Nhọc nhằn muối mặn người diêm dân
(Sóng trẻ) - Nghệ An những ngày tiết trời nắng gắt là thời điểm vàng của nghề làm muối. Hàng ngày “cõng” nắng, thu nhập bấp bênh, cuộc sống vất vả là vậy nhưng những diêm dân nơi đây vẫn lạc quan, quyết tâm bám trụ giữ nghề truyền thống của cha ông.
Quỳnh Nghĩa là một xã ven biển thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ở đây, người dân làm muối từ lâu đời, số ít làm nghề đánh cá. Các công đoạn làm muối đều được làm thủ công nên có chất lượng tốt, sử dụng chủ yếu cho nghề chế biến hải sản và tiêu dùng trong nước. Năm 2019, HTX Nghĩa Phú (Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lưu) được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là “Làng nghề”.
Đất là một trong những yếu tố quan trọng làm nên độ mặn của muối, đòi hỏi người làm muối phải cào, xới xáo và phơi đều mỏng dưới nắng để thẩm thấu nước biển.
Nước biển sau khi thẩm thấu qua lớp đất, để dưới ánh nắng mặt trời sẽ cho ra một hợp chất, gọi là nước chạt, có độ mặn nhất định. Nước chạt sẽ tiếp tục được phơi nắng qua các ô nại. Tốc độ nước bay hơi sẽ phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và nền sân phơi.
Để đảm bảo quy trình làm muối, diêm dân phải dậy từ 3-4 giờ sáng để vãi cát vơi trên sân đất nện và lấy nước chạt phơi trên ruộng muối cho đến lúc mặt trời lên. Buổi chiều từ 2 giờ hơn, họ lại tiếp tục ra ruộng muối để thu cát và lọc nước, làm xong những việc đó thì vừa hết nắng và bắt đầu thu hoạch muối trên sân bê tông.
Làm muối là nghề “cõng nắng”. Trời càng nắng, muối thu hoạch được càng nhiều. Ngược lại, nếu trời mưa thì coi như người diêm dân “mất trắng”. Vì vậy, người dân tận dụng những thời điểm nắng nóng gay gắt nhất để ra đồng. Dưới cái nắng 39- 40 độ của xứ Nghệ, mặc sự bỏng rát từ những đợt gió Lào thổi qua, người làm muối vẫn cần mẫn làm việc trên ruộng. Khắc nghiệt của thời tiết không khiến họ mệt mỏi. Ở họ, đó là sự lạc quan, tin tưởng một ngày thu hoạch tốt.
Trong năm, người dân chỉ làm vào những ngày có nắng, đặc biệt trong 4 tháng mùa hè. Trung bình tổng sản lượng mỗi năm bà con chỉ sản xuất được khoảng 4000 tấn muối. Giá muối giao động từ 900 – 1.000 đồng/kg. Thu nhập của diêm dân không đủ để nuôi gia đình. Đời sống người dân vẫn còn rất nhiều khó khăn. Vào những thời điểm trái mùa vụ, một vài người làm thêm các công việc khác như làm thuê, đánh cá, phụ hồ,.. Dù còn nhiều vất vả, thế nhưng trong tâm trí mỗi người dân nơi đây, muối không chỉ đơn thuần là một nghề. Với những người diêm dân, nghề muối là điều quý giá nhất mà cha ông để lại và sứ mệnh của họ là bám trụ và giữ gìn.
Ngày hè của những đứa trẻ làng muối, thay vì đi chơi, thả diều như bạn bè cùng trang lứa, các em lại thích được ra đồng muối. Có nhiều em từ khi lên 9 đã theo bố mẹ học cách thu hoạch muối, dẫm đất. Ký ức tuổi thơ của các em là những ô nại trắng tinh khiết, nụ cười hân hoan hãnh diện trước những thành quả mình làm ra.
Sự nhọc nhằn mặn chát vị muối biển đã in sâu hình ảnh những người diêm dân lạc quan, chịu thương, chịu khó và kiên cường. Hoàng hôn buông xuống, những chiếc xe kút kít lẳng lặng tiếp nối nhau cùng bà con chở muối vào kho.