn cả vật chất của các thầy cô và phía nhà trường. Tuy nhiên, chúng ta muốn làm tốt thì cần phải xứng tầm, phù hợp với môi trường học tập của mình. Hãy tham gia từ những gì nhỏ nhất để trau dồi bản thân.
Sau khi ra trường, khi đầy đủ kiến thức, nền tảng, kỹ năng thì chắc chắn sẽ có rất nhiều cơ hội. Thực tế thì yếu tố cốt lõi để khởi nghiệp thành công đó là công nghệ. Tuy nhiên cần có đầy đủ kiến thức mới có thể giải được bài toán về công nghệ. Chính vì vậy, cần trau dồi kiến thức, kỹ năng và đủ hành trang để có được nhiều cơ hội.
Trong bối cảnh cắt giảm nhân sự hiện tại, có quan ngại gì về cách mà AI sẽ định hình thị trường lao động, từ người lao động trình độ thấp đến cao trong tương lai? Lời khuyên dành cho các bạn trẻ để tăng lợi thế cạnh tranh khi mới tốt nghiệp đại học.
CEO Nguyễn Ngọc Anh: Hiện nay, AI đã dần thay thế những công việc cơ bản lặp đi lặp lại của nhân sự. Đứng về phía doanh nghiệp, ta có thể thấy sử dụng AI cho các nghiệp vụ tiếp cận khách hàng rõ ràng là tiết kiệm chi phí hơn so với nhân lực con người. Nhất là khi một sản phẩm AI có thể được lập trình để xử lý nhiều công việc hay nói chuyện với nhiều khách hàng một lúc, 24/7 mà không phải chờ đợi.
Do đó, để có lợi thế cạnh tranh trước tình hình cắt giảm nhân sự như hiện nay, người lao động trẻ phải thực sự hiểu những ứng dụng công nghệ đó có thể làm được gì. Điểm yếu của chúng là gì, và liệu mình có thể khắc phục được những điểm yếu đó không. Chẳng hạn, Chatbot cho doanh nghiệp có thể hiểu và giao tiếp vô cùng tự nhiên với khách hàng. Tuy nhiên, với tiếng Việt vốn mang nặng tính ngữ cảnh, Chatbot hầu như không xử lý được một số trường hợp phức tạp, lúc đó sẽ cần đến sự can thiệp của nhân sự con người.
Vì thời lượng có hạn nên Tiến sĩ Chu Đức Hà và CEO Nguyễn Ngọc Anh chưa thể trả lời hết câu hỏi của độc giả trong buổi tọa đàm. Ban biên tập sẽ tổng hợp câu hỏi của quý độc giả và gửi tới 2 vị khách mời để có thể giải đáp cho quý độc giả vào thời gian tới.
Độc giả có thể đặt câu hỏi cho Tiến sĩ Chu Đức Hà và CEO Nguyễn Ngọc Anh qua hòm thư: https://s.net.vn/UkdQ hoặc gửi câu hỏi qua email [email protected]