"Nhà tù" sở thú

(Sóng trẻ) - “Chào mọi người, tôi là Đỗ Quang Thiện. Khi nhận được e-mail của mọi người, tôi rất vui vì tìm được những người có cùng niềm đam mê bảo vệ động vật hoang dã giống mình. Tôi cũng giống như mọi người, luôn trăn trở và thấy xót xa khi nhìn thấy những con thú tội nghiệp, sống cuộc đời bi thương trong sở thú. Và tôi nghĩ, đây là dịp phù hợp để có thể chia sẻ với mọi người nhiều hơn về những sự thật ở sở thú mà tôi đã ấp ủ bấy lâu”. (Bài viết được phóng viên thuật lại theo lời kể của nhân vật)

image1.png
Đỗ Quang Thiện - Đại diện Việt Nam tại chương trình World Youth Wildlife Animal Summit

Đã lâu rồi tôi mới trở lại sở thú

Chắc phải hơn 10 năm rồi tôi mới trở lại Vườn thú Hà Nội. Không phải vì tôi ngại đường xa mà vì tôi cảm thấy ám ảnh khi nhìn những loài động vật bị nuôi nhốt ở đây. Từ lúc lên cấp ba và được tham gia các chương trình bảo vệ, cứu hộ động vật hoang dã, tôi đã có thêm nhiều kiến thức về các loài động vật cũng như ý nghĩa đúng đắn của việc bảo tồn động vật hoang dã.

Đối với tôi, động vật cũng giống như con người, phải được sinh ra và sống hòa nhập trong môi trường tự nhiên vốn có thì mới là một cuộc sống đích thực. Những sở thú luôn hoạt động dưới danh nghĩa bảo tồn động vật hoang dã, nhưng thực ra nó chính là một “nhà tù chung thân” với các con vật bị “giam giữ” ở nơi đây. Hay nói cách khác, những loài động vật này đang phải chịu một bản án vô hình mà chúng nó hoàn toàn vô tội. Vì mục đích mua vui mà con người đã nhẫn tâm bắt những con thú này phải sống cuộc sống mà chúng hoàn toàn không hề mong muốn. Những tưởng thoát khỏi thiên nhiên hoang dã đầy hiểm nguy là tốt, thế nhưng những loài động vật này lại bước vào một cuộc sống mới chẳng khác nào địa ngục.

Mọi người nhìn xem, mỗi chiếc lồng sắt rộng chừng vài chục mét vuông làm sao có đủ không gian để các loài động vật này được thực sự sống? So với thiên nhiên hoang dã bạt ngàn, diện tích ở sở thú chẳng khác nào một nhà tù. Để tôi nhớ xem, đã hơn chục năm trôi qua kể từ ngày tôi đến đây lần đầu tiên, mọi thứ đều đã thay đổi phần nào, duy chỉ có sở thú với những chiếc lồng sắt hoen gỉ, nơi nuôi nhốt những loài động vật đáng thương bao nhiêu năm nay vẫn chẳng hề đổi thay.

image2.png
Các loài động vật đang bị “cầm tù chung thân” trong các sở thú

Tôi biết rằng những con vật ở sở thú khổ sở đến nhường nào

Ở đẳng kia, mọi người có nhìn thấy chú gấu vừa đâm đầu vào tường vừa làm những hành động lạ lùng không? Đó là biểu hiện của bệnh tâm lý ở động vật! Ở sở thú, bọn chúng bị nuôi nhốt trong một thời gian dài dẫn đến bí bách và phát sinh một số bệnh tâm lý giống như con người. Biểu hiện là chúng sẽ làm những hành động lạ như đi vòng tròn xung quanh chuồng hoặc đâm đầu vào tường như con gấu kia. Cũng như con người, trong đợt dịch Covid-19 vừa rồi chỉ phải giãn cách xã hội một tháng thôi đã cảm thấy bí bách, cuồng chân lắm rồi. Vậy mà, những loài động vật này bị nuôi nhốt đằng đẵng hàng chục năm trời giống như biệt giam vậy. Hỏi, làm sao chúng có thể sống bình thường như đúng với tự nhiên?

Nhìn vào đôi mắt của chú gấu trong chuồng, mọi người có thấy nó hoàn toàn bất lực và cô độc không? Bên trong song sắt kia chỉ là một thế giới tẻ nhạt, còn bên ngoài lại là sự vô cảm của con người. Rất nhiều người, có cả người lớn và trẻ nhỏ đi qua chuồng gấu và buông những sự cười đùa, chế giễu chú gấu bất hạnh kia. Tôi vẫn nhớ như in lời nói đùa tàn nhẫn của một thanh niên khi đi qua chiếc chuồng này: “Ê, gấu, mày bị tự kỉ à. Có cần ăn bò khô uống trà đào không?”. 

Có thể chú gấu tội nghiệp kia chẳng hiểu được ý nghĩa của những lời nói đùa kia nhưng chắc chắn nó cảm nhận được sự vô tâm, vô ý thức của con người đối với nó. Người ta đứng ngoài chuồng la hét, lấy đá chọi vào người nó, lấy que củi thúc vào lưng nó chỉ để nó tức giận, quay mặt ra cho người ta nhìn thấy bản mặt tội nghiệp khi bị con người điều khiển. Còn có những người lại vô cùng hả hê khi trêu chọc được nó, họ khoe với bạn “chiến công” của mình rồi cùng nhau cười khanh khách.

Không chỉ có gấu bị mất đi bản năng, những chú hổ ở đây cũng không biết săn bắn, sức khỏe yếu dần theo thời gian vì chỉ quanh quẩn trong chuồng suốt nhiều năm. Tôi vẫn nhớ câu chuyện về một con hổ Bengan trắng ở Thảo cầm viên trong Thành phố Hồ Chí Minh. Con người ta thường nghĩ hổ là chúa sơn lâm, một trong những loài vật hung dữ và mạnh mẽ nhất trong rừng xanh. Nay, thấy nó bị nhốt trong lồng kính chật hẹp nên vô cùng hả hê và thích thú. Người ta dọa nó, hú hét với nó để thỏa mãn thú vui tàn nhẫn của mình. Tôi nhìn chú hổ đó vô cùng sợ hãi, cô đơn và tội nghiệp.

Mọi người biết không, có một sự thật khốc liệt rằng những con thú đã bị đưa vào trong sở thú thì không có cách nào thoát ra được, chúng sẽ phải sống như thế đến hết cuộc đời. Con nào may mắn được đưa ra ngoài thì hầu hết đã sức cùng lực kiệt, già nua hoặc bị bệnh nặng. Thực tế là, nếu có 1% cơ hội nhỏ nhoi nào đó những con thú tội nghiệp được tái hòa nhập tự nhiên thì chúng cũng không thể sống sót vì đã mất đi bản năng kiếm ăn, săn mồi và tìm kiếm đồng loại.

image3.png
Các loài vật nơi đây dần đánh mất đi bản năng của mình

Thử nhìn những chú voi này xem, từ xưa đến nay voi là loài vật sống theo mẫu hệ, đầu đàn sẽ là voi cái. Nó dạy bầy đàn và con cái của mình cách sinh tồn và tìm kiếm thức ăn phù hợp với giống loài. Hằng ngày, voi phải đi rất xa và tiêu hóa hàng trăm kg thức ăn và hơn 200 lít nước thì mới có đủ nguồn sống. Còn ở đây, những chú voi này bị xích chân lại, phạm vi hoạt động không quá chục mét. Không những thế, hàng chục năm sống mòn mỏi ở sở thú, những chú voi đã quen với việc được người ta cho ăn, cho uống, chúng cũng chẳng biết những thức ăn nào được phép ăn, những thứ nào thì có hại cho mình khi ra ngoài tự nhiên kia. Nếu có bất kể con thú nào “bị” đưa ra khỏi chuồng thì sẽ có con khác vào thay thế, tạo thành một vòng tròn luẩn quẩn bi thương không có hồi kết.

Động vật ở sở thú không chỉ bị hành hạ về tinh thần, thể xác mà còn có khả năng cao bị mắc các bệnh liên quan đến dinh dưỡng nếu không được chăm sóc kỹ lưỡng. Mỗi loài động vật sẽ cần một chế độ dinh dưỡng và hệ thức ăn khác nhau. Điều này đồng nghĩa với việc cần có chuyên gia dinh dưỡng riêng để chọn lựa những loại thức ăn phù hợp với chúng. Còn nếu không, con người có thể cho chúng ăn nhầm những thức ăn không tốt, gây hại đến sự phát triển tự nhiên của chúng.

Ở chuồng khỉ, ngoài những thức ăn có sẵn như hoa quả và lá cây, những người qua lại thường xuyên cho nó ăn các thứ như kẹo, bim bim, bánh quy… khiến nó rất dễ bị béo phì. Các loại đồ ăn của con người thường có rất nhiều calo, các chất béo khác không phù hợp với động vật và làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa cũng như sự trao đổi chất của cơ thể chúng. Mặc dù bên ngoài chuồng của các loài động vật đã có nhiều biển báo đề “Cấm cho thú ăn” nhưng người ta vẫn ngó lơ và và đưa thức ăn vào chuồng vì cũng chẳng có ai hướng dẫn hay kiểm soát gì cả.

Mọi người có nghĩ sở thú được lập ra với mục đích giáo dục?

Tôi đã từng đọc sách và được biết rằng sở thú trên toàn thế giới đang biện minh cho sự tồn tại của nó thông qua ba mục tiêu: Bảo tồn, giáo dục và nghiên cứu. Song đó cũng chỉ là những gì sở thú muốn chúng ta tin tưởng rằng điều họ đang làm là đúng. Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Nói đến bảo tồn động vật hoang dã – người ta sẽ nghĩ ngay đến việc tạo ra một không gian tự nhiên nhân tạo, nơi được tôn tạo gần giống nhất thiên nhiên hoang sơ để động vật có cảm giác được sống tự do và đúng với những tập quán của mình. Sở thú với những chiếc lồng sắt cũ kĩ, thêm vài ba khúc gỗ và vài đồ chơi tẻ nhạt, chẳng có điểm gì giống với ngôi nhà vốn có của chúng. 

Mọi người thử nhìn nơi đây xem, trẻ em cứ vào sở thú rồi la hét om sòm và cho các con thú ăn linh tinh. Bố mẹ chúng thậm chí còn chẳng cho chúng biết con này là con gì, đến từ đâu, mức độ nguy cấp như thế nào, phải bảo vệ ra sao… điều mà sẽ chỉ thực hiện được khi có người đứng ở từng chuồng hướng dẫn và giám sát cụ thể. Và tất yếu rằng, sở thú chỉ mang tính giải trí, mua vui là chính chứ chỉ một phần trăm ít ỏi nào đó là mang ý nghĩa giáo dục.

Không biết mọi người nghĩ như thế nào, còn riêng tôi, tôi thấy số tiền vé vào cửa từ 10 nghìn đến 20 nghìn đồng là chưa đủ để duy trì sự sống của các loài động vật ở trong sở thú. Nguồn kinh phí đó quá hạn hẹp để đầu tư tôn tạo lại sở thú, khiến dần dần sở thú trở nên nhàm chán đối với khách tham quan. Vì cuộc sống ngày càng hiện đại, các bậc cha mẹ thường cho con đi chơi ở các khu trung tâm thương mại, đi ăn gà rán, chơi nhà bóng hơn là đi sở thú. 

Tôi nghĩ, nếu để sở thú tồn tại thì cần có sự quan tâm và quản lý hiệu quả hơn nữa. Thực ra, luật có rất là nhiều nhưng vấn đề là phải làm thế nào để thực thi những điều luật đấy chặt chẽ hơn. Đại dịch Covid-19 vừa qua được đồn do loài dơi ở Trung Quốc gây ra, nên người dân đã yêu cầu Chính phủ phải có thêm các điều luật để quản lý tác động của các loài động vật hoang dã. Nhưng thực tế, nước sở đã sẵn có rất nhiều đạo luật, vấn đề không phải là chúng ta cố “ vẽ” thêm nhiều quy định mà là phải đưa chúng từ bàn giấy ra ngoài thực tế một cách thật hiệu quả.

Hiện tại, tôi nghĩ nếu muốn duy trì sở thú thì nên có thêm người giám sát, hướng dẫn ở sở thú, đó là cái trước mắt mà mình có thể làm được. Còn việc mở rộng sở thú thì tương đối bất khả thi vì quỹ đất ở thành phố hầu như đã được quy hoạch hết. Ngoài ra, vệc thêm người, thêm nhân lực thì đương nhiên phải có thêm kinh phí nên ta đã đến lúc cần tăng giá vé vào sở thú lên một mức giá phù hợp, xứng đáng hơn. 

Tôi muốn kể về những điều tôi thấy được ở Nam Phi

Không biết mọi người thế nào chứ tôi đã có dịp được đi Nam Phi và tham quan khu bảo tồn động vật hoang dã ở đó. Nó thật sự rất đẹp và đúng với ý nghĩa của việc bảo tồn. Khu bảo tồn ở đó rất rộng, không gian của mỗi loài động vật tựa như một đất nước thu nhỏ và được tôn tạo giống với môi trường tự nhiên. Nhờ vậy mà các con vật ở đây có thể phát huy được bản năng tự nhiên của chúng. Ví dụ như ở chuồng của tê giác sẽ có khoảng 4 đến 5 chục con sống chung với nhau. Chúng hoạt động như ở ngoài tự nhiên và tránh xa con người. Du khách đến tham quan chỉ được đứng từ xa quan sát chứ không thể lại gần, tránh khiến cho tê giác sợ hãi. Đặc biệt ở khu bảo tồn động vật ở Nam Phi luôn có đội ngũ nhân viên đi theo để nhắc nhở người vào tham quan không gây tiếng ồn cũng như không cho động vật ăn những đồ ăn lạ. 

Không những thế, ở Nam Phi người ta có nuôi những con tê giác bị mất mẹ hoặc bị lạc mẹ. Họ cũng rất hạn chế cho nó tiếp xúc với con người vì họ sợ tê giác sẽ bị quen và không còn sợ con người nữa. Điều đó sẽ dẫn đến việc những con tê giác rất dễ bị săn trộm khi được thả về tự nhiên. 

Điều mà tôi thấy ấn tượng nhất ở Nam Phi chính là người ta mở ra khu bảo tồn nhằm bảo vệ các loài động vật hoang dã khỏi nạn săn trộm từ những tay thợ săn khét tiếng. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của họ không phải là nuôi nhốt những con vật này mà khi chúng đủ sức khỏe, đủ bản lĩnh thì người ta sẽ thả nó về với tự nhiên để nó được sống đúng với bản năng của mình.

Mọi người biết không, những người yêu thiên nhiên và động vật hoang dã như chúng tôi thường rất thích giúp đỡ người khác, nhất là việc được chia sẻ với mọi người về những điều hữu ích về thế giới động vật. Mong rằng dự án truyền thông của mọi người sẽ thật thành công và lan tỏa giá trị tích cực đến với công chúng!

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN