Người trồng hoa vất vả làm đẹp cho đời
(Sóng Trẻ) - Mới chuyển từ trồng dưa lê sang hoa màu được hơn hai mươi năm, Tây Tựu đã trở thành “vựa hoa” của cả thành phố Hà Nội và khu vực miền Bắc. Nghề trồng hoa phát triển nhanh chóng và trở thành nguồn thu nhập chính của bà con. Tuy nhiên, để trồng được những đóa hoa làm đẹp cho đời, người trồng hoa phải vất vả vô cùng.
Bão đến là mất ăn mất ngủ
Tháng 11 là tháng thích hợp để trồng ly thu hoạch đúng dịp Tết nguyên đán. Theo nhận định của người dân trong vùng, số lượng ly năm nay người dân Tây Tựu trồng rất lớn, tổng trị giá lên đến cả nghìn tỉ đồng.
Mỗi gốc ly nhập về đã dao động từ 18 -25.000 đồng/ gốc, chưa tính chi phí làm giàn chống, phủ lưới, phân bón, điện thắp đêm và cả công trông vườn của người dân. Phấp phỏm trước những cơn bão mùa lũ, hàng trăm hộ gia đình “ăn không nn, làm không yên”.
Vườn ly được che chắn kĩ lưỡng
Vườn hoa đồng tiền cũng được sang sửa và bảo vệ
Anh Nguyễn Tự Vinh, 28 tuổi, sống tại thôn Hạ, Tây Tựu lo lắng chia sẻ: “Tiền gốc gia đình anh bỏ ra đã lên đến 300 triệu, chưa tính các chi phí khác như phân bón, lưới che, giàn tre… Nếu bão về mạnh, gây lụt như hồi năm 2008, thì gia đình anh mất trắng. Ban ngày anh phải đi cắt hoa hồng về trước, rồi cả đêm không dám ngủ mà phải ra ruộng xem ly như thế nào, lỡ có ngập úng thì phải đắp bờ và máy nước ra nài, không thì chết”.
Vợ chồng anh Vinh chở hoa hồng thu hoạch trước bão về
Năm 2008, hẳn người dân Hà Nội chưa quên được trận ngập lụt nặng nề vào tháng 11. Cả thủ đô Hà Nội, trong đó có Tây Tựu ngập tràn trong bể nước. Đó là năm bà con nơi đây phải đi “vớt hoa” nhưng số hoa sống sót được chẳng đáng là bao. Hầu hết các ruộng hoa bị ngập cao và mất trắng. Nước rút, cũng là lúc những cánh đồng hoa ngút ngàn trở thành những bãi đất trống với ngổn ngang xác hoa màu đã héo chết.
Trận bão Haiyan lần này may mắn thay không gây ảnh hưởng nhiều tới người trồng hoa nơi đây. Anh Nguyễn Tự Quyết, Bí thư Đoàn xã Tây Tựu trên đường ra thăm ruộng của bà con không cầm được xúc động: “May mà trời thương cho bão qua nhanh cho dân năm nay no đủ, chứ không trời mà gieo họa cho dân thì Tây Tựu năm nay thiệt hại quá nhiều”.
Người trồng hoa thu hoạch trúng vụ hay không phần nhiều là dựa vào thời tiết. Hầu hết các hộ gia đình ở Tây Tựu năm nay đều bỏ hết tiền vốn vào trồng ly, có hộ trồng đến 4 mẫu ruộng (1.6188 ha), số vốn bỏ ra tương đương 4 đến 5 tỉ đồng.
Nhọc nhằn đôi bàn tay
Nỗi nhọc nhằn của người làm nông là “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” cả ngày cả đêm, cả mưa cả nắng. Thời tiết thay đổi thất thường là sâu bệnh hoành hành, cỏ dại được dịp mọc nhan nhản, nhặt xong đợt cỏ này thì cũng là lúc đợt cỏ kia tiếp tục mọc lên.
Nắng nóng là mùa của sâu bệnh, ẩm ướt là của của cỏ dại, rét buốt là mùa cây kém phát triển… Khô hạn thì thiếu nước tưới, mưa bão thì lo lối thoát nước cho hoa. Theo vòng tuần hoàn của năm mà những khó khăn cứ nối nhau làm khó người trồng hoa. Gian nan có, khó khăn có, mất mát có nhưng không ai ở nơi đây nghĩ sẽ bỏ nghề trồng hoa.
Chị Phương (27 tuổi, Thôn Hạ, Từ Liêm, Hà Nội) tâm sự đó là sự nghiệp và là tâm huyết của người làm hoa. Có khó, có vất vả mới biết quí trọng và cố gắng mà phát triển. “Nhiều khi thấy hoa bị bệnh mà xót, mà thương lắm. Nhọc thì có nhọc thật, nhưng khổ nỗi chị lại yêu nghề quá”. Chị cười lớn và xòe đôi tay đầy vết xước gai: “Đây, đây là minh chứng của lòng yêu nghề của chị đấy, làm hoa bao lâu nay cũng thành quen, không đau nữa, mà lại trở thành nét riêng”.
Đôi bàn tay đầy vết xước và sẹo gai hoa hồng của chị Phương
Những con người “làm hương làm hoa” cho đời cống hiến cả bữa ăn, giấc ngủ vào hoa. Hoa không chỉ còn là vật chất mà còn là thứ giành lấy bao nỗi lo lắng nhọc nhằm của người dân Tây Tựu.
Mỗi lần bão qua là một lần được thở phào, mỗi lần thu hoạch là một lần niềm vui hiện ra, mỗi năm qua đi là khó khăn lại nối vòng khó khăn nhưng dường như đó cũng là lúc bắt đầu của một ngày mùa mới.
Nguyễn Thị Kim Anh
Báo in K31 A2
Cùng chuyên mục
Bình luận