Người Việt xa xứ hướng về quê hương dịp lễ 30/4
(Sóng trẻ) - Hòa chung không khí toàn dân tộc hướng về ngày kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, không ít những người Việt ở nơi xa xứ đều đang hướng về quê hương của mình theo những cách riêng.
Vũ Hương Giang (22 tuổi), sinh viên Việt Nam đang học tập tại Bắc Kinh, đã chia sẻ về những hoạt động hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của cộng đồng du học sinh tại đây. “Chúng tôi thường tụ tập lại, xem những video lịch sử về ngày 30/4 và kể cho nhau nghe về những kỷ niệm ở Việt Nam. Dù xa nhà, những khoảnh khắc ấy giúp chúng tôi cảm thấy gần gũi với quê hương hơn” Hương Giang tâm sự.
Không chỉ dừng lại ở những buổi gặp gỡ, tinh thần hướng về Tổ quốc của Hương Giang và cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Bắc Kinh còn được thể hiện một cách đầy tự hào trên sân khấu quốc tế. Lễ hội văn hóa đa quốc gia tại trường Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh vừa qua đã trở thành một cơ hội tốt để giới thiệu những nét đẹp văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Trong tà áo dài duyên dáng, Hương Giang cùng các bạn đã mang đến những tiết mục văn nghệ đặc sắc để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè năm châu. "Lúc đó, trong lòng mình trào dâng một cảm xúc khó tả, vừa tự hào, vừa xúc động," Hương Giang nhớ lại.

Theo dõi thông tin từ quê nhà qua các nền tảng mạng xã hội, Hương Giang đặc biệt ấn tượng với những lời kể của một cựu chiến binh được đăng tải trên nền tảng TikTok: “Thế hệ của chúng tôi cần phải có huân chương chiến đấu đấu. Nhưng tôi mong là thế hệ ngày nay không bao giờ phải đeo huân chương chiến đấu, chỉ đeo huân chương bảo vệ thôi”.
Dù không thể trực tiếp hòa mình vào không khí lễ hội tại Việt Nam, Hương Giang và những người bạn của mình vẫn chủ động tìm kiếm những phương thức kết nối và bày tỏ tình yêu đối với quê hương. Những dòng trạng thái đầy tự hào, những hình ảnh tươi đẹp về Việt Nam được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội cá nhân của họ, cùng với tà áo dài thướt tha duyên dáng xuất hiện trong khuôn viên Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh, đã trở thành những "đại sứ văn hóa" thầm lặng mà hiệu quả, lan tỏa niềm tự hào về một đất nước Việt Nam tươi đẹp và kiên cường đến bạn bè quốc tế.
Đồng cảm xúc với bạn Hương Giang, bạn Cao Quốc Khánh đang là du học sinh Hàn Quốc cũng có những nỗi niềm hướng về quê nhà: “Dịp 30/4 năm nay đánh dấu 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng là lần đầu tiên tôi đón ngày lễ trọng đại này ở một nơi đất khách quê người. Khi không khí ở quê nhà đang rộn ràng kỷ niệm, tôi lại cảm nhận rõ hơn nỗi nhớ gia đình, bạn bè và quê hương”.

Khánh chia sẻ thêm, thấy quê nhà tưng bừng cờ hoa, anh chỉ biết ngóng nhìn qua hình ảnh, video trên mạng xã hội và lòng đầy bồn chồn. Vì vậy, Quốc Khánh đã rủ những người bạn của mình tìm đến những quán cà phê, quán ăn của người Việt. Tại đây, những người dân Việt Nam lao động nơi xứ người cũng hưởng ứng dịp lễ bằng việc treo cờ đỏ rực rỡ như một góc quê giữa lòng xứ lạ. Mỗi lần như vậy, Khánh lại nhoi nhói, tiếc vì không thể hòa mình vào không khí rộn ràng ở Việt Nam.
Ngoài các bạn trẻ đang du học tại nước ngoài, chị Nguyễn Thị Thơ (43 tuổi) đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản cũng không giấu được sự hạnh phúc và tự hào khi hướng về đất nước Việt Nam dịp lễ 30/4 này. Chị cho biết chị đã xem qua Facebook và thấy được hình ảnh đang xuất hiện rất nhiều hiện nay là hình ảnh các khối đi diễu binh trong buổi tổng duyệt. Đặc biệt, khi các khối diễu binh tiến qua, người dân đứng hai bên đường đều toát trên gương mặt sự hào hứng và phấn khởi đồng loạt vỗ tay, hò reo.

Chị Thơ ngậm ngùi chia sẻ: “Tôi ở Nhật tính đến nay là 3 năm, nhưng năm nay tôi mới thật sự cảm nhận được tinh thần của ngày 30/4 đến từ đồng bào dân tộc mình. Tôi rất tự hào và kiêu hãnh khi kể các sự kiện mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Việt Nam cho các bạn bè ở bên đây nghe. Họ lắng nghe rất chăm chú và bày tỏ rất nhiều sự yêu mến với đất nước mình”.
Xa quê không có nghĩa là xa rời lịch sử. Với nhiều người Việt ở nước ngoài, ngày 30/4 vẫn luôn là dịp để nhắc mình rằng, dù đi đâu, trở về đâu, thì trong mỗi câu chuyện, mỗi ký ức, Việt Nam vẫn ở đó – một phần không thể tách rời.