Nhà văn Xu: “Nếu không viết ra thì sẽ khó chịu vô cùng”
(Sóng trẻ) - Nhà văn Xu là người sáng lập và tác giả của Nỗi buồn màu xanh lá – Fanpage truyền cảm hứng sống với hơn 1 triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội Facebook. Anh xuất hiện trên hàng loạt các tuyển tập in chung và nhận nhiều giải thưởng về văn học. Sau 8 năm hoạt động trong lĩnh vực văn chương nhà văn Xu đã đánh dấu một nét riêng trong văn học Việt, từ bài văn nhẹ nhàng đến những bài tản văn chữa lành, an ủi.
Xu tên thật là Nguyễn Phúc Tùng, sau 8 năm miệt mài xây dựng con chữ anh đã thu về một lượng fan hùng hậu thông qua 4 đầu sách làm mưa làm gió trong thị trường sách Việt: Nỗi buồn màu xanh lá, Hãy là tất cả hoặc không là gì, Xanh (Sống như lá xanh), Những mùa hè có nắng trong tim.
Một nét riêng của nhà văn Xu
PV: Viết lách là một hành trình, sáng tác văn chương là một nghệ thuật, vậy cơ duyên nào đã đưa anh đến với nghiệp viết?
Mình bắt đầu viết từ năm nhất đại học, trong quãng thời gian đi du học. Sống giữa môi trường văn minh, có cơ hội gặp gỡ những người bạn tuyệt vời, rồi tình cờ rơi vào tình yêu… Cảm tưởng như mọi thứ đều ăn khớp với nhau khiến cảm xúc trong lòng đạt đến sự hài hòa và trọn vẹn nhất định, thế là mình bắt đầu viết. Đơn giản vì cảm xúc trong lòng cần một tiếng nói, nếu không viết ra thì sẽ khó chịu vô cùng. Cuộc sống này đối với mình mà nói, chẳng có gì đáng kể ngoại trừ cảm xúc. Như một người ca sĩ phải hát và một người họa sĩ phải vẽ… Nếu không viết ra thì bản thân mình sẽ luôn thấy “thiếu” một điều gì đó.
PV: Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Khoa học máy tính của đại học Murdoch Singapore và trở về nước. Anh quyết định từ bỏ tất cả những gì học được để viết một cuốn sách. Quyết định đó có được gia đình anh ủng hộ hay không?
Tất nhiên là không ủng hộ rồi. Khi mình đưa ra một lựa chọn thuộc về số ít, thì rất khó để trông mong số đông có thể ủng hộ, đồng tình. Nhất là ở nước ta, khi các bậc phụ huynh có xu hướng không khuyến khích con cái rời xa khỏi vòng tròn an toàn, chỉ mong con mình có một cuộc sống ổn định, an nhàn là đủ. Mới đầu thì mình cũng buồn, nhưng càng ngày mình càng cảm thấy mọi chuyện vốn dĩ nên như thế. Người của thời đại nào sẽ mang theo tư tưởng của thời đại đó. Đó là vấn đề của thời đại, chứ không phải của riêng cá nhân ai. Chúng ta không nên trách cứ rằng người khác không hiểu mình. Cuộc đời của mình, mình tự hiểu và tự chịu trách nhiệm là được. Khao khát của một người, nếu cần đến sự đồng tình của mọi người mới trọn vẹn, thì mình nghĩ cái khao khát ấy có lẽ nên bỏ vào thùng rác.
PV: Từ lúc bén duyên với viết lách, anh có xác định bản thân sẽ theo đuổi một phong cách viết nào không?
Văn phong của mình thay đổi theo từng giai đoạn, giống như nhận thức và con người của mình thay đổi. Ví dụ lúc mới viết, mình khá là lãng mạn mộng mơ, nên thường viết những câu chuyện ngắn ngọt ngào “sâu răng”. Sau này, khi đã dấn thân sâu hơn vào cuộc sống, thấu hiểu bản thân ở những góc cạnh chân thực hơn, thì mình lại viết tản văn theo thiên hướng chữa lành, an ủi... Mình không bao giờ phải gò ép văn phong. Trong lòng mình có gì thì mình viết ra cái đó. Mình sống như thế nào thì mình viết như thế đó. Thuận theo cảm xúc, thuận theo nhân duyên, thuận theo lòng mình.
PV: Mỗi bài viết mà anh viết mang đến cho đọc giả một mẩu chuyện nhỏ, Có đến hàng nghìn câu chuyện được anh gói gọn trong từng câu chữ. anh đã lấy cảm hứng từ đâu để viết nên những đoạn văn chân thật chạm đến hàng triệu cảm xúc của bạn đọc như thế?
Mọi thứ mình viết từ ngày đầu tiên đến giờ đều được lấy cảm hứng từ chính cuộc sống thật của mình. Cá nhân mình không tin và không theo đuổi kiểu văn chương “Ngồi một chỗ tưởng tượng” hay gom nhặt chỗ này chỗ kia mỗi nơi một chút, hoàn toàn không đặt “cái tôi” vào tác phẩm. Nghệ thuật đến cuối cùng có thể vị nghệ thuật, không cần phải vị nhân sinh. Nhưng những gì một tác giả viết ra bắt buộc phải “có ý nghĩa” với chính cá nhân tác giả trước tiên. Sau đó mới nói đến sự đồng cảm của độc giả.
PV: Trong những tác phẩm đã phát hành, cuốn sách nào nào đã để lại dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp viết lách của anh?
“Hãy là tất cả, hoặc không là gì” là tác phẩm mà mình tự hào nhất. Vì mình đã đánh đổi gần như mọi thứ mà một con người có thể đánh đổi, từ tình bạn, tình yêu, tình thân, thậm chí cả sức khỏe bản thân... để có thể hoàn thành cuốn sách này. Ở một khía cạnh nào đó, cuốn sách này chính là sinh mệnh của mình.
PV: Được biết anh đã tạo dựng dòng sách Lá Books - một thương hiệu riêng của bản thân, từ đâu anh quyết định xây dựng Lá Books vậy?
Lá Books - ở thời điểm hiện tại đơn giản là một ngôi nhà riêng, nơi mình có thể thoải mái làm mọi điều mà mình thích. Bởi ngoài sách ra thì mình cũng chẳng thích gì khác cả. Mình muốn thông qua Lá Books để tìm hiểu về ngành sách, để học hỏi, trau dồi các kỹ năng là chủ yếu, chứ tạm thời chưa nghĩ chuyện xa xôi hơn.
Xu và chuyện nghề viết
PV: Có nhiều người chọn danh tiếng thay vì chạy theo giá trị của “đam mê” mà bản thân kỳ vọng. Với anh danh tiếng và đam mê điều gì làm nên thành công của một cá thể?
Theo mình: Danh tiếng, tiền bạc không nên là đích đến cuối cùng của sinh mệnh, nhưng nếu không có danh, không có tiền, thì nhiều khả năng ước mơ sẽ mãi chỉ là mơ ước. Đam mê nếu không kiếm được ra tiền, tức là mình đang có lỗi với chính cái đam mê đó, vì không thể cho nó được một kết quả xứng đáng. Thành công của một người, với mình là sống vui, làm việc mình thích, thích việc mình làm. Và quan trọng hơn hết là phải làm đến đỉnh cao, tạo ra giá trị về vật chất, tinh thần cho chính cái đam mê của mình một kết quả xứng đáng nhất.
PV: Có rất nhiều bạn trẻ có mong muốn được viết, được sáng tác, được xuất bản sách. Là một tác giả đi trước, với dòng văn đủ “chất” được rất nhiều bạn trẻ yêu thích, anh có thể đưa ra một vài lời khuyên cho các bạn trẻ có ước mơ trở thành một nhà văn không?
Lời khuyên thì vô vàn, nhưng tựu chung lại theo mình có 5 vấn đề cốt lõi.
Đầu tiên hãy “Sống” trước đã, rồi mới viết: Không sống hay, chắc chắn không thể nào viết hay được. Thứ hai, “Cái tôi”, cá tính, hay dấu ấn cá nhân là yếu tố quan trọng bậc nhất đối với một tác giả. Ba là, nội tâm kiên định, chịu đựng được định kiến: Mọi người cứ nghĩ nhà văn thì phải yếu đuối mong manh. Không phải. Nhạy cảm thôi, đừng yếu đuối. Đa cảm thôi, đừng mong manh. Bốn là, làm bao giờ cũng quan trọng hơn nói: Ước mơ thì không thể thông qua suy nghĩ mà trở thành hiện thực được. Bạn hãy dấn thân hành động, viết đều đặn, rèn luyện và học hỏi không ngừng nghỉ. Đừng ngồi một chỗ mà nghĩ ngợi, phân vân quá lâu.
Cuối cùng, hơi “phũ phàng” một chút, nhưng mình nghĩ tác giả mới thì chưa nên nghĩ đến việc xuất bản sách sớm quá. Vì đa phần tác giả mới bây giờ gửi bản thảo đến các đơn vị xuất bản/phát hành đều chỉ nhận về những cái lắc đầu, thậm chí có nơi còn không có thời gian để đọc email và phản hồi lại bạn nữa. Một phần vì họ nhận được quá nhiều yêu cầu, một phần vì thị trường sách hiện tại khá nhỏ và không có nhiều cơ hội. Viết lách là một chặng đường dài, đòi hỏi tác giả phải nỗ lực trong nhiều năm, thành quả ít khi tương xứng với công sức bỏ ra. Nếu bạn thích viết, hãy cứ viết thôi. Viết liên tục và đều đặn, đến khi ngòi bút đạt được “độ chín” nhất định thì mới nghĩ chuyện xa hơn.
PV” Có ý kiến cho rằng “tản văn là thể loại văn học dễ viết nhất, ai cũng có thể viết được” anh có ủng hộ quan điểm này không?
Mình đồng ý. Ví dụ như những câu status các bạn đăng lên Facebook cũng đều là tản văn cả, tất nhiên ai cũng viết được. Nhưng viết như thế nào, ngôn từ cấu trúc ra sao, viết rồi có để lại dấu ấn trong lòng độc giả hay không, thì không phải ai cũng làm được.
PV: Thời đại 4.0, các dòng sách ebooks ngày càng được ưa chuộng và dần thay thế vị trí của các loại sách giấy. Anh có nghĩ rằng các tác phẩm của mình sẽ giữ chân được độc giả trong cuộc sống hiện đại liên tục chuyển động này không?
Mọi sự trên đều là là duyên, không miễn cưỡng được. Mình chỉ cố gắng sống tốt và làm tốt nhất phần của mình, còn những yếu tố mình không thể kiểm soát thì cứ mở lòng đón nhận. Cuộc sống biến đổi không ngừng. Không ai nói trước được ngày mai sẽ thế nào. Nhưng ngày hôm nay, mình còn đứng bên nhau thì cố gắng trân trọng ngày hôm nay, trân trọng nhau là đủ. Nhân đây, mình cũng xin gửi lời cảm ơn đến các bạn độc giả đã yêu thương và ủng hộ mình vô điều kiện trong suốt những năm qua. Mình biết ơn bạn vì tất cả, và sẽ làm mọi thứ để một ngày nào đó, có thể trả lại bạn một điều gì đó (đáng kể).