Nguyễn Đình Đoàn Bổng - Tỉnh dậy lúc 4 giờ sáng để trở thành độc giả đầu tiên cho tác phẩm của mình

(Sóng trẻ) – Nguyễn Đình Đoàn Bổng là một trong những gương mặt cựu sinh viên ưu tú của Khoa Phát thanh – Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Mới đây, chàng phóng viên của đất Tân Kỳ, Nghệ An hiện đang công tác tại báo điện tử Vietnamnet này đã có cuộc phỏng vấn với Sóng Trẻ về chặng đường học tập vượt nghèo vượt khó của mình khi còn là sinh viên.

PV: Bốn năm ở Học viện, chắc hẳn anh cũng kịp giữ cho bản thân những kỉ niệm đáng nhớ. Anh có thể chia sẻ với Sóng trẻ những kỉ niệm đó?

ĐB: Có lẽ khi được hỏi về kỉ niệm thời sinh viên thì quá nhiều điều để chia sẻ về nó, bởi nó quá đẹp, kể cả những nỗi buồn. Tuổi trẻ của mình thật sự đẹp và ý nghĩa kể từ khi đặt chân vào giảng đường Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ở Học viện là quãng thanh xuân nhiều cung bậc cảm xúc, một thời yêu-ghét rất hồn nhiên. 

Nhớ cô PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang với buổi giảng đầu tiên đời sinh viên, nghĩ về cô mình như sống lại cảm giác vừa háo hức vừa run run mỗi khi có môn học của cô. Nhớ điệu hát cô dành tặng cả lớp để thay đổi không khí buổi học. Nhớ những cái vỗ vai của cô khi hỏi sinh viên về một vấn đề được nêu. Và sau tất cả, cô gieo vào đời sinh viên của mình và mãi sau này tính kỉ luật khi làm báo, những nguyên tắc bất dịch về thời gian.

Nhớ cả những kỉ niệm về cô chủ nhiệm lớp đại học của mình – Th.S. Trần Thị Phương Lan. Đó là một cảm xúc đặc biệt xúc động khi những khó khăn trong cuộc sống cô đều xuất hiện với những lời động viên, khích lệ. Không chỉ riêng mình, mà cô giành tình cảm ấy cho tất cả những sinh viên của cô. 

Ở Học viện, kỉ niệm không thể thiếu đó là những người bạn. Mình nhớ nhất những giờ học tranh luận nảy lửa trước một vấn đề. Tranh luận sôi nổi đến mức, giảng viên phải đứng lên “tạm dừng” cuộc trao đổi. Và cả những kỉ niệm mỗi khi mùa thi dội về, mấy đứa bạn thân nhắn tin hỏi nhau “Học được mấy câu đề cương rồi”. Nhớ cả gương mặt suýt khóc của cô bạn làm tác phẩm tốt nghiệp khi trang web sập lên, sập xuống nữa…

Để chọn một điều đáng nhớ và khiến quãng sinh viên của mình trọn vẹn đó chính là Hội đồng hương Nghệ An - nơi mình dồn hết tâm huyết để xây dựng, phát triển và cùng những thành viên trong đó đặt chân đến những vùng khó khăn để làm tình nguyện. 

Bốn năm sinh viên, có những lúc thấy thắc mắc vì sao nó lâu quá, nhưng đến khi khoác tấm áo cử nhân, lúc lên nhận bằng tốt nghiệp thì chợt thấy 4 năm dồn vào một ngày vội vã. Cho đến sau này, mình vẫn tự tin bản thân trưởng thành rất nhiều sau khi bước chân ra giảng đường Học viện Báo chí. 

3bcfaa0f7_anh2.jpg
Đoàn Bổng tác nghiệp ở Đền Hùng, Phú Thọ (NVCC)

PV: Hiện tại anh đã công tác tại một tờ báo uy tín. Được hoạt động trong môi trường làm báo chuyên nghiệp, anh có thể chia sẻ với Sóng trẻ về ước mơ trở thành nhà báo hình thành từ lúc nào và những kiến thức lĩnh hội được từ Học viện đã giúp anh như thế nào để thực hiện ước mơ ấy?

ĐB: Ước mơ trở thành nhà báo của mình hình thành từ khi bước chân vào Học viện học tập, vì trước đó mình không biết gì nhiều về báo chí, đặc biệt là báo mạng điện tử. 

Những môn học nghiệp vụ ở Học viện từng bước nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà báo của mình. Thầy, cô dạy dỗ bắt đầu từ cách đọc tin tức, rồi tự tay viết những bản tin ngắn, rồi nâng cao hơn khi tập tành viết những phóng sự, bình luận… 

Sau này khi đặt chân ra các tòa soạn lớn, với những trang bị ở Học viện, mình đã phần nào tự tin hơn, bỏ qua những bỡ ngỡ bước đầu để hòa nhập với môi trường làm báo chuyên nghiệp.

3bcfaa0f7_anh4.jpg
Đoàn Bổng tác nghiệp lũ lụt ở Mù Căng Chải, Yên Bái (NVCC)

PV: Nhiều bạn đọc của Sóng trẻ rất tò mò và muốn được lắng nghe chia sẻ của anh về những kỉ niệm khi tác nghiệp, anh có thể chia sẻ một số kỉ niệm?

ĐB: Với mình, nghề báo là một nghề rất đặc biệt và để lại những kỉ niệm mà không phải công việc nào cũng may mắn có được. Đó là những kỉ niệm về nỗi đau, niềm vui, hạnh phúc khi phóng viên được hòa mình trong hoàn cảnh đó.

Có một kỉ niệm ám ảnh mình khi tác nghiệp vụ lở núi ở xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, Hòa Bình hồi tháng 10 năm 2017. Toàn bộ xóm Khanh bị xóa sổ, 18 sinh mạng cùng nhà cửa, đồ đạc, trâu bò bị vùi lấp sâu trong đống bùn hoang lạnh. Trong phút chốc, xóm khanh vốn bình yên nay chìm trong cảnh tang tóc, thê lương đến nhói lòng. 

3bcfaa0f7_anh5.jpg
Tác nghiệp lở núi ở xóm Khánh, Tân Lạc, Hòa Bình (NVCC)

Để đưa tin về thảm họa trên, mình phải đi qua những đoạn đường bị ngập nước, leo lên ngọn đồi nằm trong diện sạt lở để tác nghiệp… Nhớ lại, nhiều lúc bản thân tự hỏi, sao mình liều vậy? Câu trả lời có lẽ là khi mình yêu thích hay đam mê công việc thì mọi khó khăn chỉ là chuyện nhỏ. Tất nhiên, mình vẫn luôn ý thức việc giữ an toàn cho bản thân.

Còn cả kỉ niệm về những lần tác nghiệp bị dọa nạt, các đối tượng côn đồ vây hãm, gây áp lực để xóa các tư liệu hình ảnh. Tất cả đó, với mình như những bài học xương máu trên hành trình làm báo còn rất dài phía trước. 

PV: Khi tìm hiểu, tôi có bắt gặp hình ảnh khi anh tác nghiệp trong hoàn cảnh tranh cướp rất quyết liệt, nguy hiểm. Anh có thể chia sẻ kỉ niệm về khoảnh khắc đó không? 

ĐB: Đó là hình ảnh khi mình tác nghiệp lễ hội cướp phết ở Hiền Quan (huyện Tam Nông, Phú Thọ) diễn ra hai ngày từ 12-13 (Âm lịch) năm 2018. Đặc trưng và cũng là điểm nhấn của lễ hội là màn tranh cướp các quả Phết để hy vọng cầu may mắn cho cả năm. 

3bcfaa0f7_anh6.jpg
Lăn xả tại Lễ hội cướp phết Hiền Quang (NVCC)

Ở lễ hội này, muốn có hình ảnh ấn tượng thì phải lao vào trong nhóm thanh niên đang quyết liệt tranh cướp để ghi nhận hình ảnh. Hôm ấy, mình như bị “mắc kẹt” trong đó, xung quanh là những thanh niên lấm láp bùn lầy, hừng hực khí thế tranh cướp. Suy nghĩ của mình khi ấy là có hình ảnh nhưng vẫn phải giữ thiết bị không bị rơi vỡ. Quả thật, bây giờ nghĩ lại vẫn còn ám ảnh vì bị xô đẩy, cả người bị bùn lầy bắn lên… 

PV: Là một người gắn bó với Sóng trẻ, bút danh Đoàn Bổng hẳn đã nhiều lần đóng góp bài viết cho trang tin. Anh có thể chia sẻ bài viết tâm huyết nhất, đáng nhớ nhất đối với anh trong suốt thời gian công tác ở Sóng trẻ được không.?

ĐB: Sóng trẻ với mình như một gia đình vậy. Đây là nơi mình gắn bó trong thời gian sinh viên, nơi mình được học cách hoàn chỉnh một tác phẩm báo chí và nhìn ngắm tác phẩm đó trên trang web đầy lôi cuốn. 

Kỉ niệm khiến mình nhớ nhất khi tác nghiệp ở Sóng trẻ là phóng sự viết về cảnh đời của những bệnh nhân phong ở Trại phong Sóc Sơn, xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội. Đó là một ngày Hà Nội mưa tầm tã, mình cùng một bạn đi xe máy lên để hỏi han, viết bài. 

Bài báo đăng lên sau đó 2 ngày, đây là sản phẩm báo chí đa phương tiện đầu tay của mình gồm có ảnh, có video đi kèm với phóng sự dài hơn 1000 chữ. 

Càng vui hơn, khi sau bài báo đăng có một số mạnh thường quân muốn hỗ trợ giúp những nhân vật trong phóng sự, kể từ đó đến nay, mình cùng đoàn tình nguyện đã có 6 chuyến thiện nguyện lên đó cùng với những phần quà hỗ trợ những bệnh nhân phong.

Niềm vui của một cậu sinh viên ngày ấy cũng khá giản đơn, khi thấy bài viết có tác động tích cực đến xã hội và đặc biệt là giúp ích chính những nhân vật của mình. Chừng ấy thôi cũng đủ để ấm lòng trên con đường viết báo phía trước.

PV: Một số bạn sinh viên chia sẻ rằng họ vào trường báo chỉ học lấy bằng rồi ra trường làm một công việc khác, không phải làm báo. Quan điểm của anh về suy nghĩ ấy ra sao và anh có chia sẻ gì để giúp các bạn sinh viên thêm vững tin vào con đường làm báo nhiều thử thách, chông gai?

ĐB: Thời sinh viên, có những lúc bế tắc, mình từng phân vân giữa việc có nên tiếp tục hay dừng lại hành trình này. Vì khi ấy mình cảm thấy viết 1 bài báo sao khó khăn quá, vất vả nữa. Thế rồi qua những bài viết, gặp gỡ những con người, ở nhiều công việc khác nhau, đến những vùng đất mới, từ phố thị đến những vùng đồi núi hoang sơ,… mình dần dần thay đổi và tự tin hơn với công việc mình đã chọn. 

Mỗi buổi sáng mình thường tỉnh giấc vào lúc 4h, đơn giản là vì tòa soạn thường hẹn giờ các bài viết trong ngày mới vào khung giờ đó. Mình muốn trở thành độc giả đầu tiên cho chính bài viết của bản thahna. Nhìn ngắm nó rồi có lúc cười một mình, tình yêu với nghề cứ nhen nhóm từng ngày, kể cả những sai lầm cũng là một bài học.

Chia sẻ câu chuyện của chính mình để gửi gắm đến những bạn sinh viên đang theo đuổi nghề báo rằng, nghề báo hay bất cứ nghề nào khác, muốn gắn bó lâu dài thì bắt buộc phải dốc hết tâm huyết với nó. Riêng nghề báo, cá nhân mình thấy cần một tình yêu, đam mê đủ lớn vì lao động báo chí không phải như vận hành một cỗ máy khô khan, nó là những con chữ, là thông tin, là muôn trạng cuộc sống, yêu nó ta như đang vui đùa với chữ nghĩa, sung sướng khi nảy ra một chữ nào hay ho. 

Chúc các bạn sinh viên luôn chân cứng, đá mềm và mong một ngày không xa, chúng ta sẽ được là đồng nghiệp của nhau.

PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện, chúc anh đạt được nhiều thành công trên chặng đường làm báo của mình sắp tới!
Phương Anh

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN