Người trồng đào Nhật Tân tất bật tuốt lá chuẩn bị cho Tết Quý Mão
(Sóng trẻ) - Thời điểm này, các làng trồng đào Hà Nội bắt đầu vào vụ tuốt lá, chuẩn bị cho công đoạn nuôi mắt, cho đào ra nụ để sẵn sàng cho dịp Tết Nguyên đán Quý Mão sắp tới.
Cứ đến khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 âm lịch là thời điểm các làng trồng đào Hà Nội bắt đầu vào vụ tuốt lá, chuẩn bị cho công đoạn nuôi mắt, cho đào ra nụ để sẵn sàng cho dịp Tết.
Năm nay, mặc dù thời tiết tại Hà Nội khá rét, nhiệt độ ngoài trời khoảng 15℃, nhưng tại “thủ phủ” đào Nhật Tân, người người, nhà nhà đều đang hối hả tuốt lá, gấp rút với những công đoạn chăm sóc cuối, làm sao để có được những cây đào, cành đào ra hoa đẹp nhất chuẩn bị cho những ngày Tết đang tới gần.
Anh Nguyễn Văn Chiến (37 tuổi), chủ một vườn đào tại Nhật Tân cho biết, những cây đào được đặt trong chậu, lá thường vàng hơn so với trồng dưới đất, nên việc tuốt lá thường dễ dàng hơn.
“Đào hạt có thời gian dài ngày hơn nên thường tuốt lá vào khoảng từ 15 – 25 tháng 10 âm lịch. Đào bích thời gian ngắn ngày hơn thường tuốt vào khoảng từ 5 – 10 tháng 11 âm lịch. Ngoài ra, cũng tùy vào từng loại cây, những cây già yếu thời gian tuốt lá chậm hơn so với những cây to khỏe”, anh Chiến nói.
Có gần 5 năm kinh nghiệm trong việc này, chị Ngọc Mai (37 tuổi, quê Sóc Sơn), người làm thuê tại vườn đào cho hay: “Trung bình một ngày tôi tuốt được khoảng 10 cây đào với tiền công 350.000 đồng/ngày. Tùy vào cây lớn hay cây nhỏ mà thời gian tuốt dài hay ít”.
Đa phần người dân tại đây cho biết, năm nay thời tiết rất khó đoán, rét muộn nên từ giờ Tết cần phải có thêm 4 đợt gió mùa đông bắc và thời tiết lạnh dưới 15 độ thì tới Tết đào mới cho ra hoa đẹp được.
“Thời tiết và bàn tay con người là yếu tố tác động để hoa nở. Vì vậy, ở thời điểm gấp rút này, chúng tôi thường tính toán rất chi tiết và kỹ càng để hoa nở đúng dịp, mong cho mùa vụ thành công để bù đắp công sức chăm sóc suốt cả năm” - bà Chu Thị Hòa (Nhật Tân) cho hay.
Bên cạnh tuốt lá, tỉa cành, chăm sóc cho mùa vụ năm nay, thời điểm này cũng là lúc người làm hoa còn đánh gốc, lên luống, tính toán cho dịp Tết năm sau nữa.