Nguyễn Đăng Việt - từ chàng trai từng ngất vì bệnh huyết áp cao đến “dân chạy” bền bỉ
(Sóng trẻ) - Gắn bó hơn 1 năm với bộ môn chạy bộ và đồng thời là thành viên của nhóm Rùa Runners - nhóm chạy theo hình vẽ trên bản đồ, anh Nguyễn Đăng Việt (36 tuổi) sống tại Hà Nội từ người bị mắc huyết áp cao đã có thể chạy bộ 30 km một cách bình thường.
PV: Chào anh Đăng Việt, được biết hiện nay anh đang là thành viên của nhóm Rùa Runners và đã bén duyên với bộ môn chạy được hơn 1 năm, vậy điều gì đã đưa anh đến với bộ môn này và giúp anh gắn bó với nó?
Cách đây 1 năm, mình đã từng bị ngất và đi khám mới phát hiện ra bệnh huyết áp cao. Trước đó, mình có một thời gian bị stress vì áp lực công việc, thường xuyên rơi vào tình trạng lo lắng, mệt mỏi dẫn đến bệnh huyết áp cao. Mình nghe nói chạy bộ có thể cải thiện được bệnh này nên đã thử luyện tập.
Tình cờ, mình biết đến cộng đồng Thích chạy (Run4self) trên facebook và trong một lần mình đi chạy ở phố đi bộ đã được gặp gỡ những anh chị trong nhóm Rùa Runners (cũng là thành viên nhóm Run4self). Mình thấy hoạt động của nhóm rất hay và độc đáo - chạy theo hình vẽ trên bản đồ nên đã tham gia. Đến giờ, mình đã hoạt động ở nhóm được 9 tháng rồi.
PV: Với một người bị bệnh huyết áp cao, thời gian đầu chạy bộ, anh đã gặp những khó khăn gì?
Hồi đầu mình chạy được 2km đã cảm thấy choáng váng, khó thở và cảm giác như sắp ngất xỉu đến nơi. Với những người bị bệnh huyết áp cao như mình, chạy bộ thực sự là một thử thách lớn đối với cơ thể. Và đối với tinh thần cũng vậy, trước đây mình cũng rất ít khi tập thể dục do tính chất công việc phải làm văn phòng nhiều. Nên khi mới tập chạy mình thấy rất nhanh nản và khó khăn.
PV: Vậy anh đã giải quyết những khó khăn về thể chất và tinh thần đó như thế nào?
Thời gian đầu mình chỉ chạy khoảng 1-2km để làm quen. Rồi dần dần mình tăng độ dài đường chạy lên 3,5,10km... Khi chạy cùng nhóm Rùa Runners, mình được các anh chị hướng dẫn cách thở đúng khi chạy. Mình đã hiểu tại sao ngày trước mình dễ bị đuối sức khi chạy, đó là do hơi thở chưa đúng dẫn đến mất sức. Và mình đã dần khắc phục được nhược điểm đó và chạy với nhịp thở 7-8’/h. Quan trọng là cần lắng nghe cơ thể trong lúc chạy để điều tiết được hơi thở, điều hòa nhịp tim chứ không nên cố quá sẽ thành quá cố (cười).
PV: Sau gần 1 năm chạy bộ, anh thấy sức khỏe của mình đã được cải thiện như thế nào?
Sức khỏe của mình đã được cải thiện rõ rệt. Mình đi khám lại, huyết áp đã không còn cao nữa, các biểu hiện như stress, choáng váng hay chóng mặt khi chạy cũng biến mất. Nhờ vậy mà mình đã có thể đi hiến máu tình nguyện - điều mà trước đây mình rất muốn làm nhưng “tạch” ở khâu kiểm tra sức khoẻ chỉ vì huyết áp cao. Không chỉ cơ thể mình khỏe khoắn hơn mà tinh thần của mình cũng tốt và minh mẫn hơn ngày trước.
PV: Trong thời gian nghỉ dịch, đặc biệt là lúc giãn cách xã hội, hoạt động chạy của anh có thay đổi nhiều không?
Thời gian nghỉ dịch mình vẫn duy trì thói quen dậy sớm đó và vẫn tập những bài khởi động nhẹ nhàng trong nhà. Với mình, nghỉ dịch sẽ có hạn chế nhất định khi không thể ra ngoài chạy bộ nhưng đó cũng là thời gian để mình suy ngẫm và tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo cho bộ môn này. Mình đã nghiên cứu các bản đồ đường chạy và liên tưởng tới hình của các con vật. Chạy theo hình vẽ là một điều không phải lần đầu tiên có tại Việt Nam nhưng mình có thể tự sáng tạo ra những hình vẽ của riêng bản thân và ấp ủ đến khi dịch được kiểm soát sẽ cùng anh chị em trong nhóm thực hiện mục tiêu chạy.
PV: Anh có thể chia sẻ quy trình vẽ ra những hình vẽ trên bản đồ hay không? Hình vẽ nào làm anh ấn tượng nhất?
Mình quan sát bản đồ sau đó chụp màn hình lại, tưởng tượng và dùng bút vẽ, kí hiệu các tuyến đường. Lộ trình đường chạy thường là những cung đường xung quanh trung tâm Hà Nội. Khi chạy, mình sử dụng ứng dụng điện thoại kết hợp định vị GPS để ghi lại lộ trình chạy bộ. Chiều dài mỗi cung đường thay đổi dựa theo tính chất của hình vẽ. Sau khi chạy xong, cung đường mình đã chạy theo hình sẽ được lưu lại trong bản đồ để chia sẻ vào trong các hội nhóm thích chạy bộ nhằm thúc đẩy phong trào tập luyện thể thao lành mạnh.
Mình đã vẽ được hơn 60 hình từ đơn giản đến phức tạp. Hình vẽ mình đã dành nhiều công sức nhất là hình cụ Rùa, được mình vẽ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm nhân dịp kỷ niệm 2/9.
PV: Là một người đã từng vượt qua bệnh tật để thay đổi bản thân, anh có lời khuyên gì đến các bạn trẻ về thói quen tập thể dục?
Tuổi trẻ các bạn nên chú ý đến sức khỏe. Vì sức khỏe là một tài sản vô giá mà tiền bạc cũng không thể mua được. Ngày xưa mình cũng có rất nhiều thói quen xấu như các bạn bây giờ: thức khuya, ngủ dậy muộn,có những hôm tôi chỉ ngủ 2h một ngày, lười tập thể dục... Ở tuổi 36, khi đã bị bệnh rồi, mình mới giá như ngày còn trẻ mình chăm chỉ tập thể dục hơn. Dù biết rằng để thay đổi một thói quen là điều không dễ dàng nhưng chúng ta có thể bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, vừa sức với mình nhất. Và hy vọng các bạn sau này sẽ không phải thốt lên “giá như” khi quá muộn.