Nguy hiểm đồ ăn vặt trước cổng trường học
(Sóng trẻ) - Đi liền với các ngôi trường từ tiểu học tới phổ thông là hình ảnh của các hàng, quán bán “quà vặt”, những món đồ ăn sẵn đủ loại từ nước uống đến bánh kẹo, snack… hoàn toàn không xác định được nơi sản xuất. Chúng đến từ những nơi có địa chỉ mập mờ không rõ là từ trong nước sản xuất hay nhập khẩu từ Trung Quốc, thậm chí là không có cả nhãn mác.
Các hàng quán bán quà vặt thì xuất hiện nhan nhản xung quanh khu vực các trường học, tất nhiên phục vụ chủ yếu cho các đối tượng là học sinh. Dạo qua các trường Nghĩa Tân, Dịch Vọng A, Trung Hòa … dễ dàng nhận thấy trước mỗi cổng trường có ít nhất 5 - 6 quán quà vặt vỉa hè.
Hàng hóa ngập tràn, giá rẻ như bèo
Hàng hóa bán tại các sạp hàng kiểu này thì đa dạng vô cùng: đồ chơi, đồ ăn, đồ uống… lúc nào cũng đầy đủ, không bao giờ thấy thiếu. Điểm đặc biệt là giá rất rẻ: chỉ cần mang theo 5 - 10 ngàn đồng cũng đủ mua lấy vài món cho mình. Một ống nước vị trái cây dạng xịt, một gói ô mai nhỏ xíu cùng vài chiếc bánh bích quy phết kem ngọt ngọt, tất cả được mua chỉ với vài tờ bạc lẻ. Thậm chí có những gói nilon đẹp mắt có gắn mác “hoành tráng” như Thịt hổ, Thịt sư tử… cũng chỉ có giá 5 ngàn đồng.
Theo lời giới thiệu của người bán hàng với các em nhỏ thì “thịt hổ” này không làm từ thịt thật nhưng dai như thịt bò khô, rất thơm nn, người nào cũng thích. Một ống 25ml nước ngọt vị trái cây dạng xịt với giá 2 ngàn đồng (?!), khiến các em nhỏ không do dự xin tiền mua. Nài ra còn vô số các túi thạch nước, kẹo ngậm với bao bì in hoàn toàn bằng chữ Trung Quốc nhưng vô cùng bắt mắt, màu sắc sặc sỡ.
Đồ ăn vặt đủ loại, bao bì bắt mắt
Hiểm họa tiềm ẩn
Với mức giá “rẻ như cho” của các món đồ ăn thức uống này, hẳn các bậc phụ huynh ai cũng phải nghi ngờ về sự đảm bảo chất lượng, nhất là khi đó là đồ mà con em mình mua ăn hàng ngày đến trường.
Theo như lời một chủ sạp hàng tại cổng trường tiểu học Nghĩa Tân thì tất cả đồ hàng đều là để bán cho trẻ em, học sinh nên phải rẻ vì các em không có tiền, phục vụ theo đối tượng và lượng cung cầu mà thôi. Và các món được bán tại sạp hàng được mua buôn theo lố từ mối ở chợ Đồng Xuân, mang về rồi mới tự chia lẻ ra bán lại cho học sinh.
Chị Thành Nga, phụ huynh tại trường Nghĩa Tân cho biết: “Mình đến đón con hàng ngày nên mình biết, học sinh thích ăn quà vặt lắm, lúc nào cũng thấy túm năm tụm ba trước cửa mấy sạp hàng, không thấy ngớt, một đứa một gói đồ ăn trên tay nói cười rôm rả. Khi hỏi cháu nhà tôi mới biết là mấy đứa học sinh được bố mẹ cho tiền ăn sáng thường nhịn để mua quà vặt ăn chung với nhau”.
Học sinh thích ăn quà vặt cùng nhau vì giá rẻ
Một vị phu huynh khác tâm sự: “Mình cũng hơi lo khi thấy các cháu ăn những đồ này, nhưng thấy con đòi mua, lại thấy bạn bè nó mua cả nên cũng không muốn nó buồn, ăn rồi nó khen nn mãi, cũng không thấy ảnh hưởng gì nên lâu dần cũng bỏ qua việc chất lượng, chỉ nhắc nhở cháu đừng ăn nhiều, không tốt”.
Chỉ mới vài tháng trước đây, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và Chi cục QLTT Hà Nội mới thu giữ một lô hàng gần 70 tấn các loại ô mai, bánh kẹo xuất xứ từ Trung Quốc được phát hiện tại Gia Lâm, Hà Nội. Một lượng hàng quá lớn nhưng lại không hề có giấy tờ gì chứng mình nguồn gốc hay đảm bảo vệ sinh thực phẩm, không đảm bảo ngày tháng hạn sự dụng, thậm chí không đảm bảo được tình trạng bảo quản vận chuyển an toàn.
Một miếng ô mai nhuộm phẩm xanh, bên trong bị chảy nước
Dù nhà trường có cấm bán hàng rong hay đóng cổng không cho học sinh ra nài trường vào giờ ra chơi, thậm chí nhắc nhở các em không nên mua thì cũng không giảm bớt được thực trạng này. Thiết nghĩ để giải quyết triệt để thì từng học sinh hãy nói không với quà vặt và cần sự quan tâm của các bậc phụ huynh đối với con em mình trong vấn để ăn uống, sinh hoạt hàng ngày để trường hớp xấu không xảy ra.
Trường Giang
Báo in K32A2
Cùng chuyên mục
Bình luận