“Nhật ký một nhà báo”
(Sóng trẻ) - Tác phẩm “Nhật ký một nhà báo” của nhà báo Lê Văn Nuôi là một cuốn “nhật ký” đặc biệt, ghi chép lại một phần cuộc đời làm báo của tác giả thông qua chính những bài viết của ông.
Nhà báo Lê Văn Nuôi từng là thủ lĩnh phong trào sinh viên tranh đấu ở đô thị chống Mỹ; sau ngày thống nhất đất nước, Lê Văn Nuôi từng có thời gian dài làm Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ.
Cuốn sách “Nhật ký một nhà báo” của Lê Văn Nuôi được NXB Trẻ ấn hành, tập hợp 53 tác phẩm của nhà báo đã được đăng trên báo Tuổi Trẻ. Các bài báo đề cập đến nhiều vấn đề mang tính thời sự trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và ước muốn sử dụng ngòi bút để góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng văn minh. Cuốn sách là nhật ký ghi lại quá trình đến với nghề báo và xây dựng một tờ báo lớn của tác giả.
Sách chia làm bốn phần. Phần một - “Duyên nợ nghề báo” với những bài báo viết về nghiệp làm báo, từ thế giới đến trong nước; với những hạnh phúc, gian khổ của nghề báo. Phần hai là những bài báo viết về sự kiện 30/4 ở góc độ phát triển của hiện tại. Phần ba có tên gọi “Vì công bằng và phát triển” gồm những bài báo về các vấn đề thời sự xã hội. Phần bốn là “Ước vọng văn hóa”, phản ánh những vấn đề nóng của văn hóa qua những bài báo. Sách còn có phần phụ lục ảnh gồm 21 ảnh chụp tác giả và các kỉ niệm khi làm báo.
Nội dung của “Nhật ký một nhà báo” từng xuất hiện trên các trang báo trong một khoảng thời gian dài, nay tập hợp lại như một vệt đường ghi dấu những quan tâm thời sự của nhà báo Lê Văn Nuôi. Đây cũng là những tư liệu quan trọng của một chặng đường báo chí Việt Nam từ thời bao cấp đến lúc tự chủ hoạt động; mà tiêu biểu là tờ Tuổi Trẻ, nơi tác giả có thời gian dài làm Tổng Biên tập - tự thân đã mang đầy đủ những đặc trưng của một cơ quan báo chí sống được bằng sự chi trả của người đọc, người mua báo. Nhưng trọng tâm của nhà báo Lê Văn Nuôi không nhằm nhắc lại vị trí của Tuổi Trẻ trong diễn trình báo chí Việt Nam sau ngày 30/4/1975. Tấm lòng của ông hướng đến từng vấn đề mang tính dấu mốc của thời cuộc mà ông đã trực tiếp chứng kiến khi làm báo và tham gia xử lý.
Đọc tập sách, ta thấy rõ hơn về một thời làm báo gian khó, thấy tấm lòng nhiệt thành của những quan chức thời bao cấp với báo chí qua câu nói của Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt: “Tại sao trước 1975 các chủ báo Sài Gòn đều giàu mà bây giờ Tuổi Trẻ phải đi ngửa tay xin tiền Nhà nước để làm báo?”. Câu nói đã đóng vai trò nhất định trong tư duy những người làm báo Tuổi Trẻ trong quá trình phát triển.
Nhưng tự chủ về kinh tế báo chí cũng là để tự chủ hơn trong sứ mệnh thông tin. Chính tác giả Lê Văn Nuôi từng thẳng thắn trả lời hãng truyền hình Ashahi (Nhật Bản) hồi tháng 4/1995 (bài Đối thoại 30 tháng 4, trang 47) về quan điểm làm báo rằng: “Nhà nước không kiểm duyệt là một chuyện. Nhưng nhà báo có dám làm đúng thiên chức của mình là thông tin trung thực, khách quan, dám nói sự thật, dám có chính kiến hay không là thuộc về bản lĩnh của nhà báo. Còn nếu làm báo theo ‘tư duy công báo’, thông tin một chiều, né tránh sự thật... thì chính nhà báo đã tự đánh mất tự do của mình”. Đó chính là thái độ của ông khi dấn thân làm báo, cũng là thái độ chung của những nhà báo chấp nhận sống vì lẽ phải, vì người đọc. Thái độ đó thường có cái giá của nó. “Hành trình không biên giới có thể sẽ phải ngơi nghỉ. Nhưng khi một người bị cái nghiệp nhà báo vận vào người thì dù ở đâu, làm gì, người ấy cũng sẽ cầm bút. Mong vậy và tin vậy!”.
Nhiều bài báo của nhà báo Lê Văn Nuôi dù đã viết rất lâu nhưng vẫn đậm tính thời sự như “Cần ngăn chặn một dòng báo chí độc hại” viết năm 2000 nhân sự kiện đình bản tờ Văn nghệ và Đời sống vì chuyên đăng các tin về cướp giết hiếp, hay như bài về “Đặc trưng của tham nhũng: Mại quyền và lạm dụng công quỹ” viết năm 1995.
Nhà báo Nguyễn Đông Thức gọi Lê Văn Nuôi là “một nhà báo từ trong máu”, hai người đã có một quá trình cùng công tác và Nguyễn Đông Thức vẫn dõi theo Lê Văn Nuôi kể cả khi ông rời báo Tuổi Trẻ. Trong suốt quá trình đó, dù làm công việc kinh doanh nhưng ông vẫn “múa bút”, vì làm báo với ông không phải đơn giản là một nghề mà đã là nghiệp mang vào thân. Tập sách “Nhật ký một nhà báo” không chỉ ghi dấu hành trình những ngày làm báo với nhiều kinh nghiệm, từ cơm–áo–gạo–tiền đến đối nội, đối nại của một người đảm đương trách nhiệm cao nhất ở một cơ quan báo chí, mà còn là những bài viết đậm chất thời sự với thái độ dấn thân thật sự của một nhà báo hết lòng với lý tưởng.
Lê Thị Kim Hoa
Báo mạng điện tử K32
Tên sách: Nhật ký một nhà báo Tác giả: Lê Văn Nuôi Sách do NXB Trẻ phát hành (tháng 6.2012) Giá bìa: 90.000 đồng Số trang: 242
|
Cùng chuyên mục
Bình luận