Nhiều sinh viên báo chí đang "ngừng thở"
(Sóng Trẻ) - “Sinh viên báo chí mà không đọc báo, không cập nhập thông tin hàng ngày thì cũng như đang ngừng thở”. Câu nói khiến cho không ít sinh viên báo chí chúng ta phải giật mình để tự nhìn lại bản thân.
Điều khác biệt giữa sinh viên báo chí với những sinh viên trường khác, đó chính là việc chúng ta được sống, học tập và làm việc trong môi trường báo chí. Sẽ là điều hiển nhiên khi nói sinh viên báo chí phải luôn luôn theo dõi để cập nhật tin tức diễn ra hằng ngày, nhưng có một thực trạng đang diễn ra hiện nay đó là sinh viên báo chí đang dần mất đi thói quen đọc báo.
Nghề báo - nghề cao quý song cũng lắm gian nan chỉ dành chỗ cho những ai thật sự xứng đáng, những con người hội tụ đủ cả đức và tài. Để trở thành một nhà báo, sinh viên phải nỗ lực rèn luyện rất nhiều về cả sức khỏe, kỹ năng lẫn phẩm chất đạo đức. Nhưng một trong những điều cơ bản đầu tiên mà bất kỳ sinh viên báo chí nào cần có đó là phải nắm bắt được những sự kiện đang diễn ra trong đời sống, cũng như nắm bắt được xu hướng báo chí hiện nay và điều đó chỉ có thể có được khi chúng ta theo dõi báo chí hằng ngày.
Xem, đọc, nghe báo hàng ngày không chỉ giúp sinh viên báo chí nắm bắt được những sự kiện đang diễn ra quanh mình mà còn chính là một cách để sinh viên học làm báo. Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, sinh viên báo chí không gặp bất kì khó khăn gì để cập nhật tin tức hàng ngày. Chỉ cần một cú kích chuột, chúng ta dễ dàng nắm bắt được mọi tin tức trên mọi lĩnh vực của đời sống không chỉ từ một nguồn mà là nhiều nguồn khác nhau.
Ngay trang mạng xã hội Facebook đang được giới trẻ rất ưa thích hiện nay cũng chính là một kho thông tin, sự kiện. Facebook, chính nó là một phương tiện truyền thông hữu hiệu, có sức lan toả mạnh mẽ. Song nhiều người, thậm chí có các nhà báo tương lai lại không biết điều đó để tận dụng lợi thế của mạng xã hội trong việc khai thác thông tin hằng ngày. Thậm chí, Facebook còn có nhiều diễn đàn liên quan đến báo chí - nơi các nhà báo trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, bàn bạc về những vấn đề đang diễn ra trong đời sống. Những diễn đàn này thật sự rất có ích cho sinh viên báo chí. Thế nhưng, chúng ta đang sử dụng Faceboook không hề hiệu quả, nó dường như chỉ là phương tiện để sinh viên giải trí, trò chuyện phiếm với bạn bè. Quả thật, sẽ là rất phí hoài nếu chúng ta bỏ qua một phương tiện học báo hiệu quả như vậy.
Không cập nhật thông tin báo chí hằng ngày đã là điều đáng buồn đối với sinh viên báo chí. Nhưng sẽ còn nguy hiểm hơn khi chúng ta theo dõi thông tin nhưng lại theo dõi chúng một cách mơ hồ, không đến nơi đến chốn.
Một điều dễ nhận thấy ở sinh viên báo chí đó là mạnh về hoạt động bề nổi nhưng lại thiếu đi chiều sâu. Điều này được chứng minh ngay trong cách các bạn đọc, nghe, xem và tìm hiểu về một vấn đề. Đối với người học báo, đọc báo hằng ngày không chỉ để thu thập thông tin đơn thuần mà từ những thông tin đó cần phải có cái nhìn rộng và sâu về sự việc, hiện tượng. Đứng trước một sự việc nếu ta không tìm hiểu kĩ càng thì chắc chắn sẽ không thể có cái nhìn đúng đắn và đa chiều về nó.
Xuất phát từ việc tìm hiểu một cách hời hợt, không sâu sắc về sự việc; ta có thể có cách nhìn và hướng đi sai lệch. Đối với người làm báo, sự thật là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng vì “Một nửa cái bánh mì là bánh mì nhứng một nửa sự thật thì không còn là sự thật”. Điều này đòi hỏi nhà báo trước tiên phải tìm hiểu kĩ càng sự việc, phân tích đâu là đúng, đâu là sai, để từ đó mang đến cho công chúng những thông tin chân thực, khách quan nhất.
Vì thế mà ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên báo chí cần rèn luyện cho mình thói quen tìm hiểu, nghiên cứu đến ngọn ngành đối với bất kỳ sự việc hiện tượng nào. Từ việc tìm hiểu rõ ngọn ngành, ta mới có thể đưa ra nhận định đúng đắn, có lập trường quan điểm vững vàng. Đây chính là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng đối với người làm báo.
“Sinh viên báo chí mà không đọc báo, không cập nhập thông tin hàng ngày thì cũng như đang ngừng thở”. Và nhiều sinh viên báo chí ngày nay đang không “thở” cùng với hơi thở của cuộc sống. Cũng giống như con người chúng ta không thể ngừng thở, thì sinh viên báo chí cũng không thể không đọc báo. Không báo chí, liệu có phải ta đang tự giết chết mình!
Phạm Thị Thùy Dung
Truyền hình K31-A1
Cùng chuyên mục
Bình luận